Nhiều chủ trại có nguy cơ trắng tay vì dịch cúm gia cầm

Nhiều chủ trại có nguy cơ trắng tay vì dịch cúm gia cầm
Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) ngày 17/1 cho biết, từ ngày 1 - 16/1 cả nước đã có 136 xã thuộc 62 huyện của 18 tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm.

Chỉ riêng trong ngày 16/1, đã có thêm 11 ổ dịch bùng phát tại 10 xã của 8 huyện  thuộc các tỉnh: Bạc Liêu, Long An, Bến Tre, Tiền Giang. Số gia cầm chết, tiêu huỷ trong ngày là 1.910 gà; 2.350 vịt và 6.100 chim cút.

Cũng trong ngày 16, riêng tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 3 ổ dịch, phải tiêu huỷ 1.800 gia cầm; 2 tỉnh xảy ra 2 ổ dịch là Long An và Bến Tre. Một số tỉnh ở phía Bắc tiếp tục bị đe dọa.

...Tại Cà Mau, anh Hồ Văn Dụ Em nuôi đàn vịt chạy đồng 1.500 con tại xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời). Liên tục trong 3 ngày 12 -14/1 vịt chết gần hết. Gia đình anh nghèo, rời quê Đồng Tháp xuống đây nuôi vịt chạy đồng nên không có đất chôn vịt chết. Bà con cũng không dám cho mượn đất, chỉ giúp ôm rơm, xuất tiền túi mua dầu hoả cùng tiêu huỷ đàn vịt chết yểu.

Anh Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết: Đến thời điểm này, các xã, thị trấn trong huyện đều có dịch cúm gà, vịt. Thống kê chưa đầy đủ, số lượng gà vịt chết hơn 35.000 con, chính quyền hỗ trợ bà con tiêu huỷ khoảng 7.000 con, nhưng không lập biên bản.

Anh Võ Minh Luân ở ấp Thạnh Điền (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) nuôi 1.500 con bị dịch bệnh chết dần. Khi cán bộ thú y đến nơi chỉ còn 800 con, nhưng rồi sau đó cũng chết hết.

Tương tự, anh Ngô Văn Hoàng ở ấp Lung Dừa (xã Lý Văn Lâm) nuôi 3.200 con, nhưng cán bộ thú y đến lập biên bản chỉ còn 700 con. Như vậy, số vịt chết đã được chôn cất như thế nào? Điều đáng nói là cả hai đàn vịt bị dịch bệnh này đã có kết quả xét nghiệm dương tính H5.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Cà Mau Phan Thu Hồng cho biết: “Bà con đến báo đàn gia cầm bị bệnh cho chúng tôi thì đều trong tình trạng không còn cách chữa trị, đã bị chết từ trước. Chúng tôi lấy mẫu gửi đi Thú y vùng phải 4 - 5 ngày mới có kết quả. Khi có kết quả dương tính mới động viên bà con tự nguyện cho tiêu huỷ thì hầu như không còn bao nhiêu. Tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ thiệt hại thì bà con cũng không tích cực báo dịch bệnh, chỉ nhờ chúng tôi hỗ trợ chữa trị mà thôi”.

Đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau có 46.000 gà, vịt chết nhưng tiêu huỷ đúng qui trình kỹ thuật mới 2.611 con.

Tại tỉnh Bạc Liêu, theo lãnh đạo xã Vĩnh Bình (Vĩnh Lợi), chỉ có 65 con chết trên tổng đàn 2.320 con gà vịt đang nuôi. Nhưng khi đi vào người chăn nuôi mới thấy thiệt hại lớn gấp nhiều lần và người chăn nuôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Anh Trương Văn Đực ở ấp Kế Phòng (xã Vĩnh Bình) có đàn vịt chạy đồng 1.200 con bị chết sạch. Chỉ tính tiền vịt giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh mấy ngày qua đã lên đến 30 triệu đồng. Anh Đực “tự cứu” được gần 2 triệu đồng nhờ bán vịt chết với giá 5.000đ/con(!)

Nhiều người nuôi vịt chạy đồng ở Vĩnh Bình cũng bị sạt nghiệp vì đàn vịt vừa khôi phục chết gần hết.

Hiện nay tỉnh Bình Dương chưa có dấu hiệu tái phát dịch cúm gia cầm nhưng nguy cơ tái phát rất cao, khiến ai ai cũng đề phòng với…gà. Hiện đàn gia cầm của Bình Dương có khoảng gần 2 triệu con, trong đó có 1,7 triệu con gà, gần bằng 70% tổng đàn trước khi dịch xảy ra.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của tỉnh thì nhiệm vụ trước mắt phải bảo vệ đàn gà không cho dịch bùng phát.

Những ngày gần đây, người dân ở Long An thực sự kinh hãi khi nghe tin trên địa bàn có những đàn vịt đã bắt đầu phát bệnh cúm gia cầm. Trong ngày 14/1, bệnh cúm gia cầm đã được phát hiện ở một hộ chăn nuôi gà ở xã Vĩnh Ngãi (TX Tân An). Đàn gà 250 con thì có 100 con đã chết.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong chiều ngày 17/1, ông Nguyễn Duy Long – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An cho biết: “Chúng tôi đã tăng mức hỗ trợ khi tiêu huỷ gia cầm. Cụ thể gà vịt từ 5.000 đồng tăng lên 10.000 đồng, gà đẻ 15.000 đ/con,  cút 2.000đ/con, trứng gà, vịt từ 200 đồng lên 400 đ/trứng. Hiện tỉnh đã chi khoảng 890 triệu đồng hỗ trợ”.

Với tình hình như hiện nay, các hộ nông dân ở Long An, Bình Dương gần như trắng tay. Ông Năm Ca - Một lão nông trong nghề nuôi gà ở Tân Uyên (Bình Dương) - cho biết: “Tôi nuôi gần 5.000 con gà, nào tiền mua cám, làm chuồng trại, tiền thuốc chống dịch, tiền thuê đất… ngót nghét cũng vài ba trăm triệu đồng. Nay dù không bị bệnh nhưng chẳng mấy người mua nên nuôi không được, bán chẳng xong. Mỗi ngày chúng ăn cả 300.000 đồng tiền cám, nuôi không thấu mà huỷ cũng không được vì tỉnh không hỗ trợ nếu thực sự đàn gà không bị dịch”.

Hiện Bình Dương có 80 trang trại và 350 hộ chăn nuôi gia cầm ở các huyện, thị có hàng chục hộ đang dở khóc dở cười như thế.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra trực tiếp các trạm kiểm dịch gia cầm tại các cửa ngõ Hà Nội. Qua kiểm tra  thấy tại các trạm có đầy đủ các phương tiện chống dịch, phun tẩy  uế.

Tuy nhiên, về lực lượng thì chưa có cán bộ quản lý thị trường tham gia. Theo chỉ đạo của UBND TP, Sở đã triển khai 17 trạm kiểm dịch, nhưng ông Nguyễn Huy Diến – GĐ Sở NN & PTNT Hà Nội cho rằng Hà Nội vẫn cần thêm 3 trạm kiểm dịch  nữa để đảm bảo ngăn ngừa cao nhất khả năng lây lan của mầm bệnh từ các tỉnh khác vào Hà Nội.

Ngày 16/1, UBND TP Hà Nội tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu, chính quyền địa phương phối hợp với Sở NN& PTNT, các cấp, ngành thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch cúm, phải kiểm dịch, tiêu độc toàn bộ gia cầm vận chuyển lưu thông trên địa bàn TP Hà Nội theo Pháp lệnh Thú y.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).