Phòng GD&ĐT Quế Phong, Nghệ An:

Nhiều người vô cớ bị thôi việc

Nhiều người vô cớ bị thôi việc
TP - Mười năm phấn đấu công tác bỗng nhiên, đến tháng 10/2008, tất cả 38 cán bộ nhân viên được Phòng GD&ĐT Quế Phong, Nghệ An tuyển dụng bị buộc thôi việc bằng một quyết định “chấm dứt hợp đồng” mà không được hưởng quyền lợi gì.

Tháng 10/1998 Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong, Nghệ An được hợp đồng (HĐ) 38 CBNV vào làm thiết bị văn phòng, văn thư (TBVP-VT) ở các trường học trong huyện.

Trong số 38 người bị cắt hợp đồng phần lớn mới chỉ có bằng sơ cấp,  nhưng cũng không ít người đã có bằng trung cấp, bằng cao đẳng, có bốn người chỉ còn một tháng nữa là thi lấy bằng đại học.

Chị Lê Thị Sâm (1970) có bằng trung cấp nói: “Mười năm công tác, tôi luôn được khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ, được kết nạp đảng. Chưa một lần được tăng lương nhưng, trong thời gian công tác, tôi vẫn bỏ tiền ra theo học các lớp đào tạo để đáp ứng kịp yêu cầu. Bây giờ bỗng nhiên bị cắt hợp đồng không một quyền lợi gì”.

Anh Quang Văn Quân (1969) buồn rầu: “Tôi là bộ đội xuất ngũ, học xong lớp trung cấp thiết bị văn phòng, tháng 10/1998, được ký hợp đồng vào làm ở trường THCS Thông Thụ vùng sâu. Mười năm tôi chưa hề bị kỷ luật, chuẩn bị kết nạp đảng. Còn một tháng nữa thi lấy bằng tốt nghiệp đại học tại chức, bỗng nhiên bị cắt hợp đồng”.

Anh Phạm Ngọc Định cho hay: “Hầu hết những người được hợp đồng năm 1998 vào làm TBVP-VT ai cũng công tác vùng sâu vùng xa. Chưa một lần được tăng lương nhưng 10 năm trời, không ai kêu ca phàn nàn, dốc tâm dốc lực để hoàn thành nhiệm vụ, mong chờ ngày được biên chế. Vậy mà bây giờ ra về hai bàn tay trắng”.

Chị Lô Thị Hương công tác ở trường tiểu học Tri Lễ 1 uất nghẹn: “Mười năm xa bản xa nhà công tác vùng biên giới, nay bỗng nhiên bị thôi việc trở về, bản mường dị nghị, chồng con nghi ngờ chắc vi phạm gì đó bị kỷ luật chứ ai đời mười năm rồi mà không cho làm nữa, ra về tay trắng như thế”.

Huyện miền núi Quế Phong có 34 trường phổ thông. Theo quy chế năm 2009, các trường  phải có nhân viên thiết bị, văn phòng, văn thư, thủ quỹ. Vậy mà huyện Quế Phong lại đẩy các cán bộ nhân viên 10 năm công tác, dày kinh nghiệm để tuyển mới bảy nhân viên hệ trung cấp vừa ra trường và 80 giáo viên yếu kém không đảm bảo nhiệm vụ đứng lớp đi học cấp tốc lớp TBVP-VT vào thế chỗ.

Trong khi đó, hầu hết 38 nhân viên bị cắt hợp đồng là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên trên đất Quế Phong.

Ông Sầm Hồng Lệ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quế Phong cho hay: “Việc cắt hợp đồng cũ đưa mới vào cũng có cái đúng , cũng có cái sai, nhưng nội tình khó nói lắm. Sắp tới chúng tôi sẽ rà soát lại trong 38 đối tượng bị cắt hợp đồng ai có bằng trung cấp trở lên thì đề xuất cấp trên tuyển dụng lại”.

Tại công văn của UBND Tỉnh Nghệ An ngày 14/3/2008 về việc “Chấn chỉnh công tác tuyển dụng và hợp đồng giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục gửi chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã” có đoạn “Rà soát nắm chắc thực trạng đội ngũ giáo viên, nhân viên hiện đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục trực thuộc mà chưa được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng để giải quyết theo hướng, nếu còn biên chế và cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng thì xem xét, tuyển dụng”.

Theo tinh thần công văn trên, trong 38 trường  hợp bị “cắt hợp đồng” nói trên có nhiều người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển dụng. Nhưng tại sao họ lại không được tuyển dụng?

Ông Lô Minh Điệp, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quế Phong, nói: “Trước khi cắt hợp đồng Phòng Nội vụ huyện tổ chức cuộc họp với 38 người nói trên và quyết định ai có bằng trung cấp trở lên, muốn tiếp tục công tác thì nộp đơn. Nhưng các thủ tục nộp chậm nên tất cả đã được tuyển mới. Bây giờ muốn tuyển dụng họ phải chờ chỉ tiêu của trên”.

Trong khi đó, những người bị cắt hợp đồng có bằng trung cấp trở lên đã chờ đợi gần một năm. Không biết họ còn phải chờ đợi chỉ tiêu đến bao giờ?                                                             

MỚI - NÓNG