Tăng giá điện, nước:

Nhà trọ 'té nước theo mưa'

Nhà trọ 'té nước theo mưa'
TP - Nhà nước vừa công bố mức tăng giá mới, nhiều chủ nhà trọ đã "té nước theo mưa",  tăng giá điện, nước.

Tại khu trọ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội), nơi tập trung khoảng 10.000 SV các trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kiến trúc, HV Bưu chính Viễn thông…, SV cho biết, điện, nước rục rịch tăng giá từ giữa tháng 2/2009.

Theo án mới đây của Cục Cơ sở vật chất Thiết bị Trường học (Bộ GD – ĐT), chờ Chính phủ phê duyệt, sẽ đặt xây dựng thêm  970.000m2 nhà ở mới cho SV và cải tạo khoảng 730.000m2 kí túc xá cũ vào năm 2012.

Để đạt được mục tiêu này, cần 6.000 tỷ đồng, trong đó 4.000 tỷ đồng xây mới, để có đủ chỗ cho 50-60% SV.

“Mới đầu, chủ nhà trọ thông báo tăng thêm 10.000 đồng/người tiền nước và 500 đồng/số điện nhưng đầu tháng 3/2009 đã quyết định tăng gấp đôi, mỗi người phải đóng 45.000 đồng tiền nước và 2.500 đồng/số điện. Chủ nhà giải thích là nhà nước tăng giá nên mình phải theo”- Quý Hưng, SV ĐH Hà Nội, trọ tại ngõ 6, Phùng Khoang nói.

Theo ghi nhận của PV tại một loạt khu trọ khác như Triều Khúc (quận Thanh Xuân), Tân Triều (huyện Thanh Trì), nơi tập trung SV các trường ĐH KHXH&NV, CĐ Giao thông Vận tải, CĐ Xây dựng… giá nước đều tăng thêm 20.000 – 30.000 đồng/người/tháng, giá điện tăng thêm 1.000-1.500 đồng/số so với các mức giá cũ.

Đặng Văn Nam, SV CĐ Giao thông, trọ tại ngõ 54 Triều Khúc: “Cả xóm trọ đều lo lắng, song mọi người nghĩ các xóm trọ khác đều thế nên không ai tính chuyện chuyển đi”.

“Với giá này, mỗi tháng, SV phải chi trả thêm 150.000 -200.000 đồng tiền điện nước” - Nguyễn Chí Trung, ĐH Hà Nội, trọ tại khu Phùng Khoang nói.

Ở khu vực đường Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng), SV các trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân vốn dùng điện nhiều, phải di cư xuống tận khu vực Giáp Bát ở trọ để tránh chủ nhà trọ tăng lên 3.000 đồng/số điện tính vào giá đầu tư điện kế mới.

Tại Triều Khúc, nhiều xóm trọ SV phải tiết kiệm bằng cách quay trở lại dùng nước giếng khoan mặc dù nguồn nước ở đây được xác định nhiễm dầu bởi làng nghề đồng nát Tân Triều bên cạnh.

 “Mỗi tháng có 700. 000 đến 800.000 đồng nhà gửi lên nên đành cắn răng dùng tạm để khỏi thâm hụt tiền học hành và tiền ăn hàng tháng”- Một SV tại Triều Khúc than thở.

Nhà trọ ăn theo giá điện, nước

Trong dịp đối thoại trực tiếp mới đây với SV TP Hà Nội, ông Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, tổng kết: “Nhà trọ SV có thể nói gọn trong mấy chữ: Chật chội, ẩm thấp, tối tăm và đắt đỏ!”.

“UBND TP yếu kém trong việc quản lí quy hoạch đô thị hoặc chưa tính đến những việc này. Địa giới hành chính thủ đô được mở rộng, quỹ đất cho nhà trọ SV chất lượng cao cũng như những khu vui chơi giải trí sẽ được tính đến trong thời gian nhanh nhất. Sắp tới, UBND TP cũng sẽ tham mưu cho bộ GD & ĐT soạn thảo quy chế quản lý nhà trọ SV”- Ông Chiến nói.

Không chỉ tăng giá điện nước, nhiều chủ nhà trọ nhân dịp này cũng đồng loạt tăng giá phòng. Ngay tại Phùng Khoang, SV thuê trọ phải trả từ 400.000 - 450.000 đồng/phòng có diện tích 12-15 m2 thay vì 300.000 đến 350.000 đồng như trước.

Đặc biệt, tại các xóm trọ khu vực chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) nơi tập trung SV các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Luật phải chịu giá tới 800.000 – 1.000.000 đồng với diện tích phòng tương tự.

Cũng tại các khu vực trên, nhiều nhà trọ mới mọc lên theo nhu cầu chỗ ở của SV. Tuy nhiên, diện tích các phòng lại được các chủ trọ xây hẹp hơn, chỉ còn khoảng 8-10m2.

“Những phòng này vừa hẹp, vừa nóng như lò thiêu”- Phan Văn Tùng, SV trường ĐH Quốc gia HN đang tá túc tại một xóm trọ khu Chùa Bộc than thở.

Thắt lưng buộc bụng

Để đối phó với việc tăng giá phòng trọ, giá điện nước, SV chấp nhận đường xa đi thuê ở những nơi vùng ngoại thành như Hà Đông, Mai Dịch, Xuân Đỉnh...

Tại các khu vực này, đất nông nghiệp cũng được tận dụng để xây nhà trọ mới, giá phòng cũng rẻ hơn, với mức 250.000- 300.000 đồng/phòng diện tích 10-12m2. Giá điện nước cũng mềm hơn với giá 2.000 đồng/số.

Tại TPHCM, ngay khi giá điện rục rịch tăng, nhiều sinh viên ở khu nhà trọ tại Làng đại học Thủ Đức chuyển qua dùng chung một máy tính, tranh thủ lên thư viện các buổi trưa trốn nóng, các phòng học trên trường và tranh thủ sạc ké laptop ở nơi khác.

“Hiện tại giá điện ở chỗ mình là 2.000 đồng/kw, nước thì 15 nghìn/mét khối”- sinh viên Nguyễn Đăng Khoa- ĐH Bách khoa TPHCM, nói.

Nhà trọ 'té nước theo mưa' ảnh 1
Không chỉ tăng giá điện, nhiều khu vực xóm trọ còn thường xuyên mất điện khiến SV phải đốt nến học bài. (Ảnh chụp tại xóm trọ Triều Khúc tối 27/2). Ảnh: PV

Công nhân cũng chung cảnh ngộ

Chiều 2/3, khi chúng tôi ghé thăm khu nhà trọ dành cho công nhân ở hẻm 27 đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM nhiều công nhân nơi đây cho biết, từ cuối tháng 2 bà chủ của dãy bảy phòng trọ thông báo tăng giá điện tháng 3.

Nguyễn Thị Sương, công nhân công ty may Đông Minh, ở khu chế xuất Tân Thuận cho biết, cuối năm 2008 đến nay, mỗi tháng phòng trọ của Sương dùng hết 90 số điện, mỗi số được tính giá 2.000 đồng. Tuy nhiên, theo thông báo miệng của chủ nhà trọ, tháng 3 này mức điện sẽ tăng lên 3.000 đồng/ kw.

Tại dãy nhà trọ ở số 452 đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM Trần Thị Phượng, công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận, mới nghe chủ nhà trọ nói tăng giá điện nhưng không biết sẽ tăng lên mức bao nhiêu.

“Nước cũng tăng giá. Nếu tăng thêm tiền điện, chắc công nhân tụi em chết quá”- Phượng than vãn. Trước Tết phòng trọ có bảy người ở. Sau Tết công nhân về quê không vào, chỉ còn bốn người ở. Tiền nhà trọ 850.000 đồng/tháng, cả bốn người phải xoay xở để trả. Nay tăng tiền điện, nước lên nữa chắc khó trụ nổi.

Nhiều công nhân làm ở khu Công nghiệp Thăng Long trọ ở thôn Bầu, thôn Cổ Điển (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) từ trước đến giờ chịu giá điện khá dễ chịu so với thuê trọ ở trong nội thành, chỉ từ 1.000 đồng/số điện nhưng giờ đang sợ các chủ nhà trọ nhân việc tăng giá điện mà té nước theo mưa và giá sẽ chạy nhanh hơn nhiều mức tăng của nhà nước.

Giá bán điện cao nhất do ngành điện đề ra chỉ là 1.790 đồng/số điện, nhưng từ lâu, công nhân thuê trọ đã phải trả với mức giá cao hơn. Đến nay, tại nhiều khu nhà trọ giá một số điện lên đến 2.000 - 3.000 đồng.

Nhiều công nhân thừa nhận không biết chính xác giá điện của nhà nước tăng bao nhiêu: “Chỉ nghe bà chủ phong thanh giá điện tăng bắt buộc lên 3.000 đồng/số điện nếu mình không muốn phải chuyển nhà trọ”, Chị Nguyễn Hương - công nhân Cty Tokyo Khu Công nghiệp Thăng Long (Đông Anh), nói.

Nhiều chủ phòng trọ giải thích: “Điện nhà nước tăng giá thì chúng tôi cũng phải tăng thôi. Chả nhẽ chúng tôi chịu thiệt…”.

Trần Phong - Đỗ Hợp -
Lê Nguyễn- Hữu Nghĩa

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.