Nhiệt huyết của những người lính phá vụ thảm án ở tiệm vàng

Nhiệt huyết của những người lính phá vụ thảm án ở tiệm vàng
Ngay trong đêm, một tổ công tác của Phòng PC45 - Công an tỉnh Bắc Giang, đã phối hợp với Công an huyện Lục Nam (Bắc Giang) tiến hành mò tìm ngay và đã thu được con dao phớ Luyện sử dụng để chém các nạn nhân.

> Lê Văn Luyện ngủ quên trong tiệm vàng Ngọc Bích

Lực lượng nghiệp vụ giám định tang vật
Lực lượng nghiệp vụ giám định tang vật. Ảnh: Công an Nhân dân
 

Chưa ở chuyên án nào, lực lượng Công an lại được huy động lực lượng nhiều đến thế. Hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ ở các binh chủng khác nhau đã được tăng cường cho việc điều tra, khám phá vụ án.

Điều khiến những người làm báo chúng tôi cảm nhận được và rất xúc động, đó là nhiệt huyết của tất cả cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án, họ lăn xả vì trách nhiệm công việc, vì sự căm ghét cái ác. Cho đến khi vụ án kết thúc, kẻ thủ ác bị bắt giữ, tất cả vẫn đồng lòng với suy nghĩ: Họ chỉ góp một phần nhỏ bé trong chiến công chung của lực lượng.

Những người lặng thầm trong chiến công

Đó là các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Bắc Giang và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã góp sức trong việc điều tra, khám phá vụ án. Công việc của các lực lượng này lặng thầm, nhưng đóng góp to lớn vào thành công của vụ án.

Trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo, Ban chuyên án, chúng tôi thấy Đại tá Bùi Đức Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang là người bị "xoay" nhiều nhất. Cũng là lẽ đương nhiên, bởi trong vụ án chỉ có duy nhất lời khai ít ỏi của bé Trịnh Ngọc Bích thì hướng đi của vụ án phụ thuộc vào việc phân tích kết quả khám nghiệm hiện trường.

Đại tá Cường kể lại rằng, giờ khắc đầu tiên khi đặt chân vào hiện trường, chứng kiến ba xác nạn nhân, đặc biệt là cháu bé 18 tháng bị giết hại dã man, dù đã dạn dày với việc khám nghiệm tử thi, ông và các cán bộ của mình vẫn không kìm nén được sự xúc động và càng căm phẫn hơn bao giờ hết kẻ gây tội ác.

Gần năm ngày trời kể từ khi án mạng xảy ra, các cán bộ của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, với sự phối hợp của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã lăn lộn tại hiện trường vụ án, làm việc tỉ mỉ, thận trọng trong cái nắng nóng ngột ngạt cuối hạ. Hiện trường rất rộng, bị xáo trộn nhiều do mọi người vào cấp cứu nạn nhân, các dấu vết bên ngoài đã bị trời mưa rửa sạch…

Dẫn giải đối tượng về Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang
Dẫn giải đối tượng về Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang.
 

Chúng tôi thấy Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự liên tục có mặt tại hiện trường và các cuộc họp của Ban chỉ đạo chuyên án để báo cáo kết quả và phân tích, đánh giá tình hình. Thiếu tướng Ngô Tiến Quý kể rằng, sau khi cùng với các đồng nghiệp tại Công an tỉnh Bắc Giang thu được các dấu vết tại hiện trường, suốt đêm 25, cả ngày và đêm 26-8, các cán bộ của ông làm việc liên tục, phân tích các dấu vết để có kết quả cuối cùng mang lên Bắc Giang vào sáng 27-8.

Từ kết quả giám định này, Ban chỉ đạo và Ban chuyên án đã phân tích, định hướng và khoanh vùng đối tượng nghi vấn, từ đó hàng trăm cán bộ, chiến sỹ được phân công tiến hành rà soát và xác định được đối tượng gây án là Lê Văn Luyện bị thương vào tay, phải vào khâu vết thương ở trạm xá xã Thanh Lâm (Lục Nam). Cho đến trưa 2-9, cán bộ, chiến sỹ của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Giang còn quay lại hiện trường, cùng các lực lượng khác thực nghiệm lại những động tác, dấu vết của đối tượng gây án…

Lãnh đạo Cục Hồ sơ nghiệp vụ là một thành viên của Ban chỉ đạo chuyên án. Sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã cử một tổ công tác nằm vùng tại Bắc Giang, phối hợp với Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh tiến hành tra cứu để tìm đối tượng để lại dấu vết trùng khớp với hiện trường.

Tại trụ sở Cục Hồ sơ nghiệp vụ tại Hà Nội, các cán bộ của Phòng 7 thuộc Cục làm việc không kể thời gian, tra cứu để loại bỏ diện đối tượng nghi vấn trong số đối tượng nằm trong hồ sơ can phạm. Ở Bắc Giang, các anh tiến hành tra cứu dấu vết của những đối tượng thuộc diện nghi vấn do lực lượng điều tra phát hiện. Cứ rảnh lúc nào, họ lại "bới" trong những trường hợp người dân Bắc Giang đến tuổi làm CMND để tìm đối tượng nghi vấn.

Tất nhiên, mọi sự tra cứu phải thực hiện trên máy móc, nhưng không hề đơn giản chút nào. Hầu hết cán bộ của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang ngày nào cũng phải làm việc đến 22h, dù đã quá quen việc nhưng khi đứng dậy, họ đều bị choáng vì mờ mắt… Chính lực lượng này cũng đã cùng với các lực lượng nghiệp vụ khác góp chứng cứ khẳng định Lê Văn Luyện chính là kẻ gây án tại hiện trường.

Cơ quan điều tra đang xét hỏi đối tượng Lê Văn Luyện
Cơ quan điều tra đang xét hỏi đối tượng Lê Văn Luyện.
 

Những người lính chiến đấu không mệt mỏi

Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an tỉnh Bắc Giang (PC45) và Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45) là lực lượng chính làm nhiệm vụ điều tra, truy bắt đối tượng gây án. Từ những kết quả do các lực lượng nghiệp vụ xác định, họ đã chia thành nhiều lực lượng tiến hành rà soát, xác minh, truy lùng dấu vết hung thủ. Bàn chân của các anh đã đi rất nhiều nơi, từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội… lần theo dấu vết tội phạm.

Ngày 29-8, khi có cơ sở khẳng định chắc chắn đối tượng gây án là Lê Văn Luyện, chúng tôi đã theo các cán bộ của Phòng PC45 Công an tỉnh xuống khám xét nhà Luyện. Công việc kéo dài đến gần 14h, khuôn mặt các anh rạng rỡ niềm vui khi tìm thấy tang vật là số vàng mà bố tên Luyện chôn giấu cho con ở khu đất đằng sau chuồng lợn. Hình như mọi người đều quên từ sáng chưa ai có gì vào bụng…

Ngay chiều hôm đó, khi có thông tin đối tượng Lê Văn Luyện có khả năng trốn tại huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), các cánh quân của Phòng PC45 - Công an tỉnh Bắc Giang và Cục C45 đã lập tức lên đường, phối hợp với Công an và Biên phòng tỉnh Lạng Sơn rà soát và truy tìm đối tượng.

Khi các anh đến nhà cô chú tên Luyện tại xã Trùng Khánh (Văn Lãng) thì hắn đã bỏ trốn sang Trung Quốc. Suốt 3 ngày, các anh phải bám trụ tại các dải đường mòn biên giới thuộc huyện Văn Lãng để tuần tra, truy lùng đối tượng. Đường đi ở khu vực này cực kỳ khó khăn, chỉ có xe ôtô đặc chủng mới vào được Đồn Biên phòng Na Hình, còn lại phải đi xe máy.

Khu vực biên giới chẳng có hàng quán, hơn nữa thời gian gấp rút của cuộc truy bắt chỉ cho phép các anh vừa đi vừa ăn bánh mì khô. Đến Đồn Biên phòng thì mới được mọi người nấu cho bát mì tôm ăn ấm lòng. Cả ngày lẫn đêm, tổ truy bắt đặc biệt của các anh chia ra cùng với lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh Lạng Sơn, Công an huyện Văn Lãng tuần tra các ngả đường tiểu ngạch dẫn sang Trung Quốc.

Đêm 30-8, một trinh sát của Cục CSĐT tội phạm về TTXH bị trẹo chân vì đường dốc quá gập ghềnh, khó đi, thế nhưng, anh vẫn không chịu rời vị trí dù đã có đồng đội lên thay. Đến 31-8, khi được thông báo, Ban chỉ đạo, Ban chuyên án đã có biện pháp nghiệp vụ buộc tên Luyện quay về Việt Nam, các lực lượng truy bắt khép kín tất cả các ngả đường ở biên giới. Và với thế trận giăng sẵn, lúc 16h ngày 31-8, tên sát nhân Lê Văn Luyện đã sa lưới khi vừa đặt chân về đến Việt Nam.

Đêm 31-8, rạng 1-9, hầu như các cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án của lực lượng Cảnh sát điều tra hình sự đều không ngủ. Tin tức báo về từ lời khai đầu tiên của tên Luyện tại Lạng Sơn là con dao gây án hắn vứt xuống chiếc ao sau nhà.

Vì thế, ngay trong đêm, một tổ công tác của Phòng PC45 - Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Lục Nam tiến hành mò tìm ngay và đã thu được con dao phớ Luyện sử dụng để chém các nạn nhân. Trời đêm mịt mùng, chúng tôi ái ngại hỏi Đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, sao không để trời sáng hãy tìm, ông bảo, anh em đang rất nhiệt huyết, họ muốn tìm tang vật để củng cố ngay các chứng cứ của vụ án.

Gần ba rưỡi sáng 1-9, khi chúng tôi rời Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng và Thượng tá Đào Văn Biên, Phó phòng PC45 vẫn đang tiến hành hỏi cung đối tượng và chỉ huy các phần việc tiếp theo. Ngày mai, và còn dài hơn thế, công việc của các anh vẫn phải tiếp tục để khẩn trương kết luận về hành vi phạm tội của tên sát nhân Lê Văn Luyện.

Thượng tá Phạm Văn Hát, Phó trưởng Phòng 5 - Cục CSĐT tội phạm về TTXH, xúc động kể lại rằng, qua vụ án này mới thấy tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết của anh em trinh sát, không chỉ ở các đơn vị được điều động tham gia chuyên án, mà còn ở tất cả các địa phương khác mỗi khi có yêu cầu nhiệm vụ.

Từ Công an tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, đến tận Công an tỉnh Bình Dương…, họ sẵn sàng và rất nhiệt tình với lực lượng tham gia chuyên án. Ngay sau khi lệnh truy nã của đối tượng Lê Văn Luyện được ký, thêm một lực lượng không nhỏ cán bộ của Cục Truy nã tội phạm lên đường. Tất cả đã tạo lên một khí thế chiến đấu sục sôi với cái ác và cuối cùng, các anh đã chiến thắng

Theo Thu Hòa - Phương Thủy
Công an Nhân dân

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.