Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra báo cáo về phòng chống tội phạm:

Nhiều đối tượng bắt tay thâu tóm đất công, thầu dự án

TP - “Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng”, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, diễn ra ngày 4/9.

Vũ “nhôm”, Út “trọc”, ai kiểm soát?

Tại phiên làm việc, đề cập đến hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa tới các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước châu Âu và Mỹ. Bởi theo ông Nghĩa, có tình trạng khi “đốt lò nóng lên” thì các đối tượng lại “nhảy” qua các nước đó. Thậm chí những đối tượng này đã chuẩn bị tiền bạc, nhà cửa, hồ sơ pháp lý, đưa vợ con đi từ nhiều năm trước. 

Chính vì vậy cần có hiệp định tương trợ tư pháp để ngăn chặn tình trạng này, nếu không, khi tội phạm thoát ra nước ngoài, cứ nhởn nhơ, gây sự bất công rất lớn. Theo ông Nghĩa, việc điều tra tài sản ở nước ngoài rất quan trọng trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng. Chính vì vậy, cần đề xuất nghiên cứu, làm việc với các định chế quốc tế, làm sao phải truy ra các tài khoản và tài sản ở nước ngoài, bởi điều này cũng góp phần truy được nguồn tiền đó từ đâu mà có. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, lâu nay, trong quản lý nhà nước nói chung, trong đó có phòng chống tội phạm có hiện tượng đi sau. Có những vụ án thuộc lĩnh vực ngân hàng, kéo dài 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm; những vụ như Vũ “nhôm”, Út “trọc” cả chục năm rồi, dư luận đồn đại rất nhiều. Đến các địa phương người ta đều nói, các vụ án này tác động đến nhiều nhà đầu tư nước ngoài. “Có nhà đầu tư nước ngoài nói với tôi, đến Đà Nẵng không đụng được vào đâu vì có ông đó chi phối hết rồi, nhưng chúng ta vẫn để như thế”, ông nói.

Nói về Vũ “nhôm”, Út “trọc”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa quan tâm đến việc lực lượng vũ trang làm kinh tế. Ông đặt câu hỏi, những người này là doanh nhân hay lực lượng vũ trang? “Đang là thượng tá, không khéo vài năm nữa lên đại tá hay thiếu tướng. Vậy những anh này được đào tạo thế nào, quy trình bồi dưỡng ra sao và ai là người kiểm soát, ai là người lãnh đạo những ông này mà lại để xảy ra như vậy? Vấn đề cơ chế kiểm soát đối với những hoạt động mang tính chất “bình phong”, hay lực lượng vũ trang làm kinh tế, chúng ta đã có cơ chế đầy đủ chưa?”
Ông nghĩa cũng nói thêm “Là thượng tá, vậy mục đích chính của anh thượng tá là làm giàu hay hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng, Nhà nước? Sao anh ta có tài sản lớn như thế, nhân dân không thể hiểu là cái gì”. 

Đại biểu Nghĩa cũng cho biết, một số nước hoạt động tình báo hay đặc tình thì Quốc hội giám sát và có một ủy ban đặc biệt giám sát, và hằng năm phải có báo cáo. Còn chúng ta thì giám sát thế nào? Quốc hội có giám sát không?

Nhiều đối tượng bắt tay thâu tóm đất công, thầu dự án ảnh 1 Nói về Vũ “nhôm”, Út “trọc”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa quan tâm đến việc lực lượng vũ trang làm kinh tế.

“Những người như Vũ “nhôm”, Út “trọc” là doanh nhân hay lực lượng vũ trang? Đang là thượng tá, không khéo vài năm nữa lên đại tá hay thiếu tướng. Vậy thì những ông này được đào tạo thế nào, quy trình bồi dưỡng ra sao và ai là người kiểm soát, ai là người lãnh đạo những ông này mà lại để xảy ra như vậy? Vấn đề cơ chế kiểm soát đối với những hoạt động mang tính chất “bình phong”, hay lực lượng vũ trang làm kinh tế, chúng ta đã có cơ chế đầy đủ chưa?”.
 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Đề cập đến vụ đánh bạc nghìn tỷ liên quan nhiều tướng công an, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đánh giá, việc xác định hành vi vi phạm cụ thể cũng như phát hiện, xử lý loại tội phạm này được làm tốt và được đánh giá cao. Tuy nhiên, theo ông Chiến, việc điều tra, xử lý các loại tội phạm này cũng phải đánh giá rõ nguyên nhân, xem gốc rễ ở đâu, để từ đó có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), điều đó cho thấy một quyết tâm lớn trong phòng chống tham nhũng, song cũng lộ ra thực trạng, dường như việc kiểm soát nội bộ không được tốt lắm. Ông Sơn cũng cho rằng, cần nhìn nhận đúng thực trạng để có giải pháp ngăn ngừa, không để xảy ra các vụ việc tương tự. 

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đánh giá, lĩnh vực này đã có những chuyển biến mới tích cực so với những năm trước, có những vụ án đưa ra làm “nức lòng” dư luận xã hội. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, xã hội đã có những diễn biến phức tạp và vấn đề quản lý nội bộ, quản lý ngành cũng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều hơn, gây bức xúc cho xã hội… 

Ông Kim đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta làm tích cực như thế nhưng tội phạm kinh tế, tham nhũng vẫn cứ tăng? Trong các nguyên nhân mà báo cáo chỉ ra, lại không thấy bóng dáng từ kiểm soát nội bộ, hay việc quản lý của người đứng đầu ra sao? Viện dẫn câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ông Kim đề nghị cần phân tích rõ hơn về nguyên nhân này, để từ đó có hướng khắc phục hiệu quả.

Nói về các vụ án lớn vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hoan nghênh thái độ kiên quyết của các cơ quan chức năng, điều đó cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, đây là những bài học đau xót trong công tác quản lý cán bộ. Về hiện tượng tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng, theo bà Nga, đây là việc lớn, phải nhìn nhận cả hai mặt, vì điều này có tác động đến lòng tin của người dân và vấn đề chấp hành kỷ cương, pháp luật.

Nhóm lợi ích móc ngoặc, tạo “sân sau”

Tại phiên làm việc, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Đáng lưu ý, các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… Riêng tội phạm và các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế cơ quan công an đã phát hiện hơn 16 nghìn vụ, 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ. 

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, do tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nên tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

“Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng”, ông Vương cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc)… Hôm nay (5/9), Uỷ ban Tư pháp tiếp tục làm việc về các nội dung này.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.247 vụ, 1.818 bị can phạm các tội xâm phạm trật tư quản lý kinh tế; 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ. Cùng với đó, công tác kê biên, thu hồi tài sản bị thiệt hại có chuyển biến tích cực, một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay đã thu hồi tài sản trị giá gần 24.000 tỷ đồng và tài sản tham nhũng trị giá gần 2.700 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG