Nhất thể hóa - tăng hiệu lực cầm quyền

Nhất thể hóa - tăng hiệu lực cầm quyền
TP - Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng Ban tổ chức T.Ư Nguyễn Văn An đề cập những vấn đề phân biệt lãnh đạo với cầm quyền, nhất thể hóa chính là cầm quyền, gắn quyền lực với trách nhiệm. Mời bạn đọc theo dõi tiếp kỳ 2.

>> Kỳ 1

Trực tiếp nắm quyền mới quy được trách nhiệm

Ông thấy lợi ích gì từ  vấn đề nhất thể hóa? Có phải để tránh hiện tượng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng bí thư và chủ tịch các cấp địa phương nhiều khi cứ kình nhau?

Lúc đó, chúng tôi đề xuất thực hiện từ cấp cao nhất, nghĩa là từ Tổng Bí thư cho tới cấp cơ sở vì thực ra đầu xuôi thì đuôi lọt. Thực hiện nhất thể hóa có lợi nhiều mặt nhưng vấp phải ý kiến phản đối vì cho rằng quyền lực tập trung vào một người dễ tha hóa. Nhưng tôi bảo đâu phải một người. Lập pháp, hành pháp, tư pháp, phân công rành mạch theo ba cơ quan chứ. Tôi đã phát biểu góp ý rồi và sẽ còn tiếp tục góp ý.

Văn bản của Đảng công bố chính thức có nói việc chồng chéo, làm thay, ỷ lại còn xảy ra ở một số cơ sở. Hôm họp, tôi đề nghị các đồng chí xem lại vì hiện tượng này có tính phổ biến chứ không phải chỉ xảy ra ở một số địa phương, cơ sở. Tôi thấy nhiều người còn lẫn lộn chức năng Đảng và Nhà nước, hội nghị gì cũng mời cả ban và bộ.

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ như ba cái kim đồng hồ riêng, ba mảng riêng, tuy có quan hệ chặt chẽ song không thể lẫn lộn vì lẫn là hỏng. Trong hiến pháp, pháp luật có chỗ nào nói về trách nhiệm của Tổng Bí thư, của bí thư các cấp đâu.

Nhưng nếu là Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND các cấp thì luật quy định rất rõ. Làm không đúng chức năng, nhân dân, cử tri sẽ có ý kiến. Bí thư các cấp ủy quyền hành rất lớn nhưng chỉ là lãnh đạo chung chẳng chịu trách nhiệm pháp lý gì cả. Nếu anh sang nắm quyền trực tiếp thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.

Trước đây chúng tôi đã làm thí điểm thực hiện nhất thể hóa tại cơ sở trên phạm vi toàn bộ một tỉnh. Nhưng mới làm được một thời gian thì xảy ra lộn xộn nên có người bảo do việc nhất thể hóa nên mới có chuyện như vậy.

Nhưng nếu nhất thể hóa thì sẽ tránh được tình trạng lấn cấn giữa bí thư và chủ tịch, ít nhất là như vậy. Tôi phát biểu hiện tượng này là phổ biến và đã là phổ biến thì thuộc về bản chất chứ không phải hiện tượng.

Ông là người tích cực thúc đẩy việc nhất thể hóa. Bây giờ vấn đề này đang được làm thí điểm, ông nghĩ sao?

Tôi rất mừng, rất hoan nghênh. Có hai cách làm từ dưới lên hoặc từ trên xuống. Nhưng tôi cho rằng từ trên xuống sẽ thuận lợi hơn, vì cuối cùng quyết định phải ở trên T.Ư. Nhưng Việt Nam thường đổi mới từ dưới lên. Nếu làm từ trên sẽ thúc đẩy toàn bộ. Không nên để chậm quá.

Tuy nhiên có một vấn đề là con người. Tôi vẫn giữ quan điểm thể chế quyết định con người, và con người lại tiếp tục hoàn thiện thể chế. Ngại rằng không có người là không đúng. Phong trào nào, cán bộ ấy bởi Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt không bao giờ thiếu.

E ngại nhất thể hóa vì lợi ích

Liệu ở nơi này nơi kia, cấp này cấp nọ có tâm lý e ngại nếu làm như vậy thì sẽ bớt chiếu để ngồi không, thưa ông?

Không thể nói đơn giản như vậy. Có nhiều nguyên nhân, phổ biến là do nhận thức còn khác nhau, như phần trên đã nói, nhất là sợ giống cách cầm quyền của các đảng xã hội dân chủ  phương Tây. Theo tôi đây là khoa học cầm quyền, vừa giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, vừa thực hiện được vai trò làm chủ của nhân dân, không lẫn lộn.

Sự lấn cấn chủ yếu là do những nguyên nhân đã nói trên đây song chắc ở nơi này nơi kia cũng có băn khoăn tí chút về lợi ích cá nhân dưới nhiều dạng khác nhau.

Vậy ông vững tin đề án thí điểm lần này sẽ thành công?

Tôi tin vì đó là khoa học, chỉ là vấn đề nhanh hay chậm. Thực ra xu thế nhất thể hóa đâu phải mới mà chỉ là học tập, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm các đảng cầm quyền trên thế giới. Tất cả đã có rồi, vấn đề là vận dụng ra sao thôi.

Với tư cách nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng Ban tổ chức T.Ư, quan điểm của ông thế nào về đề xuất mới đây của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh về việc cho dân trực tiếp bầu chủ tịch thành phố?

Làm được như vậy thì quá tốt nhưng lại đụng luật. Khi còn làm Chủ tịch Quốc hội tôi cũng đã trao đổi với anh Thanh về việc này. Với cơ chế như hiện nay thì một đề xuất như vậy chưa thể thực hiện được mà phải sửa luật.

Vậy còn đề án thí điểm để đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, các chức danh bí thư, phó bí thư thì sao? Dường như, lúc sinh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng đề cập?

Đúng vậy. Đây thực chất là vấn đề mở rộng dân chủ trong Đảng. Tuy nhiên, việc gì cũng phải có sự chuẩn bị thấu đáo. Nếu không có một nền dân chủ tốt, những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên, chưa chắc có sự lựa chọn tốt. Nếu ra đại hội mà không có thông tin mà lại chỉ qua lực lượng rỉ tai nhau thì rất nguy hiểm.

Cho nên để phát huy dân chủ phải có lãnh đạo tốt. Tôi ủng hộ việc bầu trực tiếp nhưng phải chuẩn bị tích cực các điều kiện và có sự lãnh đạo tốt.

Nên có cơ chế để dân bầu chọn người đứng đầu

Theo ông, lãnh đạo trong thời đại toàn cầu hóa khi thế giới đã trở nên phẳng có gì khác trước không?

Luôn luôn có phát triển, cái ngày hôm qua đúng hôm nay đưa vào chưa chắc đã đúng, đúng với chỗ này chưa chắc đã đúng với chỗ kia.

Dường như ông rất ủng hộ và trăn trở về một phương thức nào đó để nhân dân có thể lựa chọn người đứng đầu?

Theo tôi cần phải có cương lĩnh công khai. Cương lĩnh là mục tiêu, lý tưởng, là những giải pháp lớn để tập hợp lực lượng. Cương lĩnh cũng như con đường, để nhân dân tự lựa chọn, như thế mới là lãnh đạo. Lãnh đạo để cho dân lựa chọn. Nếu dân không có sự lựa chọn thì coi như không phải là lãnh đạo.

Ông nghĩ sao về việc Quốc hội đã thông qua chủ trương để nhân dân ở mấy trăm xã, phường được trực tiếp lựa chọn người đứng đầu cho mình?

Đấy thực sự là một chủ trương rất tích cực. Dân sẽ được quyền chọn lãnh đạo của mình. Tuy nhiên dưới xã cũng có nhiều chuyện phức tạp như vấn đề dòng họ, vùng này vùng kia... Cho nên phải khắc phục những tư tưởng sai lệch đó và phải lãnh đạo tốt thì việc bầu chọn trực tiếp mới tốt. 

Cảm ơn ông.

Đặng Vương Hạnh
Thực hiện

MỚI - NÓNG