Nhiều doanh nghiệp nợ hàng tỷ đồng bảo hiểm xã hội

Nhiều doanh nghiệp nợ hàng tỷ đồng bảo hiểm xã hội
TP - Sau hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, số lượng người lao động (NLĐ) được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng đáng kể.

Tuy nhiên, việc quản lý BHXH còn nhiều kẽ hở, khiến quyền lợi NLĐ bị xâm phạm, nhiều doanh nghiệp nợ tiền BHXH tới hàng tỷ đồng.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) sau hai năm thực hiện Luật BHXH, đến thời điểm này, các cơ quan quản lý BHXH chưa nắm được chính xác số đối tượng được tham gia BHXH. Nhiều đơn vị và NLĐ trong diện đóng BHXH bắt buộc cũng chưa tham gia.

Thực tế cho thấy, đa số các địa phương đều có tình trạng người sử dụng lao động và NLĐ không đóng, đóng không đúng thời gian, không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH. Nhiều chủ doanh nghiệp còn cố tình trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ, không hợp đồng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng dưới ba tháng.

Bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng, nguyên nhân các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng tiền BHXH là chế tài xử phạt còn quá thấp. Mức xử phạt tối đa (theo Nghị định 135 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo BHXH) chỉ 20 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp lấy nguồn tiền BHXH đầu tư việc khác.

Đại diện BHXH Hà Nội cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân hạn chế việc phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH là chưa có cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cơ quan có thẩm quyền để xác định đối tượng thuộc diện đóng BHXH bắt buộc.

Hiện, Hà Nội có số đối tượng quản lý BHXH lớn nhất cả nước (gần 30 nghìn doanh nghiệp, đơn vị; gần 1,6 triệu người tham gia BHXH; gần 750 nghìn người nhận trợ cấp lương hưu và mất sức lao động hàng tháng), nhưng tỷ lệ tham gia mới đạt khoảng 60 phần trăm.

Năm 2008, số tiền các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH lên tới 2.000 tỷ đồng. Đây chỉ là con số tính theo tổng số phải thu theo chỉ tiêu được giao; trong khi đó, việc thanh tra, giám sát thực hiện Luật BHXH còn mỏng, các địa phương còn lúng túng trong việc xử phạt.

Tính đến thời điểm này, trên cả nước chỉ có TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiến hành khởi kiện một số doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH lớn.  

Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số tám doanh nghiệp có số tiền nợ đọng BHXH lớn mà thành phố chọn để khởi kiện, có bốn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khắc phục hết số nợ và cam kết chấp hành đầy đủ nghĩa vụ đóng nộp BHXH theo quy định; bốn doanh nghiệp còn lại vẫn đang rơi vào thế bế tắc do tài sản của doanh nghiệp đã cầm cố hết tại ngân hàng; có doanh nghiệp còn nợ ngân hàng gần 30 tỷ đồng.

Nhờ sự kiên quyết của cơ quan BHXH, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã chấp hành tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn 83 đơn vị nợ BHXH từ một năm trở lên với tổng số tiền hơn 54 tỷ đồng; trong đó, có 36 đơn vị có số nợ từ một tỷ đồng trở lên.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.