Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cư trú:

Nhiều cơ quan “bám” vào hộ khẩu để hành dân

Nhiều cơ quan “bám” vào hộ khẩu để hành dân
TP - Điều kiện để nhập hộ khẩu thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương nên quy định thế nào cho phù hợp một lần nữa lại gây tranh cãi khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cư trú chiều qua.
Nhiều cơ quan “bám” vào hộ khẩu để hành dân ảnh 1

Nhiều nhu cầu thiết yếu của người dân gắn chặt với sổ hộ khẩu. Ảnh: Hồng Vĩnh

Dự thảo luật trình Quốc hội lần này quy định điều kiện để được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên; trường hợp chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản.

 “Quy định như vậy là phù hợp cả về lý lẫn về tình”- Bà Nguyễn Thị Thành (ĐB Hưng Yên) ủng hộ.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh lại nói rằng như thế là quá mở. Ông Bá Thanh viện dẫn cách mà Đà Nẵng đã làm từ 9 năm nay là cho người dân cả nước tự do mua đất ở Đà Nẵng nhưng phải có nhà ở rồi mới cho nhập hộ khẩu. Như thế là người muốn nhập hộ khẩu ít nhất cũng phải có chỗ ở hợp pháp.

Viện dẫn quy định của dự thảo về chỗ ở hợp pháp, ông Bá Thanh nói rằng bản thân ông đã tận mắt chứng kiến những căn nhà 20m2 nhưng cho tới 18 người thuê. Những người này chủ yếu về thành phố để bán ve chai, vé số...

“Cứ như vậy thì giáo dục, y tế ai sẽ lo. Và các thành phố không thể thực hiện 3 không, năm không được (không cướp giật, không mại dâm, không ăn xin...). Như vậy thì xây dựng thành phố văn minh, thành phố du lịch sẽ ra sao?”- Ông Bá Thanh lo lắng.

Phó Giám đốc Công an TPHCM, ông Phan Anh Minh cho rằng việc dùng hộ khẩu để điều tiết người dân về sinh sống tại các thành phố lớn là không khả thi.

Và nếu như không cho họ đăng ký hộ khẩu thường trú  mà chỉ cho đăng ký tạm trú diện KT3 mà các thành phố đang áp dụng sẽ khổ cho cả bản thân họ lẫn cơ quan quản lý.

 “Có một trường hợp một người diện KT3 chết đột tử nhưng vì không có hộ khẩu thường trú nên không khai tử được, như vậy thì cũng không chôn cất nổi trong khi lại có quy định người chết sau 48 tiếng phải chôn cất. Gia đình thì đã tang gia bối rối lại càng bối rối, cơ quan chức năng lại còn bối rối hơn”- Ông Phan Anh Minh dẫn chứng.

Ông Minh đề xuất rằng nên đăng ký thường trú ở thành phố cho cả những người không có chỗ ở hợp pháp bởi theo ông làm được như vậy vừa thuận tiện cho việc xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vừa bớt khó khăn cho cơ quan công an trong công tác quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cũng nói rằng trường hợp người muốn nhập hộ khẩu ở  nhà thuê của Nhà nước hoặc Cty kinh doanh nhà ở thì sẽ được nhập khẩu luôn tại địa chỉ đó.

Nhưng trường hợp thuê hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được sự đồng ý của người cho thuê, cho ở nhờ bằng văn bản. “Quy định như vậy là phù hợp với tình hình hiện nay”- Ông Yểu nhận định.

Đừng để hộ khẩu khiến dân lo sợ!

Khá nhiều ĐBQH đề nghị cần triệt để rà soát những quy định ăn theo hộ khẩu làm cản trở quyền lợi hợp pháp của công dân mà thực tế đang diễn ra.

Ông Nguyễn Đình Lộc (ĐB TPHCM) nói rằng không chỉ có 307 văn bản khác ăn theo hộ khẩu mà cơ quan công an thông báo với ông rằng có tới 420 văn bản dạng này.

Ông Lê Quốc Trung (ĐB Bình Thuận) nói rằng tuy dự thảo đã quy định cấm lạm dụng hộ khẩu nhưng như thế nào là lạm dụng thì lại chưa được quy định cụ thể.

“Sử dụng hộ khẩu để tính luỹ tiến tiền điện, tiền nước thì có coi là lạm dụng hộ khẩu không”- Ông Lê Quốc Trung chất vấn và ông đề nghị cần bổ sung vào những điều cấm trong dự án luật này theo hướng nghiêm cấm sử dụng sổ hộ khẩu vào các mục đích ngoài việc quản lý cư trú.

Bà Huỳnh Thị Hường (ĐB Quảng Nam)  cũng đề nghị rằng cần phải bổ sung thêm chế tài để xử lý người có trách nhiệm nhưng lợi dụng hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Có cùng quan điểm, ông Lê Văn Thành (ĐB Hưng Yên)  cũng nói rằng do quá nhiều cơ quan ban hành văn bản dựa trên sổ hộ khẩu đã khiến người dân từ lo chuyển sang sợ vấn đề hộ khẩu.

Trong khi đó, theo ông Thành, nghị định 51 hiện hành quy định rõ việc đăng ký hộ khẩu chỉ phục vụ cho việc bảo đảm an ninh trật tự chứ không phục vụ mục đích nào khác.

Là người trong ngành công an nhưng ông Lê Văn Thành cũng đề nghị cần bổ sung một điều cấm trong dự thảo: Cấm lạm dụng hộ khẩu để gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.  

Công chứng hay cả chứng thực?

Sáng 20/10, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công chứng. Trong khi Ủy ban TVQH cho rằng dự luật này chỉ điều chỉnh việc công chứng, còn hoạt động chứng thực sẽ có Nghị định của Chính phủ điều chỉnh.

Dự thảo Nghị định này đã được gửi để các ĐBQH tham khảo và Chính phủ cam kết sẽ ban hành trước khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành.

Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ mong muốn cần cân nhắc kỹ phạm vi điều chỉnh bởi thực tế hiện nay hoạt động chứng thực chiếm đến trên 90%.

Ông Nguyễn Đình Lộc (ĐB TPHCM) kiến nghị trong thời gian quá độ từ nay đến 5 hoặc 10 năm tới nên cho các phòng công chứng làm thêm cả việc chứng thực.

MỚI - NÓNG