Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Ý nghĩ đầu Xuân

TP - Đầu Xuân bộc bạch  đôi dòng tản mạn mong góp vui cùng các bạn viết chào năm mới.

Đã hơn năm mươi năm  xa nhà, xa làng quê, đã từng được đến và ở nhiều nơi trên khắp ba miền Bắc Trung Nam của Tổ quốc, nhưng trong các giấc mơ của mình, tôi vẫn thường bắt gặp cảnh làng quê thuở thiếu thời, và sự  lặp đi lặp lại không bao giờ nguôi ấy, như có một phép màu giúp cho tâm hồn tôi trở nên bình yên trong các chặng đường đời. Tôi có thói quen, hễ gặp chuyện gì đó không vui, thế nào cũng tìm được lý do để “lủi” về quê ít ngày. Quê hương luôn luôn là nơi trú ẩn, là nơi giải tỏa và cũng là nơi an ủi, động viên, khích lệ ta, mặc dù có lúc đi xa, vì ham vui, vì mải việc mà ta vô tình quên bẵng thì quê hương cũng chẳng lấy làm  điều.

Thấm  đẫm  tuổi thơ, rồi tới tuổi trưởng thành ở độ mười lăm mười bảy, chạy suốt theo con đường làng “trơn như đổ mỡ um tùm cây gai” là những niềm vui thôn dã. Những trận mưa rào đầu mùa, cá rô lóc từ ao lên theo rãnh nước hai bên đường tới tận sân chùa. Những ngày chớm thu, heo may về se lạnh, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau bắt châu chấu cuối đồng. Rồi nhớ những đêm mò mẫm trong vườn, ngoài bờ mương, bờ ao soi bắt những chú dế chọi oai phong lẫm  liệt, giọng gáy chuông, vang khắp ba gian nhà. Cả cái mùi rơm khô, rạ mốc, mùi bỏng mật, cốm  xanh cùng với mùi bùn, mùi phân trâu, phân bò cho tới mùi thơm cá nướng, mùi ngọt canh cua, mùi khai con niềng niễng, mùi cay con cà cuống, mùi béo con muồm muỗm hơ quấy quả trên ngọn lửa đèn dầu cứ da diết trong tôi suốt những nẻo đường xa quê mẹ. Rồi mắt quả na, da quả mít, thơm thơm quả bưởi quả cam  vàng rám nắng. Những đêm rằm Trung Thu gió mát trăng thanh, khói trấu bay ngạt làng, lũ trẻ chúng tôi rùng rùng trống ếch múa lân, hong hóng trông giờ phá cỗ giữa sân kho hợp tác. Những trưa hè giang nắng thả diều, bắt chuồn ngô, đố nhau cho chuồn cắn rốn, để rồi cái rốn thì sưng mà tài bơi vẫn chỉ bập bõm. Nhớ  cái đêm đốt đuốc soi ếch, thả lờ, đơm trúm, bắt cá, mò cua, để có những bữa cơm ngày mùa ngoài đồng với cá chuối kho khô, cá trê om riềng mẻ, bát canh cua nấu mồng tơi rau đay ăn với quả cà pháo giòn tan. Giòn tan tiếng điếu cày rít thỏa thuê, đôi mắt lim  dim  của bác nông phu thả hồn mình phiêu lãng cùng tiếng sáo diều. Tôi đi đến đâu cũng nhớ chiều chiều mùa hè cả làng tôi đổ ra bến sông, thì thụp tiếng đập chiếu, tiếng đập nước, tiếng reo hò, và cả tiếng quát tháo, la hét gọi nhau chạy trước cơn mưa khi sấm nổ đùng đùng. Ấy là cơn  mưa rào giải nực, mẹ tôi vần qủa mít thơm  lừng từ xó bếp ra, để bổ cho cả nhà cùng ăn. Tôi xăng xái ra giàn mướp hái một nắm lá đem về xát  cho những miếng mít vừa được mẹ bổ ra vàng khươm hết nhựa. Cả nhà xúm xít cùng ăn cùng nhìn mưa trắng sân, trắng đồng mà hởi lòng hởi dạ. Câu chuyện cái tôm cái tép cùng với bà còng đi chợ đường xa, “cõng” theo cơn mưa nhập vào tuổi thơ rồi cứ thế theo tôi đến trọn đời. Trọn đời tôi nhớ những cuộc đánh trận giả vỡ làng, những đống lửa chân đê chiều Đông mưa phùn gió bấc. Khói do chúng tôi đốt từ đống  gốc rạ ùn ùn dâng lên, mùi cà-ra (một loại cua đồng)  nướng thơm lừng trùm  kín một miền kí ức hồn nhiên, trong trẻo đẹp nhất của đời người. Mùa nào lũ trẻ chúng tôi cũng có trò chơi. Xuân về chín mọng quả gấc lùm cây. Các trai làng kéo nhau ra tụ họp trên dược mạ, ùn ùn người phèng la cổ vũ cho đô vật của làng.  Các đô vật khố xanh, khố đỏ mình trần cuồn cuộn cơ bắp cùng nhau “lên đài”. Hội làng náo nức, cờ súy rợp đê, bên cống Thiên Bồng cây si già rủ muôn ngàn  rễ non tơ,  qủa chín rụng vàng, bầy chim  cu xanh từ xứ nào bay tới, đậu chĩu chịt ồn ào. Nắng xuân hưng hửng, hưng hửng má hồng các cô thôn nữ được chọn cầm quân cờ trên bãi đấu “cờ người” sôi động. Cả làng nơm nớp lo âu mỗi khi “quân ta” tiến thoái, thắng thì cả làng cùng vui, thua thì cả làng cùng cay cú buồn phiền. Một thứ buồn phiền cay cú cũng dân dã, quê mùa chỉ mong cho thời gian qua mau, để năm tới “quân ta” chiến thắng…

Là một người viết, cứ  đến thời điểm “tống cựu nghinh tân” thường hay gợi cho tôi biết bao điều nghĩ về nghề. Hay nói đúng hơn, những ý nghĩ  nhiều nhất về công việc thường ngày của mình. Thực ra không một nhà văn nào trong suốt hành trình sáng tác của mình lại không có một đôi lần viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi. Nhưng thành công thì không phải ai cũng đạt được. Văn học (cho) thiếu nhi và văn học (về) thiếu nhi hiện nay là cả một vấn đề lớn  rất đáng được các nhà văn, các nhà giáo, các nhà nghiên cứu và cả các nhà xuất bản sách (chuyên cho thiếu nhi) bàn luận.

Hiện tượng viết sách được các em đón nhận nồng nhiệt như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh  hơn chục năm nay vẫn là một hiện tượng độc nhất vô nhị.  Sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn luôn chiếm lĩnh văn đàn viết cho thiếu nhi in với số lượng lớn mà vẫn bán hết. Có nhiều nhà văn nói với tôi, mình đã “đọc thử” sách của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng đọc mãi vẫn không vô! Lại có nhà văn bảo, thấy con đọc say sưa, mình lấy đọc “nghiêm túc” coi thử trong ấy có cái gì mà trẻ nó ham mê vậy. Nhưng đọc không thể hết được! Tôi nghĩ, dứt khoát phải có “cái gì đó” trong bút pháp, trong thủ pháp, trong rất nhiều yếu tố như câu chuyện, lối kể chuyện, cách nắm bắt tâm lí, sự thể hiện “thế nào đó” mới khiến các em say mê đến vậy. Tôi đem điều băn khoăn này nói chuyện với mấy người bạn  có nhiều thâm niên biên tập sách ở nhà xuất bản Kim Đồng. Các bạn tôi bảo, hình như Nguyễn Nhật Ánh nắm được bí quyết quan trọng nhất, ấy là tâm lí lứa tuổi thiếu nhi và anh ấy rất hiểu sở thích của các em. Có thể nói, trong các câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh, anh quan tâm nhiều tới yếu tố giải trí, chọc cười. Nhận xét này theo tôi là chưa ổn, hình như vẫn còn thiêu thiếu. Tiếp theo, một người khác đưa ra nhận định: đó là tài năng và tâm huyết, thêm nữa, đó cả là định mệnh, cơ duyên của mỗi ngòi bút! - Trong văn học, chức năng giải trí là một chức năng đặc biệt quan trọng, nhất lại là văn học viết cho các em. Làm tròn được một chức năng giải trí “cỡ” Nguyễn Nhật Ánh là quý hiếm lắm. Nói vậy thì tôi tạm  chịu. Chịu thì chịu, nhưng về tôi nghĩ, nó cứ hình như còn có chút “gì đó” khiến tôi ngờ ngợ. Tôi vẫn cho rằng, đã là tác phẩm văn học hay thì tự nó sẽ vượt qua giới hạn của thời gian và tuổi tác. Ví dụ như “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, ở tuổi nào đọc cũng thấy hay, ở thời đại nào người đọc cũng thấy khoái. Nó được đón nhận như thế  nào thì cũng  tùy thuộc vào sự hòa hợp giữ hai tâm hồn người viết và người đọc…

Đầu Xuân bộc bạch  đôi dòng tản mạn mong góp vui cùng các bạn viết chào năm mới.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Ý nghĩ đầu Xuân ảnh 1 Nếp làng
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".