Nhận trách nhiệm trước những mặt còn yếu kém của đất nước

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
TP - Ngày 22/3, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác nhiệm kỳ 2011-2016. Trước Quốc hội, lãnh đạo Nhà nước nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay.

“Gần dân, trọng dân”

Báo cáo nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong bối cảnh thế giới và khu vực phức tạp, kinh tế trong nước khó khăn, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Chủ tịch nước đã giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước, ký quyết định bổ nhiệm các thành viên Chính phủ. “Chủ tịch nước đã tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, tiếp xúc cử tri, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... Trong công tác và sinh hoạt, Chủ tịch nước luôn thể hiện sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc, nhân dân”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đồng thời cũng thừa nhận phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay.

Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng hàm cấp tướng cho 194 sỹ quan quân đội và 119 sỹ quan công an. Bên cạnh đó đã ký quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn đối với 43.999 phạm nhân.

Nhận trách nhiệm trước những mặt còn yếu kém của đất nước ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp ở biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việt Nam đã chủ động cùng các nước thành viên ASEAN tạo đồng thuận, yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông… Đồng thời chủ động chỉ đạo chuẩn bị các Đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Trước tình hình thế giới có nhiều biến động, Thủ tướng cũng cho biết, việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách Nhà nước nhiệm kỳ qua có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Mức độ tăng trưởng kinh tế cũng chưa tương xứng với tiềm năng. “Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Nhận trách nhiệm trước những mặt còn yếu kém của đất nước ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm

Báo cáo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể hiện rõ quy định Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân. Một điểm mới của nhiệm kỳ là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Hoạt động này thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội. “Chất vấn là hình thức giám sát hiệu quả nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhiệm kỳ XIII cũng đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ rõ, bên cạnh những đóng góp to lớn, vẫn còn đó những đại biểu với những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu còn vi phạm pháp luật, gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Và tại nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phải tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với 2 đại biểu Quốc hội. Cả hai đại biểu này đều là các đại biểu tự ứng cử.

Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng, Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm với những tồn tại, yếu kém của đất nước khi sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng…

Báo cáo thẩm tra công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ qua. Đồng thời, cần làm rõ các giải pháp tích cực để tiếp tục phát huy những mặt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Chính phủ để Chính phủ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

MỚI - NÓNG