Nhân chứng Su-22 chỉ địa điểm máy bay rơi

Tàu biên phòng tham gia tìm kiếm máy bay
Tàu biên phòng tham gia tìm kiếm máy bay
TPO - Từ vị trí phát hiện máy bay rơi, ông Phùng đã báo cơ quan chức năng và sau đó một số chi tiết của máy bay Su 22 đã được phát hiện. Lực lượng tìm kiếm cũng nhanh chóng xác định tọa độ máy bay rơi. 

Sau 5 ngày tìm kiếm, sáng 20/4, tàu BP 11-19-01 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trạm Biên phòng cảng cửa khẩu Phú Quý đã đưa ngư dân Nguyễn Phùng (69 tuổi, là nhân chứng thấy máy bay Su 22 rơi) ra vùng biển gần khu vực Hòn Trứng để xác định lại các vị trí ông Phùng thấy máy bay rơi. 

Ông Phùng nhà ở xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý kể lại, vào ngày 16/4 ông và con trai đang câu cá gần khu vực Hòn Trứng thì nghe tiếng rú rất lớn của máy bay. Ngước nhìn lên ông thấy một chiếc máy bay đang lao xuống. Trong phút chốc chiếc máy bay rơi xuống biển cách vị trí ghe câu của ông Phùng chừng 1 hải lý. 

 “Chiếc máy bay vẫn còn nguyên chiếc, phần đuôi đâm xuống xuống trước, một cột nước cao bằng tòa nhà 3 tầng bắn lên khi máy bay đâm xuống biển”- Ông Phùng nói.

 Định thần lại, ông Phùng kêu con trai, đang câu ở mạn bên tàu. Thì đúng lúc đó, con trai ông Phùng cũng thấy thêm một máy bay khác rơi ở khoảng cách 2 hải lý. 

Từ vị trí phát hiện máy bay rơi, ông Phùng đã báo cơ quan chức năng. Và sau đó một số thiết bị của máy bay Su 22 đã được phát hiện. Lực lượng tìm kiếm cũng nhanh chóng xác định tọa độ máy bay rơi. 

Ông Nguyễn Nhu, một ngư dân ở xã Ngũ Phụng (Phú Quý) có kinh nghiệm về vùng biển Phú Quý nhận định thời tiết hôm máy bay rơi dòng hải lưu chảy xiết, nên rất có thể máy bay rơi xuống nước vỡ ra nhiều mảnh và bị phân tán ra diện rộng. 

Điều này phù hợp với thực tế khi một số mảnh vỡ nhỏ của máy bay đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ vớt lên từ nhiều vị trí khác nhau trong những ngày qua. 

Nhận định về tọa độ máy bay rơi và lên phương án trục vớt trong thời sớm nhất, trong hai ngày qua bộ chỉ huy tìm kiếm cứu nạn máy bay Su 22 đã đặt trung tâm chỉ huy ngay trên tàu kiểm ngư 721 để trực tiếp điều hành các lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời điều thêm tàu chuyên dụng tìm kiếm, tàu vận tải tới vùng biển tìm kiếm máy bay rơi. Tuy nhiên đến hôm nay, sau 5 ngày tìm kiếm vẫn chưa mang lại kết quả cao.  

Cũng như nhận định của các ngư dân, một sĩ quan Sư đoàn Không quân 370 cho biết, vẫn chưa xác định được chính xác vị trí hai chiếc Su 22M4 chìm dưới đáy biển. Mặc dù trước đó lực lượng đặc công nước của Lữ đoàn đặc công số 5 đã lặn, trục vớt được một số mảnh vỡ máy bay, trong đó có mảnh vỡ cánh máy bay và mảnh buồng lái nghi là thuộc chiếc Su 22M4 số hiệu 5863 do đại úy  phi công Nguyễn Anh Tú điều khiển. 

Các mảnh vỡ tìm thấy chỉ cho biết khu vực máy bay bị nạn chứ không cho biết vị trí máy bay rơi. Lý do là tiêm kích bom Su 22M4 có tốc độ bay rất cao, trên mức âm thanh, khi va chạm mạnh có thể khiến máy bay văng ra ở khoảng cách rất xa, khó xác định chính xác vị trí.

 Bên cạnh đó, vụ tai nạn xảy ra tại khu vực biển có độ sâu hơn 30m, luồng hải lưu chảy ngầm dưới biển khá mạnh, có thể làm thay đổi, dịch chuyển vị trí xác máy bay. 
  

Thông tin trên báo Thanh Niên cho hay, vào lúc 15 giờ 26 chiều 20/4, lực lượng đặc công người nhái đã phát hiện một mảnh ghế ngồi phi công và một số mảnh vỡ nhỏ của máy bay tiêm kích Su-22 bị nạn tại vùng biển Phú Quý (Bình Thuận). 


Trong ngày tìm kiếm 20/4 tại hiện trường vụ máy bay Su-22 rơi, do dòng nước quá mạnh, tàu kéo CSB-9001 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và tàu kéo 956 của Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân phải cùng thả neo tại điểm đã thả phao đánh dấu máy bay rơi, để các kíp người nhái đặc công bám theo dây xích, lặn xuống đáy biển tiếp tục tìm kiếm các mảnh vỡ.


Cuối giờ chiều, lực lượng người nhái đặc công nghỉ sớm do dòng nước tại khu vực tìm kiếm chảy xiết. Các tàu dò quét vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và lúc 16 giờ 30, tàu 884 của Đoàn Đo đạc, biên vẽ và nghiên cứu biển của Quân chủng Hải quân đã phát hiện được một vật hình trụ (dài 1,4m; rộng 1m) ở độ sâu 21m tại tọa độ 10.35.974 Bắc, 108.52.808 Đông.

Như vậy, đến thời điểm này, lực lượng tàu tìm kiếm cứu nạn tại khu vực máy bay Su-22 rơi lên đến 10 chiếc, trong đó tàu của Quân chủng Hải quân tham gia tìm kiếm máy bay Su-22 là đông nhất với 6 chiếc (trong đó có 2 tàu rà quét chuyên dụng của Đoàn 6 Hải quân, một tàu chuyên làm nhiệm vụ cứu kéo...) số còn lại là tàu Cảnh sát biển, Biên phòng, phục vụ công tác lặn tìm kiếm của Bộ đội Đặc công.

MỚI - NÓNG