Nhiều hình thức vận động bầu cử hợp pháp

Biểu quyết thông qua danh sách 182 ứng viên đại biểu Quốc hội của các cơ quan trung ương Ảnh: Hà Nhân
Biểu quyết thông qua danh sách 182 ứng viên đại biểu Quốc hội của các cơ quan trung ương Ảnh: Hà Nhân
TP - Từ 3- 5, các ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bắt đầu tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử theo luật. Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị hiệp thương lần ba, ngày 15- 4, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử T.Ư Phạm Minh Tuyên cho biết, pháp luật không cấm việc các ứng viên trao đổi, nhận xét về chương trình hành động của nhau. Việc vận động bầu cử qua mạng cũng là một hình thức thông tin đến cử tri.

> Sinh viên ứng cử đại biểu Quốc hội đạt tín nhiệm thấp
> Hồng Ánh trở thành ứng cử viên chính thức ĐBQH
> TPHCM kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử

Biểu quyết thông qua danh sách 182 ứng viên đại biểu Quốc hội của các cơ quan trung ương Ảnh: Hà Nhân
Biểu quyết thông qua danh sách 182 ứng viên đại biểu Quốc hội
của các cơ quan trung ương. Ảnh: Hà Nhân.

Quy trình vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Vận động bầu cử là dịp để người ứng cử có điều kiện gần gũi với cử tri và cộng đồng dân cư.

Thông qua đó, người dân thêm hiểu về người ứng cử ĐBQH khóa XIII được giới thiệu về địa bàn mình và hiểu về năng lực bước đầu của họ. Người ứng cử sẽ báo cáo với cử tri suy nghĩ, trách nhiệm của mình khi bắt đầu có tên trong danh sách chính thức sau hội nghị hiệp thương lần 3 và đặc biệt là kế hoạch hành động nếu trúng cử ĐBQH khóa XIII.

Về hình thức vận động của người ứng cử, thứ nhất là tiếp xúc trực tiếp với cử tri; thứ hai là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan của nhà nước có trách nhiệm tổ chức để đảm bảo người ứng cử được đi tiếp xúc cử tri. Nếu có điều kiện, người ứng cử có thể tự đi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử bằng các hình thức khác nhau.

Như vậy, làm thế nào để người ứng cử có thể tiếp xúc bình đẳng với cử tri để vận động bầu cử khi độ tuổi, vị trí công tác đang đảm nhiệm là khác nhau?

Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của người ứng cử ĐBQH khóa XIII, qua đó yêu cầu đảm bảo sự bình đẳng giữa các ứng viên có vị trí, chức vụ khác nhau.

Người ứng cử ĐBQH khóa XIII nên nỗ lực ở mức cao nhất khi tham gia vận động bầu cử, khi truyền tải thông tin và đặc biệt là nêu chương trình hành động, trách nhiệm của mình nếu trúng cử. Hãy chân thực trước cử tri, không nên hứa để được lòng cử tri lúc đó, về sau này lại không thực hiện lời hứa hoặc hứa những điều cao siêu, vượt quá khả năng thực hiện của mình nếu trúng cử.

Trong quá trình vận động bầu cử, trong trường hợp có hai người cùng có mặt trong một cuộc tiếp xúc cử tri thì họ có được trao đổi, nhận xét về chương trình hành động của nhau, hay còn hiểu là tranh cử không, thưa ông?

Luật pháp không cấm việc này. Nhưng thông thường, ở ta, người ứng cử tôn trọng suy nghĩ của mỗi người ứng cử ĐBQH. Người ứng cử đăng đàn phát biểu trước cử tri là thực hiện quyền của họ. Còn chuyện khi vận động bầu cử trước cử tri giữa hai người ứng cử theo hướng, tôi hơn anh hay anh hơn tôi thì thông lệ và truyền thống ở Việt Nam không có mặc dù luật pháp không cấm.

Vậy chúng ta có khuyến khích các ứng viên trao đổi về chương trình hành động của nhau không, thưa ông?

Những người ứng cử có quyền trao đổi với nhau. Nhưng ở đây không phải là tranh cử vào một chức vụ. Ứng cử vào QH ở một diện rộng, chúng ta đã chọn với một tinh thần là những người ứng cử đã có danh sách chính thức thì ai trúng cũng được. Số lượng đại biểu là 500 chứ không phải một chức danh cụ thể để tranh cử. Tôi tham gia 2 khóa QH, việc vận động bầu cử rất thoải mái, không có gì cứng nhắc cả.

Ông Phạm Minh Tuyên
Ông Phạm Minh Tuyên.

Tiêu chí về phân bổ địa bàn ứng cử đối với người ứng cử thế nào, thưa ông?

Theo Hội đồng bầu cử T.Ư, trong số người ứng cử ĐBQH khóa XIII sẽ bao gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các ứng viên công tác ở cơ quan, đơn vị khác nhau.Về nguyên tắc chung, cơ bản phải đảm bảo số lượng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước được phân bổ đều về các địa phương và tập trung tại những địa bàn trọng điểm về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Các trường hợp khác thì được phân bổ ứng cử tại địa phương theo tính chất công việc và theo nguyện vọng đăng ký.

Bên cạnh đó, Hội đồng bầu cử T.Ư chủ trương không phân bổ người ứng cử về địa phương trùng nhau.Ví dụ như hai người ứng cử cùng làm pháp luật thì không về ứng cử ở một địa phương. Phải cố gắng đan xen hợp lý giữa những người ứng cử ĐBQH ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Nếu không quá trùng, ưu tiên đối với nữ khi đưa về ứng cử tại địa phương nơi họ sinh ra, lớn lên hoặc những địa bàn có thể giúp họ công tác thuận lợi. Đối với người ứng cử là người cao tuổi trong Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội đồng Bầu cử cũng sẽ cân nhắc để bố trí vào địa bàn hợp lý trên tinh thần thời gian vận động bầu cử và tiếp xúc cử tri được thuận lợi.

Khi vận động bầu cử, nếu người ứng cử làm từ thiện để thu hút sự chú ý và lá phiếu của cử tri thì ông nghĩ sao?

Nếu người ứng cử có điều kiện về kinh tế, họ quan tâm đến hoạt động từ thiện nhân đạo tôi nghĩ cũng là bình thường. Không cứ gì là người ứng cử ĐBQH mà tất cả các công dân khác, nếu có điều kiện tham gia thì đều thực hiện được nhưng phải bằng nguồn thu nhập chính đáng và đúng pháp luật.

Thông thường mỗi một khu vực bầu cử đều có phạm vi khá rộng, khoảng độ 3- 4 huyện/người ứng cử. Nếu người ứng cử có động cơ đúng mức, vận động cử tri có trách nhiệm và theo đúng quy định của nhà nước thì người dân sẽ nhận thức vấn đề này khách quan hơn.

Nếu người ứng cử vận động bầu cử trên mạng internet dưới hình thức mạng xã hội như Twitter, Facebook... thì có được phép không?

Vận động bầu cử trên mạng internet, theo tôi biết hiện giờ chưa có quy định cụ thể nhưng nếu người ứng cử nói lên những điều trung thực khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật thì cũng có thể được. Bởi lẽ, vận động bầu cử trên mạng internet dưới hình thức mạng xã hội cũng là một hình thức thông tin đến cử tri.

Nhưng quá trình vận động bầu cử của người ứng cử ĐBQH theo quy định của pháp luật đặt dưới sự giám sát của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các cấp. Nếu phát hiện thấy những hành vi vận động bầu cử trái với quy định của pháp luật thì chắc chắn sẽ bị nhắc nhở.

Ngọc Tiến (ghi)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG