Nhiều người không hiểu ý nghĩa tên đường phố

Nhiều người không hiểu ý nghĩa tên đường phố
"Tôi sống xấp xỉ 40 năm ở đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP HCM, nhưng vẫn không rõ lai lịch nhân vật được đặt tên cho đường. Người nhà, bạn bè đều không biết, và tôi cũng chưa đọc được tài liệu nào nói cụ thể về nhân vật này".
Nhiều người không hiểu ý nghĩa tên đường phố ảnh 1
Người dân biết thêm thông tin cần thiết về nguồn gốc tên đường tại TP HCM qua những baner này. Ảnh: VnExpress.

Ông Thạnh, một cán bộ tài chính đã nghỉ hưu, cho biết như vậy.

Khi hỏi đến những tên đường lớn, cùng ở quận Phú Nhuận, như Lê Văn Sỹ, Phạm Văn Hai, Nguyễn Trọng Tuyển..., ông Thạnh cũng lắc đầu: "Có lẽ họ là anh hùng, liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ, không được đề cập nhiều trong sử sách".

Không chỉ ông Thạnh, khá nhiều người dân TPHCM, khi được hỏi đều cho biết, họ không hiểu rõ về nguồn gốc ý nghĩa tên phố nơi mình đang sống.

Chúng tôi cũng tìm hiểu qua gần 30 người sống, làm việc tại đường Võ Văn Tần, quận 3, về tên đường này nhưng chỉ có 2 ý kiến trả lời gần sát "đáp án" là ông Võ Văn Tần tham gia kháng chiến trong xứ ủy Nam kỳ.

Mới đây, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, TPHCM đã thực hiện thí điểm mô hình tuyên truyền sử trên đường phố. Tóm tắt tiểu sử của 46 nữ anh hùng, danh nhân văn hóa, mà tên tuổi của họ được đặt cho những con đường, đã được in vào các banner treo ở nhiều tuyến phố trung tâm. Chương trình đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người dân.

"Những người có công, cống hiến cho đất nước, thành phố mới được lấy tên đặt cho đường. Việc hiểu biết tên đường là cần thiết, vì từ đó, giúp người dân dễ nhớ tên đường và ý thức hơn trong giữ gìn, bảo vệ cảnh quan phố phường, khi sinh sống hoặc đi qua", chủ hiệu thuốc Quỳnh Anh, sống tại đường Võ Văn Tần hơn 20 năm, nói. "Người dân sẽ hiểu rõ hơn về nguồn cội, lịch sử và trân trọng, tri ân những gì mình đang được hưởng".

Chủ hiệu thuốc này còn đề xuất thêm, dưới các tên đường, nên có bảng tóm tắt sơ lược tên thật, năm sinh, chiến công của người được đặt tên, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa tuyên truyền lịch sử hiệu quả.

"Trước đây tôi cứ nghĩ tên một con phố của thành phố là Sương Nguyệt Ánh, bởi tên nhân vật này là như vậy. Nhưng nhờ đọc tiểu sử mới biết bà ấy là Sương Nguyệt Anh và còn là con của cụ Nguyễn Đình Chiểu", một người dân sống tại quận Gò Vấp, đang đọc banner tiểu sử các danh nhân trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, nói.

Theo ông, chương trình dạy sử trên đường phố mới dừng ở phong trào. Cơ quan chức năng nên xem xét để có hình thức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa.

"Chúng tôi muốn hiểu thêm về nhiều nhân vật lịch sử khác, đơn cử như Nguyễn Oanh, Nguyện Kiệm là ai", ông giãi bày.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cũng cho rằng, cơ quan chức năng TP HCM nên xem xét để có hình thức giảng giải nguồn gốc tên đường một cách thường xuyên hơn. Chương trình mới đây chỉ là mô hình thử nghiệm, số lượng danh nhân giới thiệu hạn chế và số người tiếp cận thông tin chưa thực sự rộng khắp.

"Tên đường phần nào thể hiện thành tích dân tộc trên mọi mặt, không chỉ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, mà còn xây dựng đất nước, hoạt động văn hóa - kinh tế - ngoại giao... và sự hiểu biết về tên đường rõ ràng giúp người dân địa phương nâng tầm nhận thức và tự hào về dân tộc.

Điều này giúp họ tự tin hơn khi gặp gỡ, giao tiếp với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO", ông Đầu nói.

Ngày 16/10, trên 600 banner, lược trích tiểu sử 46 nữ anh hùng, danh nhân Việt Nam được lấy tên đặt cho đường, được trưng bày trên 10 phố trung tâm, theo chương trình "Dân ta biết sử ta", do Trung tâm Thông tin triển lãm thuộc Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM, Công ty Truyền thông Tiêu Điểm và Công ty SPT, triển khai.

Nhưng ngày 22/10, 141 banner này bị Công ty Chiếu sáng công cộng, thuộc Sở GTCC TP HCM, dùng xe cẩu tháo gỡ. Theo Giám đốc Trần Ngọc Sử, các banner đã treo trên trụ điện chiếu sáng do công ty của ông quản lý mà chưa có phép của công ty.

Tuy nhiên, ông Võ Công Anh, Giám đốc Trung tâm triển lãm cho rằng, mọi thủ tục liên quan đến việc treo banner đã tiến hành đầy đủ và chưa bao giờ Trung tâm làm công tác thông tin chính trị phải đi xin phép công ty chiếu sáng...

Sáng 23/10, ông Trần Quang Phượng, giám đốc Sở Giao thông công chính đã chỉ đạo Công ty Chiếu sáng công cộng treo lại các banner. Theo ông Phượng, những banner này bị tháo là do công văn của UBND thành phố đưa xuống hôm 14/10 về chương trình, chỉ cho biết sẽ treo banner đọc các tuyến đường chứ không ghi rõ là treo trên cột điện.

Theo Thanh Lương
VnExpress

MỚI - NÓNG