Nhiều dịch cúm nguy hiểm

Nhiều dịch cúm nguy hiểm
TP - Nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát dịch cúm A/H7N9 trên người và cúm do chủng virus Corona mới ở Việt Nam, là rất cao. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong buổi họp báo về phòng chống dịch cúm A/H1N1, H7N9, H5N1 ngày 4/5 do Bộ Y tế tổ chức.

> Chưa phát hiện thêm bệnh nhân cúm
> Ban hành phác đồ điều trị cúm A/H7N9

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cùng một lúc, Việt Nam đang đối mặt nhiều loại dịch cúm nguy hiểm. Việc xuất hiện những chùm ca bệnh H1N1 là đáng lo ngại.

TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - cho biết, những tháng đầu năm 2013, số ca nhiễm cúm nặng cao hơn hẳn so với 2 năm trước. Trung bình mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận 4 hoặc 5 bệnh nhân cúm A/H1N1, tuy nhiên 98% là thể nhẹ và vừa.

Phân tích mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1 nặng, bác sĩ Kính cho hay, giai đoạn bệnh khởi phát ban đầu người dân rất khó phân biệt cúm thông thường với cúm A/H1N1 hay cúm A/H5N1, H3N2. Các chủng cúm đều có dấu hiệu lâm sàng khá giống nhau như ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu, viêm kết mạc nên rất khó xác định người bệnh nhiễm chủng cúm nào. Do đó các bác sĩ khuyến cáo khi có các biểu hiện như sốt, ho kéo dài, đau cơ phải đến ngay cơ sở y tế điều trị để tránh biến chứng.

Với những bệnh nhân bị cúm nặng, chỉ sau 3 ngày có thể xảy ra biến chứng viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng, khả năng cứu sống rất thấp.

TS Trần Đắc Phu - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)- cho biết, mỗi năm Việt Nam (VN) ghi nhận khoảng 1,6 - 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Các chuyên gia quốc tế nhận định, chưa phát hiện sự biến đổi gene của virus cúm A/H1N1 gây đại dịch năm 2009. Tuy nhiên, virus cúm A/H1N1 gây đại dịch năm 2009 sẽ tiếp tục lưu hành ở nhiều quốc gia như các chủng virus cúm mùa khác. Vì vậy, VN và các quốc gia vẫn cần tiếp tục triển khai tốt công tác dự phòng và đề cao cảnh giác.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm, thủy cầm và lây bệnh sang người với số mắc tăng, nếu không triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm soát cúm gia cầm và xử lý triệt để các ổ dịch.

VN cũng đang đối mặt bệnh cúm do chủng mới của virus Corona qua việc nhập cảnh của những người đến từ vùng có ca bệnh. Đây là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona gây nên, chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đa số mắc bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt, bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người.

Không tự ý dùng thuốc Tamiflu

Tại cuộc họp, Bộ Y tế thông báo, một số nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc đã phát hiện thấy sự biến đổi gene của chủng virus cúm A/H7N9 làm tăng khả năng lây truyền sang người và tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Tại VN, tuy chưa ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh này rất cao bởi cộng đồng chưa có miễn dịch, thế giới chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi môi trường bị nhiễm virus H7N9 thì dễ lây sang người.

Các chuyên gia dịch tễ cho hay tamiflu là thuốc chữa cúm H1N1, chứ không phải là thuốc đặc hiệu cho H5N1, H7N9.

Muốn kháng virus, tamiflu phải làm thay đổi cấu trúc để thành cơ chất “giả dạng” giống với cơ chất tự nhiên N. Cúm đột biến H1N1 ngăn chặn sự thay đổi cấu trúc này nên kháng lại thuốc. Bởi vậy, nếu dùng thuốc bừa bãi thì cũng sẽ xuất hiện chủng H7N9 kháng thuốc. Để tránh sự kháng thuốc, tuyệt đối không tự ý dùng tamiflu cho cúm thông thường mà chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Ngành y tế khuyến cáo người dân không tự ý uống tamiflu dự phòng khi chưa có cúm. Thực chất việc uống taniflu dự phòng là để cơ thể có sẵn thuốc kháng H7N9, nên chỉ dùng hạn chế cho người trước lúc đi vào vùng dịch làm nhiệm vụ.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9, Bộ Y tế khuyến cáo người có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan.

Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi nhiễm cúm, nên khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG