Náo động Bệnh viện Đa khoa Tây Đô:

Nhiều dấu hiệu gian lận

Nhiều dấu hiệu gian lận
TP - Hơn tuần nay, theo chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, một tổ liên ngành đang kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và thủ tục thành lập doanh nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Tây Đô. PV Tiền Phong cũng độc lập điều tra.

>> Vụ náo động ở BV Đa khoa Tây Đô: Cơ quan điều tra vào cuộc

Nhiều dấu hiệu gian lận ảnh 1
Ảnh: Sáu Nghệ

Tiếp xúc với các thành viên sáng lập Bệnh viện Đa khoa Tây Đô (tên đầy đủ là Cty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tây Đô) và một số cán bộ có trách nhiệm ở Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, không ai trả lời được rành mạch vốn góp vào bệnh viện như thế nào. Cả ông Diệp Thanh Bình, đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên (kiêm chức Tổng Giám đốc mà ông tự ký quyết định đoạt từ tay bác sỹ Nguyễn Minh Hoàng ngày 19/8/2009 khiến bùng nổ xung đột), cũng ậm ờ.

Ông Bình đưa cho PV Tiền Phong “danh sách thành viên góp vốn đến 25/8/2009” do kế toán trưởng bệnh viện lập ra. Trong đó, hàng đầu tiên ghi tên ông nhưng không thấy ghi đồng vốn nào; kế là tên vợ ông Trần Thị Thu Vân có 14,625 tỷ đồng.

Trước đó, “danh sách thành viên góp vốn đến 15/3/2009” cũng do kế toán trưởng lập, có chữ ký của ông, hàng đầu vẫn tên ông với 14,625 tỷ đồng, không có tên vợ ông.

Ông Bình giải thích, vợ chồng là một (?). Giải thích như thế không phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Sự thật trong sổ góp vốn, từ đầu năm 2004 đến giữa năm 2008, không có tên ông Bình. Ngày 10/8/2008, mới xuất hiện tên ông, góp 700 triệu đồng.

Theo quy định ưu đãi vốn góp ban đầu của bệnh viện, số tiền 700 triệu này chỉ được tính số cổ phiếu trị giá 583 triệu đồng. Món tiền rất nhỏ so với vốn điều lệ đăng ký của bệnh viện 59 tỷ đồng.

Ông Bình lớn tiếng “không công nhận” 30 tỷ đồng của nhiều thành viên khác góp ngày 30/6/2009. Những thành viên góp sau này, tuân thủ quyết định của Hội đồng Thành viên và nộp 30 tỷ đồng, nhưng chỉ được tính giá trị cổ phiếu 25 tỷ đồng.

Sửa sổ quỹ

Còn vợ của ông Bình, bà Trần Thị Thu Vân, góp vốn thế nào? Đầu tiên, 10 tỷ đồng vào ngày 1/1/2004. Cho đến cuối năm 2006, không góp thêm, thể hiện ở cuốn sổ quỹ được bàn giao giữa kế toán cũ và kế toán mới, ngày 26/12/2006 tại nhà ông Bình. Nhưng sau đó, sổ quỹ mới lập lại ghi bà Vân đã góp thêm 3,6 tỷ đồng vào ngày 23/11/2006.

Kế toán trưởng Nguyễn Công Thuận thời gian đó cho biết, thực tế bà Vân góp 3,6 tỷ đồng trong năm 2007, nhưng ghi lùi ngày trong sổ quỹ mới. Việc ghi lùi ngày là theo yêu cầu của ông Bình, để hưởng ưu đãi, vì 3,6 tỷ đồng góp ở năm 2007 nếu ghi đúng sẽ chỉ được tính cổ phiếu trị giá 3 tỷ đồng.

Một số lần góp vốn khác của bà Vân diễn ra tương tự. Nên theo nhiều thành viên sáng lập, số vốn thực góp của bà Vân chỉ khoảng 13 tỷ đồng, không phải hơn 14 tỷ đồng như ông Bình công bố. Tổng vốn góp của hai vợ chồng này cũng chỉ gần 14 tỷ đồng, không phải 35 tỷ đồng như bốn lần đăng ký và đăng ký lại ở Sở KH-ĐT TP Cần Thơ.

Tin vào Sở KH-ĐT

Trong bốn lần đăng ký ở Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, lần gần nhất vào ngày 7/6/2007, “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Cty TNHH có hai thành viên trở lên” ghi bà Trần Thị Thu Vân góp 25 tỷ đồng, ông Diệp Thanh Bình góp 10 tỷ đồng. Sau nhiều lần đăng ký lại, không điều chỉnh vốn góp cho đúng theo thực tế là trái với Luật Doanh nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật của bệnh viện, trước kia là bà Trần Thị Thu Vân, từ ngày 16/11/2006 về sau là ông Diệp Thanh Bình. Hai vợ chồng thay nhau làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc, và kiêm luôn thủ quỹ. Thế nên, trong năm 2007, bà Vân (được ông Bình chấp thuận) đã tự tiện bán hai tỷ đồng vốn góp cho người khác để lấy khoản tiền lời lớn.

Việc làm này trái luật, như ông Trần Thanh Phương, Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh của Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, giải thích rõ, một thành viên sáng lập muốn bán vốn góp, khi các thành viên sáng lập khác không mua thì mới được bán cho người ngoài.

Tình hình rối rắm hiện nay ở Bệnh viện Đa khoa Tây Đô có nguy cơ gây thiệt hại tài sản cho nhiều người. Nhiều người góp vốn lớn nói vì họ tin vào “Giấy chứng nhận...” do Sở KH-ĐT TP Cần Thơ cấp.  

MỚI - NÓNG