Nhật ký ứng phó COVID-19 giai đoạn 2: Sinh nhật trong vùng phong tỏa

Các bác sĩ Bệnh viện Gia Ðình, Ðà Nẵng tham gia phòng chống COVID-19 Ảnh: Giang Thanh
Các bác sĩ Bệnh viện Gia Ðình, Ðà Nẵng tham gia phòng chống COVID-19 Ảnh: Giang Thanh
TP - Sáng, ra cửa chuẩn bị đi làm thì buộc phải quay vào, do cả tuyến đường nhà tôi bị phong tỏa. Bà xã tối qua ở lại trực trạm y tế, thì không vào nhà được. Chúng tôi bắt đầu cảnh mỗi người mỗi nơi.

Ba ngày trôi qua trong cảnh ngồi không, với một bác sĩ như tôi thật là bức bách. Giữa lúc các đồng nghiệp đang căng sức chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại. Đã có những đồng nghiệp bị COVID-19 “quật ngã” trở thành bệnh nhân. Còn riêng tôi lại thấy như người thừa thật khó chịu.

Hỏi tin tức bên bệnh viện thì biết đang rất thiếu nhân lực. Một số nhân viên y tế là F1 đã được đưa đi cách ly tập trung rồi, các anh em còn lại căng ra làm. Qua nhóm Zalo của khoa, tôi thấy anh chị em ai cũng mệt nhoài, nhưng đều cố gắng. Tội nhất là trường hợp một y tá ở khoa tôi làm việc, chồng thuộc lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển phải trực chiến 24/24, vợ phải đi cách ly tối qua do có tham gia cấp cứu một bệnh nhân COVID-19. Hai con của họ còn nhỏ đã gửi cho dì 5 ngày qua.

Rồi có em y tá vừa lấy chồng được một ngày thì bị gọi đi làm ngay. Tôi vừa nhận được tin thay vì đêm trực 3 bác sĩ cho 5 khoa (Cấp cứu, Hồi sức, Nội, Lây, Nhi), thì bây giờ chỉ còn 2 bác sĩ thôi. Mà công việc thì vất vả hơn nhiều, do Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C không nhận cấp cứu nữa. Hai chị hộ lý khoa tôi vất vả làm vệ sinh sát khuẩn liên tục các nơi nghi nhiễm khuẩn, lại phải phục vụ bệnh nhân, vệ sinh trong và ngoài khoa…

Sáng sáng, tôi có thói quen uống cà phê, nên tự pha ly cà phê rồi kê ghế trước cửa nhìn ra phố. Thấy phía đường Đống Đa bên kia không bị phong tỏa, dòng người vẫn hối hả. Dù sao cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Sát cạnh nhà tôi là hàng rào sắt chốt chặn phong tỏa. Ngày ngày chứng kiến công an, bộ đội, dân phòng và y tế trực 24/24. Vẻ căng thẳng, mệt mỏi hiện lên trong ánh mắt mỗi người, nhưng ai cũng quyết tâm làm tốt nhiệm vụ. 100% không ai lọt qua khu cách ly, 100% xe qua khu cách ly được khử khuẩn. Tội nhất là mấy người nhà bệnh nhân tử vong trong bệnh viện, khi nghe tin cha mẹ, người thân mình qua đời vội vã chạy tới nhưng không cách nào vào được. Chỉ được nghe thông báo từ bên trong ra qua bộ đàm là chờ kết quả xét nghiệm COVID đã, nếu âm tính mới được đem về lo hậu sự. Mà xét nghiệm sẽ mất khoảng một ngày!

Những ngày ngồi bên cạnh hàng rào phong tỏa, qua khó khăn mới thấy lòng dân độ lượng. Những ngày qua, đồ ăn, nước uống, thực phẩm bà con khắp nơi mang tới ủng hộ y bác sĩ.  

Tôi cũng thoáng lo cho con gái út. Kỳ thi THPT cận kề, mà không biết làm sao ra để đi thi đây? Tôi gọi điện hỏi, chẳng ai có hướng dẫn cụ thể gì cả. Có cảm giác ngành giáo dục đang bị động về trường hợp này? Tối qua đọc báo online, thì thấy Đà Nẵng đưa phương án cho các cháu đi thi, nhưng soi chiếu vào trường hợp cụ thể con tôi thì thấy không ổn. Lý do là họ chỉ có phương án xếp phòng thi cho F0, F1, F2, mà con mình nằm trong khu vực phong tỏa thì chẳng thuộc F nào cả! Khi thi con ngồi chung với F2 thì tôi không yên tâm, vì F2 là vẫn trong diện nghi ngờ.

Mải lo dịch, mà quên hôm nay (30/7) cũng chính là sinh nhật của tôi. Một sinh nhật thật đặc biệt giữa vùng phong tỏa: Không hoa, không bánh sinh nhật, không vợ bên cạnh… Cũng may là thời đại 4.0 nên bạn bè, người thân chúc mừng online liên tục (cũng đỡ buồn).

Mong dịch bệnh mau qua để cuộc sống lại tiếp tục dòng chảy bình thường.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.