Nhiều người đã sử dụng trứng gia cầm và gia cầm sạch

Nhiều người đã sử dụng trứng gia cầm và gia cầm sạch
Khi Trung tâm Giống Gia cầm Thụy Phương ở ngoại thành Hà Nội bán thịt gà sạch, cùng một cơ sở ở tỉnh Hà Tây và một chợ ở tỉnh Vĩnh Phúc khai trương hôm 5/12, nỗi e sợ về các sản phẩm gia cầm mới bớt phần nào.
Nhiều người đã sử dụng trứng gia cầm và gia cầm sạch ảnh 1
Quy trình giết mổ gia cầm sạch. Ảnh: Vietnamnet

Không chỉ từ giờ cho đến giai đoạn đỉnh điểm của mùa dịch cúm gia cầm đợt này rơi khoảng tháng 1-2/2006, vấn đề là cần có thái độ thế nào với các sản phẩm gia cầm để vừa không rơi vào chủ quan “điếc không sợ súng” vừa không chặn đứng nguồn thu nhập của hàng triệu nông dân sống nhờ vào gia cầm.

Luộc chín trứng sẽ an toàn

Hai tuần trước, chiến dịch tuyên truyền không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm “đậm đặc” đến nỗi người dân Hà Nội hầu như thịt gà không ai dám mua, trứng cho không ai lấy.

Tôi đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (NCVD) và mục kích cảnh một cán bộ biếu TS Nguyễn Phương Liên, Giám đốc NCVD, một túi nilon đựng các vật tròn tròn bọc báo.

Ngỡ đấy là túi cam quýt, nhưng GĐ Liên bảo “trứng đấy”, liền nhận được cái nhìn sợ hãi của chị cán bộ ném về phía tôi, nhất là khi biết tôi thuộc giới “thạo tin”.

Hỏi vì sao lại sợ đến vậy, TS Liên nói nếu có sợ thì đấy là sợ vi phạm quy định chứ, về khoa học, các chị không sợ. Theo BS Thú y Lê Thành Nam ở NCVD, điều kỳ lạ là nghiên cứu khoa học của tất cả các nước đều chứng minh virus chết người H5N1 không có bên trong trứng gia cầm. Nếu có chăng, chúng chỉ có thể có ở vỏ trứng do lây nhiễm từ môi trường bên ngoài.

 “Không có cơ chế cho virus H5N1 lây truyền dọc, hay nói cách khác, virus H5N1 không lây truyền từ gà mẹ sang phôi hoặc trứng” - TS Nguyễn Văn Cảm, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Giải phẫu của NCVD, khẳng định.

Vì thế, một khi trứng được sản xuất từ vùng không có dịch, có xuất xứ rõ ràng và, để đề phòng, đeo găng cao su hoặc nilon mỗi khi nhặt và chạm vào vỏ trứng sống, là có thể yên tâm. “Luộc chín trứng lại càng không có lý do gì để sợ” - BS Nam nói.

Mùa dịch năm nay, tuy mới có hai triệu gia cầm bị tiêu huỷ nhưng thị trường gia cầm gần như tê liệt. Theo TS Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, thường mỗi tháng cả nước tiêu thụ khoảng 40 triệu gia cầm và 350.000 quả trứng.

Chưa có thống kê kể từ đầu vụ dịch song nhiều người cho rằng thị trường này may ra chỉ còn một phần ba. Nếu ước đoán đó là đúng, có ý kiến cho rằng còn thấp hơn thế, thiệt hại mỗi tháng do không bán được trứng và gia cầm lên đến hơn 585 tỷ đồng.

FAO không ủng hộ chiến dịch diệt chim bồ câu

Một trong những biện pháp hữu hiệu được chính quyền Thailand áp dụng là, thay vì tiêu huỷ, tập trung vào một khu vực các đàn gia cầm nhỏ lẻ chưa bị nhiễm bệnh để tiện kiểm soát, khống chế dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

Còn tại Hongkong, một vũ khí tiệt trùng lợi hại vừa rẻ vừa không gây ô nhiễm được huy động tối đa.

Vũ khí ấy vốn không xa lạ với chúng ta nhưng không hiểu sao không cho áp dụng đại trà, dung dịch hoạt hoá điện hoá hay còn gọi là “nước ozone”.

Hậu quả của chính sách cứng rắn là đàn gia cầm thương phẩm trong tổng số 220 triệu con hầu như không có đầu ra. “Nếu không sớm có biện pháp tháo gỡ, nhiều nông dân sẽ ở bên bờ vực phá sản”, TS Xuân cho biết thêm chính sách hỗ trợ 10.000đồng/con cho những hộ tự tiêu huỷ, cho khoanh nợ, giãn nợ, vay tiền để chuyển đổi ngành nghề, v.v..., chỉ là giải pháp tình thế.

Nhiều người đặt câu hỏi, có hay không sự lo ngại thái quá và các đề xuất cực đoan theo kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót” của một số ngành, địa phương trong công tác phòng chống cúm gia cầm.

Phản ứng trước việc một số địa phương như Hà Nội tiêu huỷ chim cảnh, Đà Nẵng và Huế dùng súng, TP HCM dùng thuốc độc tìm diệt chim bồ câu và chim hoang - Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) vừa chính thức lên tiếng đề nghị “dừng ngay”.

Công văn của quyền trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông Marcelino Dalmacio, gửi Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam ngày 30/11/2005, có đoạn: “Nhận thức rõ rằng quyết định này không phải từ cấp trung ương, chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về cách làm này. Nhiều tổ chức và nhà tài trợ quốc tế cũng có quan điểm như chúng tôi”.

Bản thân ngành thú y sau khi thực hiện một dự án điều tra trên 400 chim hoang dã bắt từ nhiều tỉnh thành hồi tháng 9/2005 phát hiện rất ít con mang virus cúm gà và những trường hợp dương tính cũng có hàm lượng virus rất nhỏ.

Trong số các mẫu xét nghiệm chim hoang chết ở các địa phương gửi về ba trung tâm chẩn đoán thú y ở ba miền ba tháng qua cũng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus H5N1.

“Tại sao chúng ta không chuẩn bị trước các khu thu gom và giết mổ tập trung nguồn gia cầm sạch bệnh, nhất là từ các khu chăn nuôi nhỏ lẻ, để không làm thị trường gián đoạn và không làm nhiều nông dân lao đao”  - Một chuyên gia đề nghị giấu tên thắc mắc.

Tại sao chúng ta không học tập kinh nghiệm của nước láng giềng Thailand và khu kinh tế Hongkong trong việc bao vây không để xảy ra dịch quy mô lớn”.

MỚI - NÓNG