Nhà thơ Việt Phương ở Geneva

TP - Tôi nhấn chuông một căn hộ ở khu Hoàng Cầu, Hà Nội. Mở cửa là nhà thơ Việt Phương, người còn lại trong 5 người của phái đoàn đàm phán Hiệp định Geneva gồm 32 vị. Lanh lẹ, mẫn tiệp và thông tuệ. Khó ai nghĩ ông đang ở tuổi 86.

Vẫn đậm trong tâm trí lần gặp đầu tiên cách đây đã lâu cùng câu chuyện ông trở thành thư ký riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tên thật là Trần Quang Huy, con trai út của một gia đình bố làm nghề giáo, mẹ chạy chợ bán rau ở phố Mai Hắc Đế, từng học trường Bưởi trở thành người lính Vệ quốc đoàn xung phong Nam tiến đợt đầu tiên và trở thành Chính ủy Trung đoàn khi mới 18 tuổi là cả một câu chuyện dài…

Nhà thơ Việt Phương ở Geneva ảnh 1

Khung cảnh của buổi ký kết hiệp định Geneva.  Ảnh: Tư liệu

Năm 1947, tại khu Năm tiến hành Đại hội thành lập Đoàn thanh niên Cứu Quốc Nam Trung bộ. Ông Phạm Văn Đồng khi đó là đại diện Chính phủ tại Trung bộ kiêm Bí thư­ Đảng khu Năm đến dự đại hội. Một cuộc gặp trước với những đại biểu có tham luận trong đại hội, đồng chí Phạm Văn Đồng để ý thấy đại biểu Quân đội là một thanh niên trẻ măng đã không có bản báo cáo sẵn như­ nhiều đại biểu khác theo quy định.

“Đồng chí bao nhiêu tuổi?”. “Báo cáo tôi mười tám tuổi ạ!”. “Tại sao đồng chí không chuẩn bị bản báo cáo như­ các đồng chí khác?’’. “Báo cáo tôi quen nói miệng rồi’.’ Đồng chí học lớp mấy?’’ “Báo cáo tôi tốt nghiệp tú tài phần thứ nhất...’’. “Đồng chí nói đ­ược tiếng Pháp, tiếng Anh?’’. “ Thư­a, được ạ...’’. 

Bản tham luận “miệng’’ sau gần hai mư­ơi bản tham luận khác trong đại hội có phần “trội’’ chả hẳn súc tích sinh động mà người trình bày nó bằng lối nói khúc chiết rành rẽ và có phần ... hùng biện nữa đã gây ấn tượng. Cựu học sinh trư­ờng Bưởi Phạm Văn Đồng gặp tân học sinh trường Bưởi Trần Quang Huy hay “lý do’’ gì không biết nữa... Như­ng đó cũng là thời điểm Đảng ủy viên kiêm Chính ủy Trung đoàn 95 Trần Quang Huy trở thành ngư­ời giúp việc của đồng chí Phạm Văn Đồng với tên gọi mới Việt Phư­ơng!

Năm 1954, đang công tác ở chiến khu Tuyên Quang, thư ký Việt Phương khi đó tròn 26 tuổi nhận lệnh tháp tùng Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng để đi Geneva. Đoàn đại biểu chính thức có Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Công Tường.

Gạn thêm nhận xét về thành viên của phái đoàn chính thức, ông bộc bạch, ông Hoàng Văn Hoan thì Hán học; Luật sư Phan Anh, bằng Tiến sĩ Kinh tế, tiến sĩ Luật; Tạ Quang Bửu, từng tu nghiệp ở Pháp có tới 5 bằng kỹ sư; Trần Công Tường, Tiến sĩ Luật học.

Đoàn tùy tùng gồm 32 người. Hiện 5 người còn sống. Ông nói mới có cuộc hội ngộ ở Hà thành với Đại tá Hà Văn Lâu ở phía Nam bay ra năm nay tuổi tròn 96. Cụ Lê Danh khi đó phụ trách lễ tân đã 87. Ông Đoàn Đỗ là văn thư của Đoàn cũng chẵn 88. Người trẻ nhất còn lại là cụ Nguyễn Lanh tuổi cũng đã 82. Tại cuộc lễ trọng nhà nước kỷ niệm 60 năm Hiệp định Geneva trong đó có thủ tục phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT cho Quân đội nhân dân Việt Nam và Phái đoàn đàm phán Geneva, thành viên thư ký Đoàn kiêm thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Việt Phương sẽ thay mặt cho nhóm 5 cụ còn sống vinh dự được lên phát biểu và nhận phần thưởng cao quý này cho phái đoàn đàm phán.

Nhà thơ Việt Phương ở Geneva ảnh 2

Nhà thơ Việt Phương. ảnh: Xuân Ba

Hồi ức của ông dần dà phát lộ làm câu chuyện buổi chiều tại nhà riêng thêm sinh sắc. Thành viên của Đoàn hồi ấy khá phong phú. Dường như những người tài, ưu tú đều được huy động sử dụng? Có hai ông bác sĩ, BS Bùi Sĩ Quốc khi đó đang làm nhiệm vụ ở Liên Xô phụ trách Cục Quân Y và BS Nguyễn Trinh Cơ, Hiệu phó ĐH Y. Chuyên môn ít khi được sử dụng (vì anh em đều mạnh khỏe) mà tiếp khách là chính. Hai vị này tiếng Pháp rất giỏi!

Đoàn có 2 bảo vệ. Ông Nguyễn Minh Tiến sau này là Thứ trưởng thường trực Bộ Công an. Ông Lê Hữu Qua năm 1946 từng tham gia phá vụ án Ôn Như Hầu. Việc bảo vệ an ninh cho Đoàn hầu hết đều do Thụy Sĩ đảm trách.

Lại chu đáo có cả lái xe. Mà được lựa chọn cẩn thận. Đó là ông Ngọc Nền lái xe riêng cho Bác Hồ. Thời gian ông Nền ở Geneva, lái xe của ông Phạm Văn Đồng được thế vào vị trí đó. Nhưng cũng để phòng thôi bởi ở Geneva có xe đâu mà lái, ông Nền được phân công làm quản lý cho Đoàn.

Hơn 70 ngày đêm của thời gian họp, từ 8/5 đến 21/7/1954, như ông đương rủ rỉ là vô số những cam go căng thẳng do chịu sức ép từ nhiều phía của một Hội nghị quốc tế có đến 9 bên tham gia mà mỗi bên đều có toan tính và lợi ích riêng của mình. Hoạt động của Đoàn Việt Nam là một hành trình đấu trí đấu lực căng thẳng. Đã phải chắt chiu giữ vững từng bước tiến nhỏ. Cẩn thận cân nhắc từng câu, chữ trong các dự thảo văn kiện. Nhưng cũng có những lúc thư giãn. Tranh thủ chơi thể thao, tham quan một vài danh lam thắng cảnh ở Geneva. Lại hướng dẫn cho đầu bếp nước ngoài chế món phở Việt. Có lần mấy anh em đi ô tô từ Thụy Sĩ sang đất Pháp nhìn cảnh nhìn người được lính Pháp canh biên giới hoan nghênh và mời sang.

Giọng ông trầm xuống khi nhắc đến 4 yếu nhân trong Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ đã qua đời. Rồi trong 8 người chỉ huy của 4 sư đoàn chủ lực, 7 tướng đã mất chỉ còn lại vị chỉ huy sư đoàn pháo binh. Tất cả 5 thành viên chính thức của Đoàn đại biểu Việt Nam tại Geneva đều đã mất. Trong 32 chuyên gia cán bộ nhân viên của Đoàn hiện chỉ còn 5 người.

Trong câu chuyện, ông cũng đề cập đến những cuộc đi đêm của Trung Quốc với Pháp tại Geneva đã được Đoàn ta báo cáo về nước nên ở nhà đã nắm được thông tin nên không hề bất ngờ!

Bất ngờ? Là thời gian đó có một cuộc gặp hẹp bí mật của ông Chu Ân Lai, Trưởng đoàn Trung Quốc với Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Liễu Châu, Trung Quốc. Chu Thủ tướng đột nhiên đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 17 có sông Bến Hải làm ranh giới tạm thời (nghĩa là khá xa lên phía Bắc với phương án đề xuất của ta). Bác và Đại tướng không đồng ý, Chu Ân Lai đã phát biểu thế này, xin lĩnh ý của Chủ tịch và Đại tướng nhưng xin Chủ tịch và Đại tướng thông cảm. Chúng tôi là tướng ngoài biên ải (ý nói ở mặt trận Geneva) nên được tùy ý quyết định!?

Chất giọng trong rõ cố hữu của nhà thơ như vỡ rè khi ông nhắc đến thời điểm lúc 24 giờ ngày 20/7/1954 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Rồi ngày 21/7, Hội nghị họp phiên toàn thể để đọc bản Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điểm nội dung là tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Các đại biểu đọc diễn văn bế mạc cam kết tôn trọng Hiệp định Geneva. 

Có lẽ ám và hằn lâu hơn trong tâm trí người thư ký riêng ấy hình ảnh người thủ trưởng của mình trong phiên họp cuối cùng ngày 21/7. Trong lúc các trưởng đoàn phát biểu về kết quả Hội nghị, nhiều vị tỏ vẻ hài lòng về Hiệp định đã đạt được, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng vẻ mặt ưu tư đã chọn một tư thế… Tư thế mà nhà thơ Việt Phương tả thế này, ông Phạm Văn Đồng ngoảnh về hướng Nam, nơi có Tổ quốc Việt Nam với những lời xúc động Đoàn ta đã cố gắng hết sức mình nhưng mới chỉ giành lại một nửa đất nước phía Bắc sông Bến Hải. Cuộc chiến đấu của dân tộc ta sẽ còn phải tiếp tục lâu dài…

Người thư ký riêng năm ấy của Thủ tướng ngừng lời… Trong căn phòng tĩnh mịch im lặng dường như có lời nhắc, trước hiểm họa âm mưu của Mỹ chia cắt lâu dài đất nước, trước những toan tính và lợi ích riêng của các nước lớn dự Hội nghị. Mà ta lại đang ở thế cô…

Hòa bình lập lại ở miền Bắc nhưng hòa bình phải gắn liền với Độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ. 

Dường như những ngậm ngùi cay đắng cùng kinh nghiệm xương máu ấy đã được vận vào những trạng huống Hội nghị Paris sau này? Và bây giờ ở biển Đông nữa? 

Câu chuyện của ông khiến tôi nhớ đến hồi ức của một cán bộ làm việc gần Bác Hồ.

Sau thời điểm Hiệp định Geneva. Tối hôm đó, Bác tiếp đoàn đại biểu miền Nam do luật sư Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ dẫn đầu. Sang phần văn nghệ tự biên tự diễn đã thành lệ trên chiến khu mỗi khi họp Hội đồng chính phủ, Bộ trưởng Phan Anh, nguyên là thành viên phái đoàn đàm phán Geneva đứng lên ứng khẩu:

Tiệc vui Nam Bắc một nhà /Quân dân, lương giáo bên Cha sum vầy/Chén mừng nhớ bữa hôm nay/Chén vui thống nhất ngày này hai năm.

Cử tọa vỗ tay nhiệt liệt. Bác cũng vỗ tay, nhưng đợi lúc ra về, Người vỗ vai ông Phan Anh nói nhỏ: Thơ “thầy cãi” khi nãy tứ hay nhưng có một ý mình chưa tiện bình. Lạc quan tếu đấy. Lúc này nói ra rộng rãi chưa có lợi. Với riêng tác giả, mình bình thế này:

Đấu tranh thống nhất ắt dài /Hy sinh gian khổ chẳng vài năm đâu! Hai mươi năm nữa là mau. 

Những ý tưởng lớn thường gặp nhau? Người đứng đầu Trung ương Cục miền Nam Lê Duẩn khi nhìn thấy hình ảnh những người tập kết hân hoan giơ hai ngón tay ra dấu hai năm nữa sẽ Tổng Tuyển cử thống nhất đất nước, ông đã khóc! Và chiều ấy, Lê Duẩn đã lên con tàu Ba Lan chở người tập kết trước sự chứng kiến của đông đảo báo chí nhưng đến đêm đã lặng lẽ bí mật xuống một chiếc ca nô trở lại bưng biền. Ông ôm hôn ông Lê Đức Thọ anh ra nói với Bác hai mươi năm nữa mới gặp nhau…

Và Nghị quyết 15 (Nghị quyết Hội nghị 15 của BCH T.Ư Đảng tháng 1/1959, xác định phương thức cách mạng Miền Nam là dùng bạo lực cách mạng đấu tranh vũ trang) đã ra đời như thế đó!   

Đêm 17/7/2014

Cầm tập thơ Nắng của nhà thơ Việt Phương mới xuất bản mà ông tặng, chợt nhớ thêm câu thơ ông viết trong Cửa Mở ngày nào… Như gẫm thêm những thông điệp mới

Ta đã thấy những chỗ lõm lồi trên mặt trăng sao

Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao

Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin

Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả

Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kì lạ

Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn

MỚI - NÓNG