Nhiều hộ dân trắng tay vì triều cường

Nhiều hộ dân trắng tay vì triều cường
TP - Đợt triều cường đã làm ông Ba Lành, 63 tuổi, ngụ ở Khu phố 4 (KP4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM) mất 500 gốc mai. Ông không biết lấy gì để trả số nợ gần 10 triệu đồng tiền phân bón.

Bị ngập triền miên hết năm này đến năm khác, đầu năm nay, ông Ba Lành và hàng chục hộ dân trồng mai ở Hiệp Bình Phước quyết định gia cố và đắp bờ bao nhưng do đỉnh triều cường quá cao, bao công sức, đầu tư của người dân lam lũ đã trôi theo con nước bạc.

Chị Lê Thị Hoa, ngụ KP 6 cho biết, ngoài 400 gốc mai bị ngập không cứu vãn được, mấy ngày nay cả gia đình 4 người phải tá túc bên nhà người quen ở gần đó. Do vỡ bờ bao, nước dâng nhanh quá nên hầu hết đồ đạc trong nhà như tủ lạnh, máy giặt, ti vi, đầu đĩa… đều không kịp di dời đến chỗ cao ráo.

Theo UBND phường Hiệp Bình Phước, triều cường đã làm vỡ bốn đoạn và tràn một đoạn bờ bao rạch Đỉa và rạch Cầu Đúc Nhỏ làm hơn 10 ha vườn mai bị ngập sâu từ 0,6 đến 0,8 m. 700 hộ dân hai KP 4 và 6 bị ảnh hưởng, trong đó hàng chục hộ dân phải di tản lên QL 13 hoặc tá túc nhà người quen. Tại phường Hiệp Bình Chánh, gần 20 ha mai của nông dân cũng bị ngập sâu trong nước.  

Trường lớp ngổn ngang!

Ngày 27/11, gần 1.000 học sinh (HS) trường THCS Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) lục tục đến lớp nhưng sau đó buộc phải ra về vì trường vẫn còn bị ngập và chưa dọn dẹp xong. Đây là ngày nghỉ học thứ ba liên tiếp dù đã sắp đến kỳ thi học kỳ 1.

Tờ thông báo “tạm nghỉ học ngày 27/11” được dán ngay cổng trường. Trong sân và các phòng học, Phòng Giáo vụ được bố trí dưới tầng trệt, nước vẫn ngập lấp xấp và lẫn với rác hôi thối. Bàn ghế, sa lon, tủ… bị ố vàng vì bị ngâm nhiều giờ liền dưới mực nước sâu hơn 1m.

Ông Lê Văn Thiện - bảo vệ trường khệ nệ ôm từng chồng hồ sơ, sổ sách, học bạ, sổ liên lạc, sổ điểm dầy cộm, ướt nhẹp lên chỗ cao ráo để phơi. “Lúc vỡ đê, tôi chỉ kịp di dời máy vi tính, thiết bị đắt tiền lên lầu, còn hồ sơ, tài liệu và sổ sách khóa cất trong tủ của cán bộ, giáo viên thì đành chịu. Mấy hôm nay tất bật dọn dẹp nhưng không biết ngày 28/11, có kịp cho các em vào học không” - ông Thiện than.

Cũng tại quận Thủ Đức, trong mấy ngày qua, hơn 800 HS trường tiểu học Hiệp Bình Phước cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Tại phường 28, quận Bình Thạnh, triều cường làm vỡ bốn đoạn bờ bao tại các tổ 9, 23, 28, 29, 33 với tổng chiều dài hơn 20m, khiến trường tiểu học Bình Qưới Tây bị ngập nặng. Nhiều tài liệu, máy móc bị hư hỏng. Hơn 1.000 học sinh phải tạm nghỉ học.

UBND và Trạm Y tế phường 28 cũng bị ngập từ 20 - 30cm, làm hư hỏng bàn, ghế và một số hồ sơ.

Có chống chọi được với “đại triều cường”?

Nhiều hộ dân trắng tay vì triều cường ảnh 1
Người dân khốn khổ vì ngập nước

Theo thống kê của Ban Phòng chống Lũ bão TPHCM đến 16 giờ ngày 27/11, quận 12 bị vỡ 23 đoạn bờ bao tại KP 1, 2, 3 (phường An Phú Đông), gây ngập khoảng 300 ha. Ước tính thiệt hại khoảng 950 triệu đồng.

Phường Thạnh Lộc bị vỡ 6 đoạn bờ bao sông Sài Gòn và các rạch Giao Khẩu, Cam, Ba Thôn, Sáu Chịu dài hàng chục mét. Riêng bờ bao tại phường Thạnh Xuân cũng bị vỡ một đoạn dài 3m.

Tại quận Thủ Đức, ngoài hai phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, bờ bao tại các phường Tam Phú, Trường Thọ, Linh Đông bị vỡ, nhiều đoạn ngập úng hàng chục ha và gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Ngày 27/11, địa phương đã huy động hơn 300 nhân công để hàn khẩu những điểm bị vỡ, gia cố những đoạn bờ bao yếu.

Tại quận Gò Vấp, bờ bao rạch Xếp Sâu (phường 15) bị vỡ hai đoạn, gây ngập 12 ha, ước tính thiệt hại 150 triệu đồng. Huyện Củ Chi cũng bị vỡ một đoạn bờ bao rạch Lớn (xã Bình Mỹ) gây ngập khoảng 35 ha và 60 hộ dân trong khu vực.

Các xã Nhị Bình, Tân Hiệp (Hóc Môn) bị vỡ nhiều đoạn bờ bao, gây ngập từ 0,2 - 0,5 m, ảnh hưởng khoảng 2 ha lúa. Riêng tại huyện Bình Chánh, triều cường đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của trên 272 hộ dân.

Tại khu B xã Bình Lợi, ruộng mía và lúa vụ mùa bị ngập sâu đến 50 cm, với diện tích trên 120 ha. Tổng cộng, TPHCM bị vỡ 46 đoạn bờ bao với tổng chiều dài trên 176,5 m và tràn bờ tại nhiều đoạn bờ bao có cao trình thấp, gây ngập úng trên 490 ha đất nông nghiệp, hoa màu, thủy sản, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của trên 1.400 hộ dân tại 14 phường - xã - thị trấn thuộc 7 quận - huyện.

Theo ông Phạm Việt Thắng – Phó Văn phòng Ban Phòng chống Lũ bão thành phố, tình trạng vỡ bờ bao hàng loạt ngoài nguyên nhân khách quan, một số địa phương thực hiện chưa tốt phương châm “4 tại chỗ”, chưa chủ động, kịp thời chuẩn bị sẵn sàng vật tư và huy động nguồn nhân lực tại chỗ để gia cố các điểm xung yếu.

Một số địa phương chưa quyết liệt trong việc yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân gia cố bờ bao trên phần đất thuộc dự án do doanh nghiệp và hộ dân làm chủ đầu tư (quận 12, quận Thủ Đức). 

MỚI - NÓNG