Nhiều người thừa nhận phải hối lộ để có việc làm nhà nước

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Gần một nửa số người được hỏi đồng ý phần nào rằng cần phải hối lộ thì mới có được việc làm trong khu vực nhà nước. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tham nhũng và hối lộ là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Trung tâm Công tác lý luận Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc đã chính thức được công bố tại Hà Nội, sáng ngày 14/4.

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người dân đánh giá rằng “không có tiến bộ gì trong chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng”. Thay đổi lớn nhất so với khảo sát lần trước là có nhiều người trả lời đồng ý rằng tham nhũng và hối lộ là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh.

Cụ thể, trong chỉ số việc làm nhà nước, gần một nửa số người trả lời ít nhất đồng ý phần nào rằng cần phải hối lộ thì mới có được việc làm trong khu vực nhà nước.

Khảo sát cũng hỏi người tham gia về trải nghiệm của họ đối với hối lộ khi sử dụng dịch vụ công ở bệnh viện và trường tiểu học. Kết quả có khoảng 12% cho biết họ đã phải hối lộ để được phục vụ ở bệnh viện (năm 2012 là 10%) và 30% số người có con đang học tiểu học cho biết phải hối lộ (năm 2012 là 12%).

Về minh bạch trong bồi thường đất đai, qua khảo sát cho thấy đa số người trả lời cho biết họ hoặc họ hàng của họ bị mất đất đã nhận được tiền bồi thường. Tuy nhiên, hơn một phần năm trong số đó cho biết họ không hề nhận được khoản bồi thường nào. Đồng thời, chỉ 36% những người bị mất đất trong năm qua cho biết họ nhận được mức bồi thường thỏa đáng.

Nhưng quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền các tỉnh "không thay đổi", chỉ khoảng 40% người được hỏi cho rằng các vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương đã được xử lý nghiêm túc. 

Đặc biệt, tỉ lệ người dân tố cáo tham nhũng vẫn tiếp tục ít ỏi, chỉ 3% người từng bị cán bộ, cán bộ công chức "vòi vĩnh" dám tố cáo các hành vi đó. Còn lại là những người chịu đựng vì thấy tố cáo không mang lại lợi ích gì, thủ tục tố cáo thì rườm rà và sợ bị trù úm.

MỚI - NÓNG