Nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Thiếu nhưng vẫn bí lối ra

Nhà VSCC 38 Hàng Giầy.
Nhà VSCC 38 Hàng Giầy.
TP - Dù hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội đang thiếu trầm trọng, nhưng việc đầu tư xây dựng mới vẫn đang giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, việc xử lý nạn tiểu tiện bừa bãi chưa được các đơn vị chức năng vào cuộc một cách quyết liệt.

Thiếu vẫn phải chờ

Bức xúc trước hiện tượng một công viên đẹp nhất giữa trung tâm Thủ đô lại trở thành “điểm đen” tiểu bậy, nhưng đại diện Công ty Công viên Thống Nhất tỏ ra phải chấp nhận “sống chung” với tình trạng này. “Công viên là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn, thường xuyên có nhiều người qua lại nhưng ý thức của một số người còn rất kém. Hiện chúng tôi chưa có biện pháp xử lý triệt để nạn tiểu bậy mà chỉ nhắc nhở khi nhìn thấy”, vị cán bộ Công ty Công viên Thống Nhất cho biết. Cũng theo vị này, trước khu vực cổng chính của công viên (cạnh Rạp xiếc Trung ương-PV), trước đây cũng có một khu nhà VSCC do đơn vị quản lý, nhưng hiện tại đang chờ xin phép cơ quan chức năng để cải tạo.

Công ty Môi trường đô thị Hà Nội là đơn vị hiện được thành phố giao duy trì khoảng 170 nhà VSCC trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở 4 quận nội đô gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. “Trong số 170 nhà VSCC này hiện chỉ có khoảng 17 nhà VSCC ở mặt phố, số còn lại tập trung ở các ngõ ngách, khu tập thể đông dân cư. Phần lớn nhà VSCC này đã được xây dựng từ rất lâu, có nhà VSCC được xây trên 20 năm nay nên xuống cấp xập xệ. Chủ trương cải tạo, đầu tư xây dựng mới các nhà VSCC này vẫn phải chờ thành phố”, lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị, nói.

Ông Nguyễn Nguyên Trà, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng) cho biết, Sở đang quản lý 171 nhà VSCC xây bằng gạch và 40 nhà VSCC bằng thép. Số nhà VSCC này được Sở giao cho Công ty Môi trường đô thị duy trì hoạt động. Các nhà VSCC này duy trì từ 1 đến 2 ca/ngày, còn các trường hợp đặc biệt trong lễ duy trì được 3 ca/ngày nhưng thực tế rất thiếu so với nhu cầu thực tế. Dù thừa nhận đang thiếu trầm trọng hệ thống nhà VSCC nhưng đại diện Sở Xây dựng cho hay, trong năm 2016 chưa có chủ trương đầu tư việc xây dựng nhà VSCC mới. “Việc xây dựng nhà VSCC còn tùy từng quận, căn cứ vào nhu cầu quận nào có nhu cầu nhiều thì họ chủ trương đầu tư xây bằng ngân sách hoặc bằng xã hội hóa”, vị cán bộ cho biết.

Xã hội hóa thì lo bị biến tướng

Ngoài hệ thống nhà VSCC xây dựng nói trên, hiện chỉ mới có Công ty CP Đầu tư phát triển Thương mại và Bất động sản Thăng Long SP là đơn vị đầu tiên thí điểm xây dựng cải tạo nhà VSCC trên địa bàn Hà Nội. Ông Đào Quang Tâm, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị, quận Hoàn Kiếm thông tin, để phục vụ người dân và du khách, UBND quận Hoàn Kiếm đã có chủ trương xã hội hóa để đầu tư, cải tạo 7 nhà VSCC. Trong đó, đã hoàn thành 3 nhà VSCC trong khu phố cổ của UBND quận Hoàn Kiếm: số 5 và số 38 phố Hàng Giầy, số 50 phố Gia Ngư.

Thực tế tại 3 địa điểm trên, nhà VSCC đang hoạt động khá cầm chừng. Tại địa chỉ số 5 Hàng Giầy, nhân viên trông coi tại đây cho biết, khách ở đây chủ yếu là người dân buôn bán ở chợ, mỗi ngày trung bình thu được khoảng 300.000 đồng (tương đương 100 lượt khách). “Khách du lịch nước ngoài thì hầu như không vào. Nhiều người cũng ngại việc trả phí”, nhân viên cho hay. Nhà VSCC số 50 Gia Ngư cũng đang được chủ đầu tư hoàn thành và đưa vào thử nghiệm.

Đáng nói, tại tầng 2 của nhà VSCC, theo quy định sẽ được đặt các văn phòng hỗ trợ thông tin cho du khách. Tuy vậy, tại nhà VSCC số 5 Hàng Giầy, đường lên tầng 2 bị chặn, phía trên đóng cửa im ỉm. Ghi nhận tại tầng 2 của nhà VSCC số 38 Hàng Giầy, khu vực này đang được thi công lắp đặt các giường lắp ghép. Một người dân tại đây cho hay, trước đây tầng 2 có văn phòng thông tin cho du khách, nhưng hiện tại đã dẹp bỏ, chuẩn bị xây dựng khách sạn cho “Tây thuê”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Du lịch Hà Nội nhận định, nhà VSCC ở quận Hoàn Kiếm dành cho khách du lịch về số lượng không hẳn đã thiếu, song chất lượng đa số nhà VSCC đều xuống cấp và không đảm bảo vệ sinh khiến người dân và du khách không muốn sử dụng. Vị này cũng thừa nhận, 3 nhà VSCC xã hội hoá kể trên hoạt động vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Được biết, Sở Du lịch Hà Nội đã có buổi họp với UBND quận Hoàn Kiếm tuyên truyền, khuyến khích các nhà hàng, khách sạn tại khu phố cổ mở cửa đón du khách đi vệ sinh miễn phí. Tuy nhiên, việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của các chủ nhà hàng, khách sạn chưa đồng đều.

TS Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, muốn phát triển du lịch, Hà Nội buộc phải bắt đầu từ các dịch vụ trong đó có hệ thống nhà VSCC. Cụ thể phải tăng thêm số lượng nhà VSCC tại các tuyến phố văn minh thương mại, địa điểm tham quan du lịch, khu vui chơi, đồng thời cũng phải vận động các nhà hàng khách sạn tại các khu vực trên cho du khách đi vệ sinh để đáp ứng đủ nhu cầu.

MỚI - NÓNG