Kỷ niệm 60 năm Hiệp định Geneva:

Nhiều bài học quý báu cho hôm nay và mai sau

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh: Như Ý
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh: Như Ý
TP - Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định Geneva (20/7/1954) được tổ chức sáng qua tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Sáu mươi năm đã đi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp định Geneva vẫn luôn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chúng ta biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva 1954, các cán bộ chiến sĩ đã phục vụ cuộc đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị, đặc biệt là các thành viên của Đoàn đại biểu VNDCCH, những người đã tham gia trực tiếp vào cuộc đấu trí cam go, góp phần làm nên thành công của Hội nghị.

Chủ tịch nước nhấn mạnh 60 năm đã qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp định Geneva vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Trong tình hình quốc tế hết sức phức tạp, các nước lớn chi phối các quan hệ quốc tế, Việt Nam cần phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài, cần giành thắng lợi từng bước, tăng cường đối thoại, tận dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của nhân dân ta và nhân dân thế giới.

Một bài học quan trọng nữa là tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đây là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại theo lời dạy của Bác Hồ: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước nhấn mạnh trong quá trình đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt, tình hình xâm phạm và tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, Việt Nam cần vận dụng những bài học trong lịch sử, trong đó có kinh nghiệm tại Hội nghị Geneva 1954.

Đó là phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất. Đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực xâm phạm nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các cam kết khu vực và luật pháp quốc tế.

Quyền lợi của đất nước, của dân tộc trên hết

Có mặt tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Việt Phương, nguyên Thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cho rằng điều quan trọng nhất đối với một dân tộc, một đất nước là độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. “Ý thức hệ cao nhất chính là quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Tại Hội nghị Geneva 1954, chúng ta đã làm đúng như thế”, ông Việt Phương nói với báo giới.

Nói về tác động của các nước lớn đối với tiến trình đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, ông Việt Phương cho rằng việc chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc của Việt Nam trong thời điểm đó thực ra chỉ liên quan đến hai bên là Việt Nam và Pháp. Nhưng do những sự sắp xếp mà chúng ta không hoàn toàn chủ động, nước ta đã phải bước vào một hội nghị quốc tế 8 nước 9 bên.

Mỗi bên tham dự đều có những tính toán lợi ích riêng của họ và chỉ mong tập trung đạt được những lợi ích đó. Việt Nam đã gặp rất nhiều sức ép, khó khăn trong suốt hơn 2 tháng đàm phán. “Trưởng đoàn của chúng ta là Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phải hết sức chèo chống qua những sức ép, tính toán ấy để đạt đến thắng lợi tại Hội nghị Geneva 1954 như chúng ta đã biết”, ông Việt Phương nói.

Kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, chúng ta kiên định giữ vững lập trường, tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong điện văn gửi Liên Hợp Quốc và Chính phủ các nước sau khi Người thay mặt quốc dân đồng bào đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945: “...Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.

Chủ tịch nước

Trương Tấn Sang

Ông Việt Phương kể rằng trong phiên họp cuối cùng vào ngày 21/7/1954, tất cả các trưởng đoàn đại biểu đều tỏ ra hài lòng với kết quả đạt được. “Người ta nhìn nhau xung quanh bàn đại biểu, riêng trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng chọn một hướng đứng khác, tách ra hẳn, nhìn về Tổ quốc Việt Nam để báo cáo rằng: Đoàn đại biểu ta đã hết lòng hết sức nhưng mới chỉ giành lại đất nước từ vĩ tuyến 17 trở ra, và cuộc chiến đấu của dân tộc ta sẽ còn lâu dài, gian khổ”, Nhà thơ kể.

Người thư ký suốt 53 năm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng, một bài học quan trọng nữa là phải linh hoạt lựa chọn đối thoại song phương hoặc đa phương để tránh bị sức ép trong đàm phán.

“Vào thời điểm năm 1954, các nước lớn quyết định rằng sẽ có một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Đông Dương. Việt Nam phải chấp nhận hội nghị đó chứ không được lựa chọn. Nếu được chọn thì chúng ta không chọn hội nghị có nhiều bên, nhiều sức ép như vậy…, “ông Việt Phương nói.

“Tùy từng tính chất của vấn đề phải quyết định đối thoại song phương hay đa phương. Trong tình hình biển Đông hiện nay, vị thế của Việt Nam khác hẳn thời điểm đàm phán Hiệp định Geneva vì Việt Nam được chủ động chơi cuộc chơi của chúng ta”, ông Việt Phương nói.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước, Chủ tịch nước thông báo Đảng và Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva 1954 vì những đóng góp to lớn và quan trọng của đoàn tại Hội nghị nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bốn cựu chuyên viên tham dự đoàn đàm phán gồm ông Hà Văn Lâu, Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, ông Trần Việt Phương, Nguyên Thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; ông Lê Danh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, và ông Nguyễn Lanh, đã nhận danh hiệu do Chủ tịch nước trao tặng.
MỚI - NÓNG