Nhà văn đạp xe xuyên Việt - Bài 3: Bên sông Trà, chiều sâu lắng

Nhà văn cùng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (phải) tại Đà Nẵng.
Nhà văn cùng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (phải) tại Đà Nẵng.
TP - Đón Phạm Ngọc Tiến bên sông Trà, người đầu tiên không phải là tôi. Mà là một đoạn thơ của cố giáo viên dạy Địa trường Trần Quốc Tuấn, tục gọi là thầy Châu “điên”. Lại điên. Đoạn thơ ấy đã được rất nhiều bạn văn nghệ ở miền Trung thuộc lòng, nó như thế này (phải đọc và viết đúng âm giọng Quảng Ngãi): “Trong cuộc đời xã hội hôm naay/Yêu cho lắm mới chịu nhiều caay đéng/Anh đi bên em, chiều sâu léng…”.

Bên sông Trà, chiều sâu lắng

Đúng là một chiều “sâu léng” bên sông Trà, khi dòng sông vừa được bù thêm một ít nước mưa. Người thực sự đón Phạm Ngọc Tiến khi anh cán đích Quảng Ngãi là anh Sửu-một cán bộ công an vừa mới về hưu. Đây là một tình cảm thật sự anh em “tứ hải giai huynh đệ”, và nhờ facebook kết nối. 

“Tôi nhận thức được rằng, chẳng có sứ mạng to tát nào dành cho nhà văn cả. Giản đơn chỉ là anh hãy sống và viết từ chính thu nhận đời sống. Vậy thôi. Hãy là người trong cuộc”.

Phạm Ngọc Tiến

Tiến và anh Sửu chưa gặp nhau bao giờ, nhưng họ gặp nhau hàng ngày trên “fây”. Và anh Sửu biết từng đoạn đường đạp xe của Tiến. Anh mời Phạm Ngọc Tiến về nhà mình tắm rửa, nhờ máy giặt giải quyết giúp đống quần áo lưu cữu mấy ngày, sau đó anh mời Tiến ra sông Trà “chiều sâu léng” làm mấy chai bia giải nhiệt. Dĩ nhiên, không thể thiếu tôi và thầy giáo Nguyễn Tấn Huy-hai người thân của Tiến ở Quảng Ngãi. Cuộc hội ngộ bất ngờ nên thật vui. Chúng tôi nói huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời, ăn vài món đặc sản của Quảng Ngãi như cá niêng (hay cá niên-thực tình tôi không thể viết đúng), hến xào, rau càng cua trộn… Tiến xơi có vẻ rất ngon miệng, chắc do đạp xe đường dài đang đói. Những câu chuyện Tiến kể dọc đường xuyên Việt khiến tất cả chúng tôi rất hứng thú. Tôi giục Tiến cố gắng ghi chép hàng ngày để sau khi về lại Hà Nội có thể tập trung viết một tập ký sự đường trường, trước khi có thể viết kịch bản phim và tiểu thuyết. Thì nhà văn chịu khó đạp xe 2.000 cây số cũng chỉ mong “kiếm” được từng ấy. Tiến nói, bà con Vũng Áng - Hà Tĩnh đã đặt hàng Tiến viết một kịch bản phim về vụ xả thải ác độc của Formosa, về tình cảnh sống dở chết dở của bà con phía biển bắc miền Trung sau thảm họa này. Nói Phạm Ngọc Tiến “vui vẻ nhận lời” như kiểu ngoại giao thì hơi quá. Nhưng Tiến đã mở tròn mắt, môi mím lại: có lẽ đó là dấu hiệu anh đã chấp nhận đơn đặt hàng. Quảng Ngãi còn ở khá xa Vũng Áng - Hà Tĩnh, nên tôi đã điện thoại liên lạc ngay với nhà thơ kiêm nhà viết ẩm thực cho báo Thanh Niên là Trần Cao Duyên ở Sa Huỳnh, báo tin Phạm Ngọc Tiến đang ở Quảng Ngãi, sáng ngày mai sẽ đạp xe vào Sa Huỳnh. Anh Duyên quá hồ hởi nhận lời làm hướng dẫn viên du lịch cho Tiến ở Sa Huỳnh, vùng biển tuyệt đẹp của Quảng Ngãi. Nhưng Tiến nói ngay: “Cho tôi du lịch tới bãi biển… nhậu thôi”. Gì chứ chuyện đó nhỏ như con thỏ. Sa Huỳnh mà thiếu bãi biển để ngồi nhậu mới là chuyện lạ. Tôi kể sơ lược cho Tiến nghe những đặc sản biển của Sa Huỳnh, không ngờ anh chàng này cũng đã biết cả. May mà Sa Huỳnh chưa phải là Vũng Áng, nếu không, anh em mình chỉ còn nước ngồi nhìn biển mà khóc. Tiến lại kể tôi nghe chuyện anh vào Quảng Bình được anh em cựu binh Gạc Ma còn sống sót đón tiếp tưng bừng như thế nào, rất cảm động:

“Nhà mới xây của cựu binh Hồ Văn Ba ở huyện Bố Trạch. Theo chỉ dẫn đến bụi tre duy nhất ở ven quốc lộ thì nhà báo Minh Phong đã đứng đón sẵn. Phong làm báo Sài Gòn Giải Phóng, có tên facebook là Cu Làng Cát. Đạp nắng mệt không để ý đến cái băng rôn treo ở đường rẽ vào làng. Các cựu binh Gạc Ma đứng đón, tay bắt mặt mừng thấy cảm kích và có phần ngạc nhiên. Chụp ảnh xong mới nhìn thấy tấm băng rôn mang dòng chữ: “Cựu binh Gạc Ma chào mừng nhà văn Phạm Ngọc Tiến”. Thấy ngường ngượng, bảo là mình đâu có đóng góp được gì cho ngôi nhà”.

Nhưng chỉ riêng cái việc Tiến đạp xe dừng ở Hà Tĩnh, ở Quảng Bình, tới thăm anh em cựu binh Gạc Ma, đã là đóng góp rồi. Mỗi người đóng góp một mảng, một góc, tạo nên môi trường nhân ái chung cho xã hội. Buổi tối, sau khi ngồi bên sông Trà “sâu léng” dù bây giờ nước sông quanh năm sát đáy, chúng tôi tạm chia tay. Tiến về nhà Sửu nghỉ đêm, hẹn sáng mai cà phê sáng xong mới lên đường. Nghĩ mãi, rồi thấm ra cái lẽ vì sao một nhà văn đã 60 tuổi còn đạp xe mải miết từ Bắc vào Nam. Đó là cái tình với đất nước, cái tình với nhân dân mình. Không ai bắt anh cả, tự anh chuốc khổ vào thân, cũng chẳng được “cái danh gì”. Nhưng được nhiều lắm. Được làm người tự do. Được nhìn ngắm đất nước mình dù còn bao xót xa, ngang trái. Được gặp gần gũi với bà con đồng bào mình, mà lâu nay, mình do “bận trăm công nghìn việc” nên ít tới tận những vùng quê xa hẻo lánh. Tôi lại nhớ, đọc sách nói hồi xưa Vua Minh Mạng tuy không có điện thoại di động hay internet nhưng chuyện gì xảy ra trong nước ông cũng biết và lập tức có chỉ thị giải quyết tới nơi tới chốn. Cách chức hay thăng chức cứ là nhanh như điện. Lại nhớ, hồi chống Pháp rồi chống Mỹ, chỉ với một chiếc xe đạp rách mà cán bộ bám sát dân, bám sát việc bất kể đêm ngày. Mỗi người tích cực một tí, cố gắng một tí, mới mong thắng được ngoại xâm.

Đường dài vạn dặm chớ rời tay nhau

Đạp xe hàng nghìn cây số như thế mà không có bạn dọc đường thì buồn lắm. May cho Phạm Ngọc Tiến, anh có rất nhiều bạn, kết nối từ nhiều đường dây khác nhau. Bây giờ có facebook, chuyện kết nối lại càng dễ dàng. Như buổi sáng ở Quảng Ngãi, sau khi uống cà phê vỉa hè với chúng tôi, Tiến lên xe phi một mạch vào Sa Huỳnh. 60 cây số chỉ đạp khoảng 11 giờ trưa là tới. Cũng là một “kỷ lục”. Trần Cao Duyên đã nghênh đón đúng địa chỉ, và lập tức đưa Tiến  ra bãi biển Châu Me kín đáo, thoáng đãng và đẹp tuyệt. Thì ra đó để… nhậu. Đúng như yêu cầu của Tiến. Bạn bè của anh Duyên nghe tin nhà văn Phạm Ngọc Tiến đạp xe vào Sa Huỳnh cũng kéo tới rất đông, thành một hội… nhậu. Chơi ở Sa Huỳnh từ trưa tới tối, lúc 7 giờ  tối tôi gọi điện thì Tiến vẫn còn ngồi trên bãi biển Châu Me, chưa chịu về nhà anh Duyên nghỉ ngơi để mai đạp xe tiếp. Tiến bảo: Ngồi ở Châu Me sướng quá! Mà đúng là sướng thật, vì tôi cũng vừa có dịp ngồi ở đó, cũng với “hướng dẫn viên” Trần Cao Duyên.

Châu Me là mảnh đất cuối của Quảng Ngãi kết nối với Tam Quan của Bình Định. Dân nhậu Bình Định vẫn ra Châu Me để nhậu, vì ở đây có những món đặc sản khá lạ, giá lại mềm. Khi tới Châu Me, tôi đã thấy những xe du lịch chở khách “tour”  đậu đầy các quán ven biển. Thì ra, bãi biển kín đáo này đã thành điểm du lịch từ hồi nào. Cứ đẹp cứ lạ cứ thân thiện là khách thập phương kéo đến thôi mà! Bây giờ mới biết, vùng đất nào càng thân thiện thì càng dễ có cơ hội phát triển. “Đường xa vạn dặm chớ rời tay nhau” là nói lên sự kết nối ấy giữa con người với con người, giữa vùng đất này với vùng đất khác trên đất nước mình. Vì vậy, rất cần những nhà văn, nhà báo chịu khó đạp xe không chỉ từ Bắc vào Nam, mà còn từ Bắc lên cực Bắc, từ Nam xuống cực Nam, tận mũi Cà Mau luôn. Để làm gì vậy? Để kết nối, để người Việt Nam mình không rời tay nhau. Được như thế, coi như sứ mệnh làm văn làm báo đã hoàn thành:

Tuy Hòa - Ninh Hòa 80 cây. Đi bị vòng quốc lộ mất 20 cây. Bắt xe ô tô qua đèo Cả và Cổ Mã. Ăn trưa tại Tu Bông. Thị xã thị trấn êm đềm, tối lại ăn nhậu số một đất nước. Rất đông hàng quán tràn ra khắp các vỉa hè. Nem chua Tuy Hòa, bánh canh Vạn Giã”.

Nhà văn đạp xe xuyên Việt - Bài 3: Bên sông Trà, chiều sâu lắng ảnh 1

Cùng Nhà sách nông thôn Nguyễn Quang Thạch (trái).

Thì ra, cũng có lúc Tiến phải ngồi ô tô, nhất là qua các con đèo lớn. Cũng là cần thiết, vì mục đích chuyến đi không phải để lập kỷ lục ngồi xe đạp từ Bắc vào Nam. Những đoạn lược kể ngắn ngủi như thế này có rất nhiều trong nhật ký hành trình của Phạm Ngọc Tiến. Nó đủ gợi cho anh khi đã bình tâm ngồi viết những trang văn nhằm mục đích kết nối các vùng miền, kết nối những con người ở khắp nơi trên đất nước mình. Tôi cũng đã từng nhiều lần đi Hà Giang, Cao Bằng, và sau khi về lại nhà, “như tại” thì viết được cái trường ca “Đám mây hình người thợ săn và con chó” mà tôi rất ưng ý. Anh Vừ Già Pó ở Mèo Vạc còn đi bộ được tới 7.000 km xuyên lục địa châu Á kia mà! Thế nào tôi cũng sẽ có dịp về lại Mèo Vạc với mục đích thăm cho được anh Vừ Già Pó - nhân vật trong trường ca của tôi. Anh phải biết nhân dân mình thực sự sống như thế nào, thì anh mới có thể thực sự yêu thương họ được. Phạm Ngọc Tiến đã chọn đúng cách, đạp xe sát sàn sạt nhân dân mình, mới thấu hiểu, cảm nhận đầy cảm xúc, và mới viết được những trang văn đẫm chất sống...

Tôi đọc những ghi chép rời rạc của Phạm Ngọc Tiến dọc đường xuyên Việt, và cảm thấy miền đất anh thấu hiểu nhất vẫn là miền Bắc, kể cả Bắc Trung bộ. Mỗi nhà văn đều có một miền đất “ruột” của mình, không chỉ nơi đó cho mình những trang văn trang thơ, mà còn là nơi mình “sống để dạ chết mang theo”. Nhưng nhà văn cũng cần mở tầm nhìn và tấm lòng mình tới những vùng đất khác, những vùng đất mới đối với mình. Nhưng, đổi lại, có khi đạp xe như thế là phải chấp nhận hiểm nguy, thậm chí cận kề cái chết :

“Đến gần hầm Đèo Ngang thì xảy một sự cố hy hữu suýt mất mạng. Đó là khi đạp đến đoạn cầu dẫn cửa hầm thì bất ngờ gió thổi to như lốc. Chiếc xe tròng trành khiến không thể làm chủ được tay lái. Vội nhổm người hạ mông xuống khung kịp thả chân xuống mặt đường. Chiếc xe vẫn bị gió tạt nghiêng hẳn, chính lúc đó may sao tay phải kịp vợt được lan can thành cầu. Như kiểu chết đuối vớ được cọc, cái cú vợt lan can có sức mạnh không thể giải thích nó giữ được cả người lẫn xe không đổ vật xuống đường. Tiếng phanh rít cháy đường. Một chiếc xe ca phóng với tốc độ thần chết loạng choạng vượt qua rồi đỗ lại cách mình chừng hai chục mét. Cảm giác rất rõ lúc chiếc xe lướt qua thành xe sát sàn sạt người. Nghĩ đến đấy thì cả xe lẫn người đổ vật ra”.

Cảm giác mạnh? Không phải đâu ! Đó là cái giá phải trả khi nhà văn muốn thực sự đi vào cuộc sống. Nó còn hơn cảm giác mạnh rất nhiều, vì đây không phải chuyện thử, mà là chuyện thật.

            __________________

    (Còn nữa)

MỚI - NÓNG