Nhiều khả năng bão số 8 vào Bắc Trung bộ

Nhiều khả năng bão số 8 vào Bắc Trung bộ
TPO-Bão số 8 có thể “đổ bộ” từ Nam Định đến Quảng Nam, trong đó trọng tâm là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Bão có thể đạt cấp 9, 10, giất cấp 11, 12 và gây mưa rất lớn ở Bắc Trung bộ.
Đường đi và vị trí của cơn bão
Đường đi và vị trí của cơn bão.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư ứng phó với bão Sơn Tinh (bão số 8) ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, cho biết bão Sơn Tinh là cơn bão số 8 vào biển Đông, cơn thứ 23 ở tây bắc Thái Bình Dương. Sáng 25-10 bão đã vượt qua miền Trung Philippine để tiến vào Biển Đông.

Đến 16 giờ hôm nay, bão đi sâu vào biển Đông khoảng 100 km. Ngày 26-10, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, với tốc độ 25-30 km/h, đến chiều mai bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km phía đông nam.

Sau đó, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây bắc và tây tây bắc, tiến dần về phía bờ biển các tỉnh Khu Bốn và Khu Năm. Theo dự báo, vùng giữa biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, gió bắt đầu mạnh lên từ đêm nay, và tiếp tục tăng cường độ trong ngày 26 và 27-10. Khi bão gần đến bờ biển các tỉnh miền Trung, có thể gió cấp 11, cấp 12.

Theo ông Tăng, với hướng di chuyển hiện nay, rất khó xác định thời điểm và khu vực bão đổ bộ. Theo dự báo của các đài quốc tế là Nhật Bản và Hồng Kông, bão số 8 sẽ vào khu vực Quảng Bình, Quảng Trị. Trong khi dự báo của Mỹ, Anh, cho rằng bão vào khu vực bắc Nghệ An, nam Thanh Hóa.

“Nếu bão đi thẳng theo hướng tây tây bắc, thi từ chiều, đêm 27-10, bão sẽ đổ tỉnh khu Năm. Còn nếu đi thướng hướng tây bắc, tức là chếch về phía Nam vịnh Bắc bộ, lái về Khu Bốn thời gian đổ bộ kéo dài hơn nửa ngày đến một ngày. Do hướng đi phức tạp, phương án ảnh hưởng của bão từ Quảng Nam đến Nam Định, nhưng trọng tâm là các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Vùng đất liền khi bão đổ bộ, cần đề phòng đề phòng cấp 9, 10, giật cấp 11, cấp 12”- ông Tăng nói.

Chuyên gia khí tượng cũng cho hay, nhiều khả năng sau khi bão đổ bộ vào bờ, không khí lạnh sẽ tràn xuống. Tức là bão vào khoảng 27, 28 thì tới khoảng 30-10, gió mùa đông bắc sẽ tràn về. Ông Tăng cũng nhận định, gió và mưa sau bão sẽ rất lớn, chủ yếu là ở cánh bắc của bão và mở rộng khá xa. Nếu bão đổ bộ vào Quảng Bình, Quảng Trị, vùng mưa sẽ dài đến đồng bằng Bắc bộ.

“Dù phương án nào, các tỉnh Bắc Trung bộ cũng mưa to. Từ ngày 27 đến ngày 30-10 phổ biến từ 300 mm, có nơi 400 mm. Còn mưa ở Nam đồng bằng Bắc bộ, mưa sẽ muộn hơn, lượng mưa 200-300 mm. Các nơi khác ở Bắc bộ, lượng mưa trên dưới 100 mm”- chuyên gia Khí tượng cho biết.

Phải đưa ngư dân lên bờ

Theo báo cáo nhanh của Bộ đội Biên phòng, đến 15 giờ hôm qua, đã thông báo hướng dẫn cho 27.769 tàu thuyền (157.744 người) đang hoạt động trên biển, biết vị trí, hướng di chuyển của bão để phòng tránh.

Tuy nhiên, hiện ở khu vực Hoàng Sa, nơi cơn bão đi qua vẫn còn 270 tàu cá đang hoạt động, trong đó, chủ yếu là tàu của Bình Định, tới 251 tàu/2.187 người; Đà Nẵng có 23 tàu (hiện 16 cái đang chạy về bờ)…Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã sẵn sàng 6 máy bay trực thăng, trên 550 tàu thuyền, 4 trung tâm tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng khác sẵn sàng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trong bão số 8.

Chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát cho biết, bão Sơn Tinh là bão đi với tốc độ gấp đôi tàu cá của ngư dân, lại đi qua khu vực Hoàng Sa, nơi có nhiều tàu cá của ta đang hoạt động, nên công tác ứng phó phải rất nhanh chóng. Vùng nguy hiểm, từ vĩ tuyến 13 đến 20 trong 24 giờ tới.

Ông Phát yêu cầu cần liên lạc, kêu gọi tàu thuyền trên biển, nhất là khu vực Hoàng Sa, kể cả tàu vận tải, phải vào bờ nơi gần nhất, để đảm bảo an toàn. Những tàu ở khu vực bắc Hoàng Sa, có thể chạy về Hải Nam (Trung Quốc), số còn lại về bờ hoặc liên hệ để lên đảo Hoàng Sa.

“Với cơn bão này, nếu ngư dân cố ở trên biển, chỉ có tàu tan, người sẽ mất. Nên dứt khoát, bằng mọi cách, giúp ngư dân phải lên bờ.”.- ông Phát nói.

Bộ trưởng Phát cũng lưu ý, các địa phương kiểm tra hồ chứa, để có cách xử lý phù hợp. Ở khu Bốn và đồng bằng sông Hồng, nơi mới xuống giống vụ đông, nhất là đậu tương, ngô, nếu mưa 300-500 mm, gần như sẽ hỏng hết, nên các địa phương lên phương án tháo nước.

Mặt khác, ở Bắc Trung bộ, có nhiều khu vực khi mưa lớn có khả năng chia cắt, phải kiểm tra, nên phải dự phòng về lương thực, thuốc men và thuốc xử lý nước.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".