Nhân sự đại hội: Lắng nghe dân để không va vấp, bị động

Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng
Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng
TP - “Quá trình chuẩn bị nhân sự cần phải hỏi ý kiến nhân dân, các đoàn thể và cấp ủy cấp dưới. Trong trường hợp nhiều người phản đối quá thì phải dừng lại. Còn nếu cứ làm mà không hỏi ý kiến ai thì sẽ bị động, va vấp”, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Chủ tịch huyện “trượt”, chuyện bình thường!

Thưa ông, ông thấy sao khi một cán bộ chủ chốt là chủ tịch UBND một huyện ở Hà Nội lại “trượt” ban chấp hành?

Tôi cho rằng, trường hợp này cũng không có gì quá đặc biệt. Bởi trong số nhiều chủ tịch UBND huyện được giới thiệu để đại hội bầu, mà có một người rớt như vậy cũng là chuyện bình thường thôi. Chỉ sợ nếu có đến 1/3 chủ tịch UBND các huyện của Hà Nội mà rớt khỏi ban chấp hành mới là điều đáng ngại.

Đây là chuyện bình thường, thậm chí đáng hoan nghênh chứ không phải chuyện đau buồn gì cả. Điều đó cho thấy tính dân chủ trong đảng đã được phát huy.

Theo ông, vì sao một cán bộ chủ chốt như vậy lại không được đại hội tín nhiệm bầu?

Rõ ràng công tác đánh giá cán bộ không sát. Công tác chuẩn bị nhân sự chưa tốt, chưa hiểu được hết cán bộ, chưa đánh giá đúng được cán bộ. Cấp ủy đánh giá không sát, trong khi đó người dân và đảng viên lại nhìn nhận, đánh giá cán bộ rất sát. Có thể họ biết thông tin ông này có tiêu cực, hay vi phạm điều gì đó nên không được tín nhiệm. Nếu cứ cố đưa vào danh sách lãnh đạo thì đại hội sẽ gạt ra thôi.

Dù là chuyện bình thường, thậm chí đáng hoan nghênh, nhưng để kết cục như vậy cũng có thể đánh giá, đại hội đảng bộ đó chưa thực sự thành công?

Cũng phải đề phòng trường hợp có mâu thuẫn nội bộ, dẫn tới vận động “đánh” nhau, hạ bệ nhau. Một cán bộ chủ chốt mà bị rớt như vậy cũng không loại trừ khả năng đó. Có thể ông chủ tịch kia có khuyết điểm thực sự, nhưng cũng không đến mức nghiêm trọng. Thế nhưng do ông ấy ở một phía, còn phía kia chống lại nên bị loại. Suy cho cùng, có hai khả năng nhân sự đưa ra đại hội bầu bị rớt: do mâu thuẫn nội bộ và ông ấy có khuyết điểm thật nên bị người ta hạ bệ.

“Chen ngang” sẽ bị phản ứng

Để đại hội các cấp thực sự thành công thì việc chuẩn bị, đặc biệt liên quan đến vấn đề nhân sự phải được thực hiện ra sao, thưa ông?

Công tác chuẩn bị cho đại hội thường có hai vấn đề lớn: báo cáo chính trị và công tác nhân sự. Báo cáo chính trị thường dựa vào báo cáo chính trị của cấp trên mà cụ thể hóa thôi, không có gì khó cả. Cái khó nhất trong đại hội vẫn là vấn đề nhân sự.

Để làm tốt công tác nhân sự, trước tiên phải có quy hoạch cán bộ tốt. Trên cái nền quy hoạch ấy mình làm nhân sự mới tốt được. Nếu không có quy hoạch, hoặc quy hoạch không tốt, không đạt yêu cầu thì công tác nhân sự gặp nhiều khó khăn.

Một huyện ủy khi bầu nhân sự được cấu tạo bởi các bí thư xã, bí thư chi bộ và các cơ quan huyện. Nếu đại hội cấp xã thành công, bầu được các bí thư đảng ủy xã tốt sẽ là cơ sở để bầu nhân sự bí thư huyện ủy tốt.

Tương tự, đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới đây có khoảng 200 ủy viên Trung ương. Chúng ta có 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tất cả các tỉnh, thành đều có một người tham gia trung ương, hoặc bí thư tỉnh ủy, hoặc chủ tịch UBND tỉnh. Như vậy, đại hội các tỉnh thành công sẽ là cơ sở tốt để bầu ở trung ương khóa mới.

“Hạt giống đỏ” luôn là những trường hợp được đặc biệt gây chú ý trong các kỳ đại hội cũng như khi được đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm vào các vị trí cao. Thực tế trước nay có không ít trường hợp bị dư luận bức xúc, phản ứng. Vậy phải làm gì để những “hạt giống đỏ” này vừa được tín nhiệm trong đảng vừa được cả tín nhiệm trong dân?

Trong quá trình chuẩn bị nhân sự cần phải hỏi ý kiến nhân dân, hỏi ý kiến cấp ủy cấp dưới. Trong trường hợp nhiều người phản đối quá thì phải dừng lại. Còn nếu ông cứ làm mà không hỏi ý kiến ai thì sẽ bị va vấp thôi.

Điều quan trọng là phải hỏi ý kiến các cấp ủy cấp dưới, thậm chí tham khảo phương tiện thông tin đại chúng, người ta có tai có mắt cả đấy. Thông qua các ý kiến nhiều chiều, đông đủ như vậy sẽ là cơ sở để anh chuẩn bị nhân sự cấp ủy tốt, đề bạt, bổ nhiệm tốt hơn. Nếu không làm được như thế thì sẽ bị động, va vấp.

Thực tế đã có bao nhiêu cấp ủy làm được như vậy, thưa ông?

Gần đây thì tôi không rõ, nhưng trước kia cũng có nơi làm, có cấp ủy dựa vào các đoàn thể đóng góp ý kiến. Để người dân tham gia, trực tiếp cho ý kiến về nhân sự thì hơi khó. Nhưng thông qua các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, hội phụ nữ…thì đã có rồi. Đặc biệt với hội cựu chiến binh, họ rất thẳng thắn, nếu tranh thủ xin ý kiến, họ sẽ phát biểu và có những ý kiến đóng góp tích cực.

Thời gian qua, không ít trường hợp nhân sự được làm bài bản, chặt chẽ, bổ nhiệm rất “đúng quy trình”, nhưng bị dư luận xã hội phản ứng, trong đó có những trường hợp “con ông, cháu cha”?

Cần phải yêu cầu “con ông nọ, cháu ông kia” đi thực tiễn cơ sở. Họ phải được trưởng thành từ cơ sở, có thành tích ở cơ sở, như vậy thì người ta sẽ chịu thôi. Còn nếu cứ chen ngang, đưa vào bầu thì đại hội sẽ phản ứng.

“Con ông, cháu cha” mà chả làm được gì, tự nhiên được cất nhắc, bổ nhiệm lên vị trí nọ, vị trí kia cao chót vót, người dân phản ứng và có ý kiến là điều dễ hiểu.

Cảm ơn ông.

Để phát huy tính dân chủ và mức độ tín nhiệm, theo ông có nên nhân rộng mô hình đại hội trực tiếp bầu bí thư?
Việc này đã có một số nơi làm thí điểm. Theo tôi chủ trương này nên dần dần mở rộng. Làm ngay một lúc thì không tốt, mà phải thí điểm, rút kinh nghiệm dần trên nền tảng dân chủ được phát huy tốt. Còn nếu dân chủ phát huy không tốt, để mâu thuẫn nội bộ, mất đoàn kết xen vào sẽ rất phức tạp. Do vậy, ở những nơi nào có điều kiện, nội bộ đảng bộ ổn, không có biểu hiện mất đoàn kết thì việc đại hội bầu bí thư trực tiếp là tốt.

MỚI - NÓNG