Nhạc sĩ Cù lần kinh doanh ký ức

 Cưỡi xe lội suối trong làng Cù Lần. Ảnh: h.t.N
Cưỡi xe lội suối trong làng Cù Lần. Ảnh: h.t.N
TP - “Kiếm tiền là chuyện dễ nhất, còn việc khó, là làm sao khi đời mình qua đi rồi còn để lại những ký ức đẹp, giàu tính văn hóa cho xã hội!”, nhạc sĩ Văn Tuấn Anh - chàng doanh nhân độc đáo trong bộ dạng rất… cù lần, có lần chia sẻ với Tiền Phong câu chuyện chẳng cù lần tí nào giữa thung lũng ngàn hoa tuyệt đẹp!

Vào chuyện tôi thẳng thắn: Xin lỗi, anh có giận khi tôi không hề nhận ra anh là giám đốc giữa mấy chục nhân viên ở đây trông ai cũng chải chuốt, bảnh bao hơn sếp nhiều?

Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh cười lớn: Không sao, nhiều người vẫn nhầm mà. Tôi thèm sống nép vào thiên nhiên, càng ít người nhận ra mình càng tốt!

Nhạc sĩ Cù lần kinh doanh ký ức ảnh 1

Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh.

Dù biết từ năm 2006 anh đã cho ra đĩa DVD “Giao khúc biển cả và núi đồi” với những ca khúc đẹp như “Bóng mẹ xa xôi”, “Tình biển”, “Hãy như chưa từng yêu anh” qua những giọng ca hàng sao của Trần Thu Hà, Lê Hiếu, Hồ Quỳnh Hương, Lan Hương, Phạm Viết Thanh… Tôi vẫn bất ngờ khi biết “Trái tim cù lần” là tác phẩm của anh, một nhà kinh doanh bất động sản.

Gắn trong đoạn video clip xe jeep vọt suối xuyên rừng bắn nước tung tóe với những tràng cười hồn nhiên hết cỡ là giai điệu khỏe khoắn và ca từ thật giản dị dễ thương “Anh không biết làm thơ không hát lời hay có cánh/Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà/Xin em hãy nhận đi xác thân mẹ nuôi khôn lớn/Xin em hãy nhận đi trái tim mộng mơ… Trái tim Cù Lần…”. Lạ! Bỏ phố về rừng để rồi rưng rưng những ca từ êm ả thế.

Như đoán được cái băn khoăn của người đối diện, anh bảo: Hình như đó là số phận, khiến sau gần nửa đời sống kiểu... cả thèm chóng chán, tôi mới nhận ra điều thật sự mình muốn là gì. Tôi sinh năm 1964, tuổi thiếu niên rời quê Hội An lưu lạc vào Sài Gòn cực khổ với đủ thứ nghề, kể cả phụ hồ kiếm sống. Mê âm nhạc, nhưng tôi chưa từng một lần bước chân vào nhạc viện, dù sau này có đeo đuổi học một số khóa ngắn hạn về âm nhạc.

Tôi học đại học kinh tế dở dang rồi bỏ đi kiếm tiền bằng mua bán hàng điện lạnh, sau đó chuyển sang kinh doanh bất động sản. Trước khi nghề này rơi vào suy thoái, tôi đã kịp có một số vốn và vài biệt thự cho thuê. Không hiểu sao tôi luôn thấy kiếm tiền là việc dễ nhất! Và tôi chán luôn nó! Bởi tôi luôn thấy khó nhất là làm sao khi đời mình qua đi rồi còn để lại những ký ức đẹp...

Nhạc sĩ Cù lần kinh doanh ký ức ảnh 2

Cù Lần đã thức.

Những người bạn tâm giao đã có người kể về anh, nhưng lúc này đây, chính anh kể về mình: Năm 2000 tôi lên Đà Lạt, lang thang từ ngày này sang ngày khác không biết chán giữa những cánh rừng và lập tức nhận ra cảnh sắc của những buôn làng đồng bào bản địa hết sức thân thiện với thiên nhiên nơi này hoàn toàn đồng điệu với tâm hồn của tôi. Họ đã dạy tôi rất nhiều điều về cách sống hồn nhiên, giản tiện tới mức tối đa. Chỉ với một chiếc rìu, họ đẽo được từ pho tượng tới cả ngôi nhà. Chỉ với nắm bùi nhùi, nhúm muối và tri thức vô tận về rừng, họ hái lượm và nấu nướng ra vô số món ngon.

Tôi đã gom hết vốn liếng ở đồng bằng lên đây mua dần dà những khoảnh ruộng rẫy du canh bỏ hoang của họ để xây dựng lên những ngôi làng đẹp, lãng mạn, bình yên nhưng tuyệt đối không nghèo, như làng Cù Lần mà chị thấy đây! Giữa thiên nhiên tuyệt vời này thì âm nhạc cứ thế tự nhiên gõ cửa. Giai điệu và ca từ tự nhiên trào ra, chẳng cần cố gắng gì cả! Tuy nhiên, cái làng này đang vắt kiệt sức tôi! Và tôi nhận ra thứ mình yêu nhất, ví dụ như âm nhạc, chưa chắc mình dành được nhiều thời gian cho nó!

Trong Festival Hoa Đà Lạt, ngày 28/12/2013, tổ chức UNESCO Việt Nam công bố Làng Cù Lần là 1 trong 10 điểm hẹn đạt tiêu chí Văn hóa Du lịch Việt Nam, là tour mang tên “Đà Lạt không ở phố” do tỉnh Lâm Đồng giới thiệu cho hàng vạn du khách tìm đến. Làng Cù Lần huyện Lạc Dương, cách hồ Xuân Hương trung tâm thành phố Đà Lạt 21 km theo tỉnh lộ 722…

Tôi thấy bỗng vô cớ lo cho anh. Ở cái xứ “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”, anh làm cách gì để vừa cạnh tranh khỏe vừa tĩnh tại, thanh thản sống với nỗi đam mê âm nhạc của mình?

Văn Tuấn Anh, tỉnh rụi: Tôi không làm du lịch. Tôi kinh doanh ký ức! Tôi yêu cái đẹp của kiến trúc khi hòa vào thiên nhiên. Tôi hạnh phúc khi được sống trong những mái ấm nằm vắt vẻo trên triền đồi đầy hoa đẫm sương mỗi sớm. Tôi thấy mình trẻ lại khi được mạo hiểm khám phá thiên nhiên hoang dã. Tôi mở làng Cù Lần và rồi sẽ xây thêm những làng tương tự khác nữa để san sẻ niềm vui quý trọng thiên nhiên đó đến cho mọi người.

Gần hai năm qua, tôi chỉ “mái hóa” khoảng năm nghìn mét vuông trong tổng diện tích hơn hai mươi bảy hecta ở thung lũng này để tạo tiện nghi, nơi lưu trú tối thiểu cho du khách. Toàn bộ diện tích còn lại dành để phục sinh cây rừng và hoa dại như nó vốn có, trả lại không gian thực cho những lễ hội tuyệt diệu như Ninh Nơng mùa nông nhàn, lễ tạ ơn Thần Sấm cầu mưa cho nương rẫy, lễ tạ ơn Mẹ Lúa cầu mùa màng bội thu… 

Nhạc sĩ Cù lần kinh doanh ký ức ảnh 3

Bếp Cù Lần.

Miên man trong câu chuyện đầy vẻ hào hứng, cảm giác như có một Văn Tuấn Anh khác ngoài âm nhạc. Cũng phải, như anh từng tâm sự, cái đẹp bất luận nó nấp trong hình hài nào thì cũng khiến người ta thổn thức. Thế nên, anh luôn cầu toàn vì nó.

Anh chia sẻ: Chỉ một cái nhíu mày rất nhỏ của du khách cũng làm tôi đau, cũng buộc tôi phải suy nghĩ! Âm nhạc, hội họa, thơ ca và tình yêu bất tận với đại ngàn là động lực giúp tôi làm nên làng Cù Lần hôm nay. Tôi cố gắng đáp ứng cho những du khách khó tính nhất để họ hài lòng về đủ thứ nhu cầu tiện nghi, bất cứ từ góc nhìn nào trong khối nhà lớn nhỏ đều đẹp đẽ trọn vẹn hài hòa, mà vẫn hoàn toàn nép mình khiêm nhường sau vẻ lộng lẫy quanh năm của thiên nhiên.

Trong cái nhìn của tôi, tổ chức du lịch cộng đồng là kinh doanh ký ức đẹp! Nếu du khách mang về được những hình ảnh tuyệt vời, những thước phim say mê, vô số cảm xúc thích thú và chia sẻ lại cho những bạn bè khác, có nghĩa là nhà đầu tư thành công.

Sau thời gian gần hai năm cùng khoản vốn cỡ năm chục tỷ đồng chưa tính tiền mua đất bỏ ra đầu tư cho làng Cù Lần nhà kinh doanh ký ức đành từ chối nhiều đơn hàng với lượng khách lớn.

Theo anh, Cù Lần mới đáp ứng cho cỡ 500 khách/ngày, và phương tiện tổ chức các trò chơi chỉ đủ cho khoảng một nghìn lượt người trong mỗi tour sáu tiếng. Phải tính sao cho lượt khách này chơi trò cảm giác mạnh không xung đột với khách khác đằm mình trong yên tĩnh, và sau khi cuộc chơi kết thúc, mọi thứ lập tức trở lại sạch đẹp nên thơ, không rơi rớt một “dị vật” nào. 

Sợ rằng bị hút theo chuyện kinh doanh, máu nghệ sỹ trong anh có bị phai, bị nhạt? Anh nghiêm túc: Nếu chuyện tiền nong mà lấn át được khát vọng sáng tác trong tôi, thì nó đã lấn từ lâu rồi! Dù viết nhạc chỉ theo lối tài tử, nhưng với tôi đây là đam mê nghiêm túc, và tử tế, nên chắc chắc sẽ còn ám ảnh dài lâu!

Bóng chàng nhạc sĩ độc đáo đã khuất xa trong những cánh rừng thông, mà giai điệu của ca khúc “Trái tim Cù lần” vẫn bám riết không thôi: “Anh không biết làm thơ không hát lời hay có cánh/Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà…".

Làng có tên Cù Lần theo tên thung lũng, vì nơi này dưới đất mọc rất nhiều cây cù lần- một loài dương xỉ, gốc liền củ hình dáng gồ ghề, đầy lông nâu óng ánh có tác dụng cầm máu, hay được đồng bào lấy gọt thành hình con Cù Lần bán cho du khách. Còn trên cây lại có con Cù Lần sinh sống- tên khoa học là Cu li - loài thú quý và cổ trong bộ linh trưởng Primates đang bị đe doạ tuyệt chủng, nhút nhát và dễ thương. Làng hiện có đàn Cù Lần sống tự nhiên, suốt ngày treo mình trên cây ngủ cạnh nhà bếp của làng...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...