Nhà xe kêu lỗ nặng vì điều chuyển luồng tuyến

TP - Sau cuộc đối thoại về chuyển luồng tuyến xe khách từ Bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm, ngày 2/3, các nhà xe tuyến Nam Định, Thái Bình đi Hà Nội đã quay lại hoạt động tại bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, mỗi xe xuất bến chỉ có 1 - 3 khách. Trong khi đó, các nhà xe tại bến Mỹ Đình cũng đang bức xúc vì vắng khách.

Chấp nhận chạy sai để giảm bớt thiệt hại

Ngày 2/3, PV Tiền Phong ghi nhận tại bến xe Nước Ngầm, là một trong những ngày cuối tuần nên lượng khách đến bến xe này khá đông. Các nhà xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình - Hà Nội đã bắt đầu trở lại hoạt động sau buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hà Nội. 

Tuy nhiên, không khí bức xúc, căng thẳng vẫn bao trùm trên gương mặt các nhà xe. Anh Đại, lái xe nhà xe Hạnh Trinh (tuyến Thái Bình – Hà Nội) cho biết, sáng ra đã chở một “cuốc”, nhưng chỉ có 2 khách hàng. 

Theo anh Đại, 10 phút nữa xe anh lại tiếp tục phải rời bến nhưng mới chỉ có 1 khách trên xe! “Yêu cầu phải xuất bến nên tôi phải chấp hành, chứ càng đi càng lỗ”, anh Đại than.

Cạnh đó, một đại diện nhà xe Q.H cho biết thêm, chúng tôi bị đẩy đến đường cùng thì mới phải dùng biện pháp dàn xe phản đối, chứ không nhà xe nào muốn chống đối cơ quan chức năng cả. 

Từ khi chuyển về đây, bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, lượng khách không tăng lên, trong khi nhu cầu của khách vẫn tăng lên. Vậy lượng khách đi thường ngày trước đây từ bến Mỹ Đình đang ở đâu, đây là do xe dù bến cóc len lỏi vào tận nhà bắt khách nên khách không cần vào bến?. 

“Để vớt vát kinh phí, xe chúng tôi đã phải chấp nhận chịu phạt, chạy ra tới tận Mai Động, cầu Vĩnh Tuy để “vợt khách”, vị này thừa nhận. Theo các nhà xe, mỗi ngày họ lỗ đến 20 triệu đồng, có doanh nghiệp nhiều xe, mức thiệt hại lên đến 40 triệu đồng/ngày.

Nhà xe bến Mỹ Đình cũng đang “lỗ nặng”

Bên ngoài bến xe Mỹ Đình, tình trạng xe đi chậm, bắt khách dọc đường Phạm Hùng lại tiếp tục tái diễn. Nhiều điểm trên đường Phạm Hùng xung quanh bến trở thành nơi đón khách, nhận hàng. Hầu hết các xe khi xuất bến đều chạy lòng vòng rất chậm, sẵn sàng dừng ngay giữa đường, mở cửa để cho khách lên.

Nhiều xe còn ngang nhiên tạt vào các điểm dừng của xe buýt để vợt khách. Thậm chí không ít xe dừng đón khách ngay tại chân cầu vượt Mai Dịch, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.

Lý giải hiện tượng này, ông Thanh (một lái xe tuyến Hà Nội - Sơn La) cho biết, việc gia tăng các xe đón khách dọc đường vì các nhà xe đang trong tình trạng: Thu không đủ chi. Theo ông Thanh, từ khi các tuyến xe khách đi phía Nam bị điều chuyển thì toàn bộ các xe đi Tây Bắc cũng bị lỗ nặng. 

“Chúng tôi mỗi tháng lỗ khoảng 15 - 20 triệu, chưa kể lãi vay ngân hàng”, ông Thanh nói. Đại diện Cty Hải Vân (chở khách tuyến Hà Nội - Sơn La) cho biết, từ khi có quyết định điều chuyển luồng tuyến, Cty bị sụt giảm doanh số nghiêm trọng, khoảng 60% doanh thu. 

Tại thời điểm cuối tuần, thường là khi lượng khách đông nhất, nhưng trên xe chỉ có 15 người (xe 38 giường nằm).

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo bến xe Mỹ Đình khẳng định: Không chỉ những nhà xe bị điều chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình thiệt hại mà tất cả những nhà xe khác trong bến xe Mỹ Đình cũng bị thiệt hại nặng nề. Theo vị này, người dân đi từ các tỉnh phía Nam như: Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… đến bến xe Mỹ Đình để tiếp nối các chuyến đi các tỉnh Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu. Bến xe Mỹ Đình trở thành điểm kết nối giữa các tuyến, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Từ khi các xe phía Nam chuyển đi, nhiều người đã chuyển phương tiện khác để đi lại. Trong đó, có rất nhiều khách hàng chọn xe hợp đồng “trá hình”, loại hình này đón khách hàng tận nhà, không cần bến bãi. 

MỚI - NÓNG