Nhập hộ khẩu: Trên thông, dưới tắc

Nhập hộ khẩu: Trên thông, dưới tắc
TP - Sau hơn 5 tháng thực hiện, việc đăng ký hộ khẩu (ĐKHK) theo quy định mới có vẻ thông thoáng hơn. Tuy nhiên số người ngoại tỉnh diện KT3 được nhập khẩu vào Hà Nội và TPHCM vẫn rất ít so với nhu cầu thực tế.
Nhập hộ khẩu: Trên thông, dưới tắc ảnh 1

Nếu đáp ứng mọi thủ tục thì việc đăng ký hộ khẩu vào TP Hà Nội sẽ được giải quyết nhanh. Ảnh: Phạm Yên

Những thủ tục rườm rà và cách làm chưa thống nhất, mỗi nơi một kiểu đã làm cho không ít người bỏ cuộc, đành phải gác lại giấc mộng có... hộ khẩu thành phố.

Hà Nội: Nhiều người bỏ cuộc

Ông Đặng Hồng Trọng trú ở phòng 301A- H8, khu TT Cty Xây lắp đường dây và trạm 1 (phường Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân), là một trong số những người dân mà tôi đã gặp tại điểm tiếp nhận hồ sơ của Công an quận Thanh Xuân trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện việc ĐKHK theo Nghị định 108/CP.

Cứ tưởng gia đình ông đã thực hiện được mong ước, thế nhưng nay gọi điện hỏi thăm vẫn nghe ông trả lời: “Đến giờ tôi quá chán nản, mệt mỏi vì phải chạy ngược chạy xuôi mà vẫn chưa thể nhập được hộ khẩu”.

Cả hai vợ chồng ông Trọng đều công tác lâu năm trong quân đội. Năm 1996, về nghỉ hưu ông đã mua lại căn hộ của người anh trai. Mọi giấy tờ mua bán và quyết định phân nhà đều được chuyển giao lại cho ông.

Theo Nghị định 108/CP, với diện KT3 để ĐKHK phải có đầy đủ 3 điều kiện gồm: Thời gian cư trú trên địa bàn trên 3 năm; có việc làm ổn định và có nhà ở hợp pháp. Cả ba điều kiện trên gia đình ông Trọng đều có đủ.

Thế nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ ĐKHK lại yêu cầu ông phải tìm lại Cty đã phân nhà, chuyển quyết định phân nhà “từ anh trai sang cho ông”. Theo ông Trọng, yêu cầu trên là không thể thực hiện được.

Bởi theo ông, quyết định phân nhà được ký từ năm 1988 (cách đây 18 năm), còn Cty Xây lắp đường dây và trạm 1 hiện đã giải thể. “Nếu tôi có tìm lại được Cty đã phân nhà đi chăng nữa thì ai dám xác nhận vì từ đó đến nay Cty đã qua bao nhiêu đời giám đốc rồi!

Theo quy định nếu Cty phân nhà đã giải thể thì chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương là được, đằng này lại bắt bí tôi phải đổi lại quyết định phân nhà ”-Ông Trọng than thở. Sau bao nhiêu lần chạy ngược chạy xuôi, ông đã quyết định từ bỏ ước muốn được nhập khẩu Thủ đô.

- Trao đổi với Tiền phong sáng 7/5, Đại tá Trần Triều Dương – Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết:

“Sau khi thực hiện Nghị định 108 của Chính phủ, Công an TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để giúp người dân có nhu cầu sớm được nhập hộ khẩu vào TP HCM.

Chúng tôi đã mở 25 “cửa” tiếp nhận hồ sơ của người dân muốn nhập khẩu (Công an của 24 quận huyện và Phòng cảnh sát QLHCVTTXH). Theo thống kê, cả TP HCM có khoảng 1,7 – 1,8 triệu người từ các tỉnh có nhu cầu nhập khẩu vào TPHCM, trong số này có khoảng 500.000 người đủ điều kiện.

Đến nay, đã có 200.000 người đủ điều kiện được nhập khẩu vào TPHCM”.  

- Theo cơ quan chức năng, những vướng mắc hiện nay làm nhiều người dân không thể nộp được hồ sơ ĐKHK chủ yếu là xoay quanh việc xác nhận của các phường, xã về tình trạng nhà ở hợp pháp.

Về vấn đề này, ngoài Chỉ thị số 26 (yêu cầu UBND các phường, xã, thị trấn phải xác nhận cho người dân về tình trạng nhà ở hợp pháp), hiện Công an TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi UBND TP và Bộ Công an đề nghị tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại.

Đối tượng diện KT3 khi đi ĐKHK, hồ sơ phải có các loại giấy tờ sau:

Giấy tờ mua, bán nhà- đất ở; Chứng minh nhân dân; Sổ hộ khẩu gốc; Giấy khai sinh; Phiếu thay đổi nhân khẩu; Giấy tạm trú có xác nhận;Quyết định (hợp đồng) tuyển dụng lao động.

Trường hợp của ông Trọng là điển hình cho những hộ dân mua nhà (do các cơ quan, tổ chức quản lý) mà rất khó khăn có được xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó về tình trạng nhà đất.

Bởi lẽ hầu hết các trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất là trao tay qua nhiều chủ, trong khi đó nhiều cơ quan, đơn vị lại không muốn xác nhận với nhiều lý do. Ngay như trong khu tập thể của ông Trọng, nhiều hộ dân khác cũng đều trong tình cảnh tương tự.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC CA Hà Nội), tính từ ngày 15/11/2005 đến ngày 15/4/2006 (tức là sau 5 tháng thực hiện Nghị định 108/CP), riêng diện KT3 toàn thành phố chỉ mới giải quyết được 2.266 trường hợp, đạt tỷ lệ 23% so với số trường hợp KT3 đã được UBND phường, xã xác nhận.

Một trong các nguyên nhân là việc xác nhận của chính quyền phường, xã chưa thống nhất, dẫn đến việc xác nhận “vênh” so với yêu cầu của cơ quan công an. Trong đó tập trung chủ yếu ở việc xác nhận về tình trạng nhà ở hợp pháp.

Theo quy định việc xác nhận nhà đất phải nêu rõ đất ở, nhà ở ổn định, không tranh chấp, không lấn chiếm, không trong vùng quy hoạch. Thế nhưng đa phần các phường, xã chỉ mới xác nhận là nhà không có tranh chấp, khiếu kiện.

“Việc chính quyền các phường, xã lúng túng khi xác nhận về tình trạng nhà đất cho người dân, ngoài việc thành phố chưa có hướng dẫn thống nhất còn do nguồn gốc nhà đất của nhiều hộ dân hiện nay quá phức tạp”- Một Chủ tịch phường nói.

Đó là những trường hợp bị quy hoạch “treo”, những trường hợp chưa xác định cụ thể được tình trạng nhà đất hay trường hợp mua bán nhà đất có nguồn gốc lấn chiếm, đất sử dụng sai mục đích mà chưa có quyết định thu hồi hay cho tồn tại.

“Cần có một hướng dẫn chi tiết của UBND thành phố để giải quyết kịp thời. Ngoài ra, nên xem xét cấp sổ đỏ cho những người dân ngoại tỉnh đã mua nhà ở hợp pháp để hợp pháp hoá nhà đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ được nhập hộ khẩu về thành phố” - Vị Chủ tịch phường nói.

TP Hồ Chí Minh: Mỗi cơ quan yêu cầu một kiểu

Nhập hộ khẩu: Trên thông, dưới tắc ảnh 2

Tại TP.HCM, người dân phải đi lại nhiều lần vì thủ tục rắc rối

Chúng tôi gặp ông Vũ Văn Luyện đang sinh sống ở Hóc Môn. Ông Luyện phải lên Phòng QLHC (Công an TP.HCM) để bổ sung hồ sơ 4 - 5 lần nhưng chưa xong.

Đó là những lần xác định bổ sung về tình trạng nhà đất, bổ sung thêm phần xác nhận “nhà, đất không tranh chấp”, rồi hộ khẩu gốc… Bà Phạm Thị Hồng ở Bình Chánh cũng mất mấy tháng trời làm giấy tờ liên quan từ tổ dân phố, tới UBND phường, rồi Công an phường.

Bà than thở: “Tôi đã có tờ kê khai nhà đất năm 1999, hợp đồng mua bán, bản vẽ hiện trạng đất... nhưng phường không xác nhận tình trạng nhà và đòi phải có bản vẽ hiện trạng nhà mới. Trong khi đó lên hỏi Công an thì họ bảo được”.

Anh Trương Văn Hùng, ngụ phường 3, (Gò Vấp) đến Phòng QLHC làm thủ tục đăng ký hộ khẩu nhưng thiếu giấy kết hôn. Anh về quê ở Hải Phòng xin xác nhận nhưng không được. Quay trở lại Phòng  QLHC, một cán bộ khác yêu cầu chỉ cần có khai sinh của con (trong đó có tên cha mẹ) là được.

Anh Hùng tâm sự: “Đúng là cũng có lỗi của mình vì làm mất giấy tờ. Nhưng vợ chồng tôi chưa có con thì làm sao có khai sinh. Vậy là đành chịu!”.

Anh Trần Công Minh ở phường Tân Thới Hiệp (quận 12) mất một thời gian chạy tới chạy lui xin xác nhận tình trạng nhà. Đến khi lên Phòng QLHC thì hồ sơ bị trả vì nhà chưa được cấp số. Quay về phường thì không giải quyết vì... nhà chưa có hộ khẩu (HK).

Lên quận thì nhận được câu trả lời nếu chưa có HK thì  chưa được cấp số nhà.  Rồi tình trạng số nhà cũ, số nhà mới nhưng UBND phường nhiều khi không xác nhận cũng khiến người muốn nhập khẩu hết hơi.

Thiếu tá Lê Văn Sang - Đội phó Đội Tham mưu, tổng hợp phòng QLHC - cho biết: “Số nhà là một trong những điều kiện cần để được cấp hộ khẩu. Để giúp người dân không vướng mắc về số nhà trong việc đăng ký hộ khẩu, Sở Xây dựng TPHCM đã ban hành Công văn (số 1065/SXD-CCQNĐ ngày 24/2/2006) hướng dẫn về việc cấp số nhà tạm cho các trường hợp không cấp hoặc chưa cấp số nhà.

Theo đó, các quận huyện sẽ tiến hành cấp số nhà tạm cho các đối tượng theo 2 phương thức: cấp theo kế hoạch và theo nhu cầu của người dân. Vì thế, những trường hợp nào chưa được cấp số nhà thì lên UBND quận để mua mẫu xin cấp số nhà và chỉnh sửa số nhà, sau đó mang hồ sơ lên Phòng QLHC để được giải quyết ĐKHK.

Cũng tương tự như vậy, trước đây các trường hợp nhà chưa có chủ quyền (sổ hồng) đều phải về Phòng QLHC để nộp hồ sơ xin đăng ký hộ khẩu. Nay, Phòng QLHC đã giao cho các quận huyện trực tiếp giải quyết”.

Công an TPHCM thời gian qua cũng có 2 văn bản hướng dẫn là 04 (ngày 10/4/2006) và 07 (ngày 13/4/2006) để đóng 5 con dấu lên bìa hộ khẩu những trường hợp nhà “đang tranh chấp”, “nhà do Nhà nước quản lý”, “nhà xây dựng trên đất công”, “nhà trong khu di dời, giải tỏa”. Tất cả những điều này nhằm quản lý tốt hơn những công dân đang sinh sống tại TPHCM.

MỚI - NÓNG