'Nhiều người vào công chức rồi nghiễm nhiên làm đến hết đời'

'Nhiều người vào công chức rồi nghiễm nhiên làm đến hết đời'
TPO - Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sáng 28/10, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng phải đánh giá chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.  

“Nếu làm công chức không phù hợp nữa thì anh phải ra. Tôi nghĩ như thế sẽ nâng cao được chất lượng. Bây giờ đội ngũ công chức rất nhiều người cứ vào rồi nghiễm nhiên làm đến hết đời”, ông Huân nói.

Liên quan đến phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ông Huân cho biết, chắc chắn khi trình phương án sẽ đánh giá rất kỹ. “Quốc tế khuyên chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi, nhưng đối với điều kiện thể chất như người Việt Nam thì phải tính toán rất kỹ, vì còn liên quan vấn đề thể chất, sức khỏe, vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế và đặc biệt liên quan đến thị trường lao động”, ông Huân nói.

'Nhiều người vào công chức rồi nghiễm nhiên làm đến hết đời' ảnh 1

Ông Phạm Minh Huân

Theo ông Huân, khi vừa phải lo hơn một triệu việc làm cho người đến tuổi lao động mỗi năm, vừa phải sử dụng được lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có kinh nghiệm, thì yêu cầu đặt ra là phải thay đổi đội ngũ lao động trong khu vực công chức. 

“Không có nghĩa cứ vào công chức là biên chế đến suốt đời. Nhiều nước họ có đánh giá trên nguyên tắc trong khu vực công chức phải có vào, có ra. Nếu không phù hợp, anh phải ra. Tôi nghĩ như thế sẽ nâng cao được chất lượng. Hiện ở đội ngũ công chức của chúng ta, rất nhiều người cứ vào biên chế rồi thì nghiễm nhiên làm đến hết đời. Không biết chất lượng có tốt và đảm bảo hay không”, ông Huân nói.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, vấn đề ông Huân nêu rất đúng. Theo ông Lợi, hiện nay cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 2 triệu 800 ngàn người. 

“Cái gốc của chúng ta là phải chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nhà nước chỉ khoán chi phí theo kết quả đầu ra. Chúng ta không để biên chế tăng lên”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, khi có thông tin tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều người lo ngại một bộ phận cán bộ sẽ cố bám lấy cái ghế, mất cơ hội cho người trẻ. “Vấn đề này cũng có nhưng chỉ rơi vào một số cán bộ quản lý. Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện tốt chính sách, cho nâng tuổi nghỉ hưu nhưng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chỉ chốt ở tuổi 60 – 65 thôi. Trường hợp đặc biệt thì cấp có thẩm quyền quyết định”, ông Lợi nói.

Ông Lợi cho rằng, nên tách tuổi đời, tuổi nghề với tuổi nghỉ hưu. “Như tôi 60 tuổi nghỉ hưu, nếu còn năng lực sẽ về đi làm đến 65 tuổi thì phải có cơ chế cho tôi đóng tiếp Bảo hiểm xã hội. Con đường chúng ta phải đi như vậy”, ông Lợi nói.

Bộ LĐTB&XH đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động. Dự kiến có hai phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu.

MỚI - NÓNG