Nhạc sỹ “hú” dưới chân Ngọc Linh

Đấu chiêng, một hình thức trình diễn độc đáo của người Cor dưới chân Ngọc Linh
Đấu chiêng, một hình thức trình diễn độc đáo của người Cor dưới chân Ngọc Linh
TP - Giọng Dương Trinh ấm và vang xa lắm. “Mình được đào tạo bài bản mà, còn khỏe, bia uống cả thùng, không lo”. Ghi ta, organ, đàn gió, sáo, nhị, t’rưng, đánh chiêng, cồng, hàng chục nhạc cụ đồng bào các dân tộc ít người, anh rành rõi. Đây là người hiếm hoi, độc nhất vô nhị ở đất này.

Tôi hỏi: “Anh thấy nhạc viết hú, hét bắt chước sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên thế nào?”. “Đừng nghĩ hú hét là đồng bào thích, nếu có là thanh niên mới lớn chưa hiểu tập quán bà con, ?nghe nhạc hát, giậm dựt là nhảy theo thôi, chứ người miền núi đâu phải lúc nào cũng hú.

Xin đừng bác học hóa âm nhạc miền núi. Sống với họ, tìm hiểu, nghiên cứu âm nhạc của họ, sẽ thấy dân dã, chân chất, dễ hiểu, hãy viết cho chính họ hát chứ không phải cho người Kinh, họ không bắt chước nổi người Kinh để nổi tiếng đâu, mà có nổi tiếng thì cũng mau chìm. À - anh cười to - có năm mình được mời đi hú đấy. ?Hình như năm đó là 2002, đại hội TDTT toàn quốc, đoàn của Quảng Nam đi dự, mình là nhạc sĩ, liên quan chi đến thể thao, nhưng lại được mời ra Hà Nội, khi nhóm VĐV các dân tộc ít người xuất hiện, mình được phân công… hú một tiếng cười, chỉ mỗi một việc đó, xong, lên máy bay trở về”. “Hú nghe chơi”. “Không được, ở đây bà con thiểu số nhiều, hú bậy, sinh chuyện, vả lại anh hú là em vỡ màng nhĩ ngay”.

Chuyện rằng khi ca sĩ Y Moan mất, Dương Trinh lên Tây Nguyên giao lưu văn nghệ, cất giọng lên, khán giả Tây Nguyên sững sờ lặng phắt rồi vỗ tay như vỡ hội trường. Nguyên bản núi rừng. Ầm ầm mà lặng lẽ như thác. Cuồng nộ mà tĩnh mịch như rừng già. Ngay thẳng mà chân thành như cây chò. Mướt xanh chung thủy mà quạnh quẽ như lá rừng. 

“Thời chiến tranh, mình theo đường dây vượt Trường Sơn ra Bắc, năm 1970, mình lúc đó 9 tuổi, ?đạt giải nhất tiếng hát thiếu nhi tỉnh Hòa Bình, giải phóng miền Nam, về Đà Nẵng học âm nhạc, rồi ra Huế học tiếp, nhưng giữa chừng mình bỏ vì…đói quá. Mình là người dân tộc thiểu số đầu tiên của huyện này có bằng tốt nghiệp cấp 3 chính quy, thi đàng hoàng chứ không đặc cách, vào ngành VHTT năm 1984, người ta kéo ra tỉnh làm, mình lắc đầu, sinh ở núi, phóng khoáng quen rồi, nên ở núi thôi. Cỡ như mình, chức chủ tịch bí thư huyện là bình thường, bằng cấp nghề, chính trị cao cấp, chẳng thiếu thứ chi, nhưng do mình ngang quá, nên cấp trên không ưa, thôi kệ”. Tôi quen anh đã lâu, chưa từng nghe ca thán cho bản thân, nhưng anh quyết không bỏ lỡ cơ hội đấu tranh cho đầu tư văn hóa miền núi, hễ có dịp là nổ liền.

Nhạc sỹ “hú” dưới chân Ngọc Linh ảnh 1 Nhạc sĩ Dương Trinh
“Cái gì, lần nào mình đề nghị, thì cũng nhận được câu trả lời là bây giờ phải kinh tế, xóa nghèo. Nhưng đồng bào hết nghèo đâu, còn văn hóa mất gần hết rồi, lễ hội mà phải đi mượn áo quần người ta mặc, dụng cụ âm nhạc thì mất hết. Đường làm đến đâu, văn hóa mất đến đó.

Không phải do đường, mà do không quan tâm văn hóa. Mình làm trưởng phòng 11 năm, xin một phó phòng giúp việc mà đâu có được. Nói miết, họ cấp cho xã một cái loa thùng, âm li công suất lớn, mà chỗ đó thì không có điện”. Đầu tuần chạy xe máy từ nhà lên huyện 50 km đường núi, cuối tuần chạy về. “Mình mới đi dự hội nghị Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam về đây. Cả miền Trung, hội viên thiểu số chính hiệu là người thiểu số thì chỉ có mình và anh Hồ Chư ở Quảng Trị”. Điện thoại tìm đâu có được, bởi ông trưởng phòng này 3 ngày/tuần là lang thang dưới các nóc, thôn xa. “Bao nhiêu điều hay ở trong bộ nhớ cũ kỹ của người già, họ mất, không có cơ hội tìm lại nữa đâu. Họ không biết tiếng Kinh, người Kinh lên làm không được đâu.

Mình tiếng Kinh, Cor, Xê Đăng, Ca Dong, biết hết. Bao điều kỳ diệu, nguy lắm rồi, ai cũng nói mất văn hóa là mất hết, nhưng dự án văn hóa cho miền núi thì có thấy đâu. Đặc sắc văn hóa miền núi giờ chỉ còn ở những nơi heo hút dưới chân Trường Sơn, với những tục cúng máng nước, đâm trâu, lúa mới. Không tổ chức cho họ thực hiện, thì không có cơ hội cho họ thể hiện, ta sẽ không lưu giữ được về sau, từ việc cúng, hát, phân công người cúng,?trang phục, âm nhạc. Ví dụ như đánh chiêng. Sân khấu hóa cồng chiêng là phản cảm, bừa bãi. Đồng bào thiểu số miền Trung -Tây Nguyên, hễ đánh cồng, chiêng là có việc trọng đại, không phải thích là đánh và không phải ai cũng được đánh”.

Nhạc sỹ “hú” dưới chân Ngọc Linh ảnh 2 Tái hiện một phần lễ cưới của người Cơ Tu-Quảng Nam
Anh nói như liên tục, mắt buồn da diết. Tôi hiểu, máu của miền núi đã rần rật chảy với bao vui sướng và xót xa ở con người này. Thời buổi này chẳng mấy ai bỏ tiền túi ra thuê người già đan rổ, giần, sàn, gùi, làm đàn đá, đàn nước, cồng chiêng, các loại đàn, rồi lấy tặng lại các xã, đem ra triển lãm, thuyết phục bà con rằng đó, của ông bà xưa đó. Mà những đồ đó giờ đâu phải rẻ. “Phải đưa tiền trước họ mới làm em à. Biết làm sao, bởi không nhanh tay, sẽ ?mất hết. Mình ở lì dưới nóc, mang rượu gà đến mời các ông già, nghe ông kể chuyện, hát dân ca.

Mình thu, ghi chép, dịch qua tiếng Kinh, phổ biến lại”. “Nhưng, âm nhạc mới là…nghề của chàng ?” . “Mình đã ra được 3 album rồi,?với hơn 20 bài. Nhạc mình mang đi thi toàn quốc, đã được 20 huy chương, trong đó có 4 vàng”. Dân vùng núi Ngọc Linh, ai cũng biết bài hát “Hương rừng Trà My” vang lừng một thời. “Mời ca sĩ Đà Nẵng hát thôi, về ?hưu, mình sẽ thu toàn giọng của mình”. Giọng còn ấm và vang xa lắm. ?“Mình được đào tạo bài bản mà, còn khỏe, bia uống cả thùng, không lo”. Ghi ta, organ, đàn gió, sáo, nhị, t’rưng, đánh chiêng, cồng, hàng chục nhạc cụ đồng bào các dân tộc ít người, anh rành rõi. Đây là người hiếm hoi, độc nhất vô nhị ở?đất này.

“Mình 54 tuổi rồi, muốn về hưu thôi, về với đam mê âm nhạc, sống với văn hóa truyền thống của đồng bào, nhưng anh em nói đừng về, anh bỏ về thì ai lo. Nhiều em được cử tuyển đi học đại học văn hóa, chuyên ngành miền núi hẳn hoi, nhưng về có làm đâu, vì nó thích chạy sô, mau kiếm tiền. Bu bám miền núi là chấp nhận đánh đổi. Làm nhạc sĩ ở huyện chán lắm. Mình viết cho miền núi Quảng Nam hàng chục bài hát, có được đồng nhuận bút nào đâu, thế nhưng có ông lạ hoắc nào đó về làm một bài, lãnh đạo gật gù, thế là phong bì 5 triệu”.

Nói đến đây, anh lại cười ha ha nhưng tôi nghe có vị đắng đầu môi. “Mình vượt Trường Sơn, đi bộ ròng rã 3 tháng, ra đến Quảng Bình mới có xe, ngồi ôm chân thương binh, dòi từ vết thương họ rơi xuống đầu mình, phía trước phía sau bom nổ, xe cháy ngùn ngụt,?thế mà mình không chết, nên bây giờ không thể chết vì những trò tầm thường. Kệ, hễ ôm đàn và hát là mình quên hết”. Anh ôm cây đàn V’ró của người Cor và cất tiếng. Một lần nữa, một cây chò chung thủy của làng lại… hiện nguyên hình.

 Dương Trinh dân tộc Cor, MC, ca sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa, đạo diễn chương trình, sưu tầm văn hóa dân tộc thiểu số, phục dựng lễ hội và… Trưởng phòng VH-TT-DL huyện Nam Trà My dưới chân đỉnh Ngọc Linh.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG