Nhập thiết bị đã qua sử dụng: Đừng “trói chân” doanh nghiệp?

Quy định của Thông tư 20, sẽ “trói chân” các DN nhập khẩu máy móc. Ảnh: Đại Dương
Quy định của Thông tư 20, sẽ “trói chân” các DN nhập khẩu máy móc. Ảnh: Đại Dương
TP - Với những quy định thiếu thực tế, Thông tư 20/2014/TT-BKHCN (Viết tắt: Thông tư 20) của Bộ Khoa học- Công nghệ (KHCN) liên quan đến việc nhập máy móc thiết bị đã qua sử dụng, có hiệu lực từ 1/9/2014 đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các doanh nghiệp nhập khẩu.

“Sập bẫy” tiêu chuẩn


Theo quy định của Thông tư 20, máy móc thiết bị có thời gian sử dụng không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày nhập khẩu vào Việt Nam và giá trị sử dụng còn lại phải từ 80% trở lên. Riêng các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, sử dụng trong ngành bia, rượu, nước giải khát có cồn và không cồn, thiết bị băng tải… đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 3 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên. 

“Tôi rất thắc mắc về con số 80%, bởi nó khó có thể được xác định rõ ràng, chính xác” - Ông Đỗ Hoàng - Giám đốc công ty Blue Star nói.  

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản - Phó phòng Quản lý Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh xác nhận: Nếu máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu không thỏa mãn 2 yêu cầu kể trên, lập tức hàng hóa đó rơi vào danh mục hàng cấm nhập quy định tại Nghị định 187 của Chính phủ. 

Ông Toản bày tỏ sự đồng cảm với những băn khoăn của DN khi cho rằng: “Tỷ lệ sử dụng còn lại bao nhiêu phần trăm là hoàn toàn do cảm tính của con người, không có máy móc thiết bị nào đo được. Do vậy, khi áp dụng sẽ phát sinh nhiều vướng mắc”. Điều đó cũng có nghĩa, các nhà nhập khẩu sẽ bị “sập bẫy tiêu chuẩn” bất cứ lúc nào và không thể biết trước điều gì. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Cty Kiểm định thiết bị công nghệ và tư vấn xây dựng chỉ những nhà nhập khẩu chuyên nghiệp hoặc chính DN hoạt động trong lĩnh vực nào đó mới có thể biết chính xác nhất thiết bị công nghệ nào phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.

Cũng chính họ mới biết đích xác chất lượng, giá trị sử dụng của máy móc thiết bị (đã qua sử dụng) còn lại bao nhiêu để quyết định bỏ tiền đầu tư. Trong khi đó, những người trong các cơ quan được Bộ KHCN giao nhiệm vụ thẩm định chất lượng máy móc, thiết bị lại không thể biết hay “cảm” được điều này bởi thiếu vốn sống thực tế. 

Tuy nhiên, họ vẫn nắm quyền phán xét đủ hay thiếu tiêu chuẩn và đi đến quyết định cho nhập hay không. “Đó là điều trớ trêu” - ông Hà nói. 

Mở đường cho thiết bị rẻ tiền

Theo các DN, việc áp dụng Thông tư 20 sẽ khiến nhiều DN gặp trở ngại, thậm chí phải đóng cửa vì không thể đủ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị chuyên dụng mới đắt tiền có xuất xứ từ các nước phát triển; trong khi máy móc thiết bị từ các nước xung quanh, đặc biệt từ Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu. 

Nông dân cũng sẽ gặp trở ngại trong việc tiếp cận, sử dụng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất bởi các loại máy phục vụ nông nghiệp đã qua sử dụng bị hạn chế nhập khẩu ở mức khắt khe hơn.   

“Trói chân” DN trong việc nhập thiết bị đã qua sử dụng phù hợp với điều kiện tài chính và trình độ sản xuất cũng đồng nghĩa với việc mở đường cho máy móc thiết bị rẻ tiền, đặc biệt từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam. 

Ông Nguyễn Thanh Hà đề xuất: Nếu có thể, nên phân loại nguồn gốc xuất xứ của thiết bị công nghệ để có những giới hạn về thời gian sử dụng để được nhập khẩu thay vì cào bằng. Chẳng hạn, thời gian từ khi sản xuất đến khi nhập khẩu vào Việt Nam của máy móc thiết bị đã qua sử dụng có xuất xứ từ những nước tiên tiến thì sẽ dài hơn nhiều so với 5 năm và ngược lại.

Dừng thực hiện Thông tư 20 để tiếp thu ý kiến

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 1/9.

Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, lý do lùi thời điểm thực hiện Thông tư 20 là do Thông tư này có nhiều quy định không khả thi như các dây chuyền máy móc đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam có thời gian sử dụng chưa quá 5 năm; có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên mới được nhập khẩu. 

Không ít chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng rất khó để thực hiện những tiêu chí trên. Sau khi xem xét, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20 để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến. 

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.