Nhân tố con người phải đặt lên vị trí hàng đầu

Nhân tố con người phải đặt lên vị trí hàng đầu
(TPO) Tại sao nước Nhật trở thành một nước công nghiệp hiện đại khi họ không có rừng vàng, biển bạc? Đó là người Nhật đã đặt nhân tố con người lên vị trí hàng đầu.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Việt kiều Nhật Bản - đã trả lời phỏng vấn TPO nhân dịp về tham dự hội thảo Trí thức Việt kiều tại Hà Nội

Là một Việt kiều đã về nước làm ăn gần 20  năm nay, ông có nhận xét gì về thực trạng phát triển của kinh tế nước nhà và có chia sẻ gì?

Tôi cho rằng, thời đại bây giờ chúng ta không thể tự lần mò. Giống như chúng ta làm nghiên cứu khoa học, không thể ngồi trong một thế giới riêng, tự mày mò giống như Pasteur ngày xưa. Các nước tiên tiến bây giờ đều có những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đó là những kinh nghiệm mà chúng ta  có thể học hỏi luôn từ họ.

Chúng ta không thể cứ ỷ lại về rừng vàng, biển bạc mà trông chờ mãi vào nguồn nguyên liệu thô.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước bây giờ, chúng ta không được phép dễ dàng với chính mình. Những cái chúng ta có ngày hôm nay mới chỉ là cơ sở ban đầu

Hiện nay, nền kinh tế của bất kỳ nước nào cũng gồm ba nhân tố lớn mang tính chất tổ chức: nhà nước- đại học, các cơ sơ nghiên cứu - doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Tất cả các nhân tố này phải kết hợp với nhau.

Vấn đề đào tạo tại Việt Nam cũng là mối trăn trở của ông?

TS Nguyễn Trí Dũng

Đi du học theo diện học bổng quốc gia ngành kinh tế kế hoạch tại Nhật Bản năm 1967. Năm 1968, ông đã cùng 1 số anh em sinh viên miền Nam đến Sứ quán Mỹ đốt hình Thiệu, Nixon, biểu tình chống chiến tranh, đòi độc lập thống nhất. Lúc đó, không bao giờ mơ được rằng có hai chữ hoà bình, thống nhất.

Sau khi học xong Tiến sỹ năm 1978, ông làm việc cho LHQ gần 17 năm. Năm 1988, ông đã về VN và xin mở trưòng đại học doanh thương đầu tiên ở VN, Trường doanh thương Trí Dũng. Hệ thống kế toán Mỹ (American Accounting System) đã được ông giới thiệu tại VN từ những năm 90. Ông có nhà máy sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao để xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước khác trên thế giới.

Một thực tế đang tồn tại hiện nay là các cơ sở nghiên cứu không nghiên cứu những vấn đề xã hội thật sự cần.

Bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp đại học của chúng ta làm đúng ngành nghề? Hay hiện tượng đào tạo kỹ sư khi ra trường đúng hơn chỉ là một anh tiếp thị về kỹ thuật…

Trong khi đó, hệ thống xí nghiệp vừa và nhỏ của mình không cần những anh học thật cao siêu. Họ chỉ cần một phương thức quản lý mới, ý tưởng mới, thiết kế mới để cải tiến mẫu mã.

Những phương thức quản lý mới này có thể tiết kiệm được cho họ 20 - 30% giá thành. Ví dụ như làm gạch men không khó, nhưng ta chỉ sản xuất được ở mức thấp, chưa nghĩ đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.

Chính chỗ đó, tôi có suy nghĩ, không thể thu hút một cách chung chung mà phải làm thế nào để phát huy có hiệu quả.

Thanh niên có ý chí tiến thủ, nhưng số em có giấc mơ có hoài bão xây dựng nhà máy là quá ít. Chúng ta không thể đào tạo ra một ông tiến sỹ chỉ biết làm việc trên giấy tờ.

Tại hội thảo này, tôi đã đưa ra mô hinh Liên kết Tam giác: Nhà nước - Đại học và Doanh nghiệp. Nhà nước phải giữ vai trò chủ thể. Nhà nước sẽ tạo ra sự thúc đẩy xã hội.

Theo ông, trong thương lai, vấn đề chủ đạo của kinh tế sẽ là gì?

Hiện nay nền kinh tế ý tưởng vượt lên nhiều lần so với nền kinh tế vật chất. Đó là khă năng biến cái tưởng chừng không có thành có thể. Nền kinh tế này sẽ quyết định sự tồn tại của xã hội, chứ chúng ta không thể cứ đem tài nguyên ra mà bán.

Chẳng hạn, màn hình của máy chụp ảnh điện thoại hiện đã chiếm lĩnh 100% thị trường thế giới xuất phát từ ảnh hưởng kỹ thuật của Casio. Sản phẩm này đem lại cho Nhật Bản hàng mấy chục tỷ đô la mỗi năm.

Hay như các hãng điện thoại di động, quần áo, giày dép cũng liên tục thay đổi mẫu mã. Còn ở ta, nếu làm ra được 1 cái điện thoại thì đã vội tự mãn rồi. Một nhà doanh nghiệp giỏi thì không dễ dàng chấp nhận chuyện đó.

Theo ông, nhà nước đóng vai trò thế nào trong việc thu hút chất xám kiều bào?

Chính sách của Nhà nước là quan trọng nhất. Anh em Việt kiều giống như năng lượng mặt trời tản mạn khắp nơi. Nếu Nhà nước đưa ra được một cơ chế kiểu như thấu kính để tập trung năng lượng đó thành điểm nóng. Nếu  tập trung càng được nhiều điểm nóng thì mới biến nó thành năng lượng.

Về mặt tổ chức, phải có những chính sách cụ thể, có con người cụ thể có tài năng để điều hành. Nếu không có người tài năng, thì phải mời cho được người có đủ năng lực. Cũng giống như nếu muốn mở nhà hàng, anh có thể thuê một đầu bếp thật giỏi, chứ không nhất thiết anh phải nấu ăn giỏi. Vấn đề là anh phải biết tổ chức.

Việt kiều rất cần có sự khích lệ của Nhà nước. Nhiều anh em Việt kiều về nước làm việc âm thầm, có người mở xưởng, trường học, bệnh viện, tìm nhiều cách để xuất khẩu, tìm đầu tư nước ngoài. Nhà nước cần động viên khích lệ. Có những người không thành công, cũng cần có sự khích lệ để họ yên tâm, để cho những anh em khác có thể tin tưởng mà tiếp tục về đầu tư.

Lan Anh (thực hiện)

MỚI - NÓNG