Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung:

Nhiều nơi ghép người tâm thần 'sống chung' với người cai nghiện ma túy

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại phiên giải trình. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại phiên giải trình. Ảnh Như Ý
TPO - Theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, nhiều địa phương liên tục đề nghị cho xây cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần, nhiều nơi chưa xây được phải ghép vào cơ sở bảo trợ, thậm chí còn ghép cả người tâm thần sống cùng người cai nghiện ma túy, có địa phương còn đòi ghép cả vào trung tâm nuôi dưỡng người có công.

Sáng 6/8, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, số tiền trợ cấp tuy không lớn, nhưng đòi hỏi phải có sự công bằng. Bên cạnh đó, ông cũng quan tâm tới các giải pháp hỗ trợ khác, như vé tàu giao thông, du lịch cho người cao tuổi, hiện địa phương không làm hoặc làm nhưng không đạt yêu cầu, vậy giải pháp tới đây thế nào? Người cao tuổi có nhu cầu vay vốn “khởi nghiệp” nhưng lại chưa có chính sách nào để họ tiếp cận vốn, vậy giải pháp tới đây thế nào? Đối với người tự kỷ, có được xem là người khuyết tật không?

Tăng mức trợ cấp cho hai đối tượng này cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm, phản ánh của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá, dù đã có nhiều việc làm cụ thể thể hiện sự quan tâm với người cao tuổi, người khuyết tật, nhưng mức trợ cấp còn thấp hơn mức sống tối thiểu, kinh phí địa phương thì không đủ hỗ trợ, vậy nguyên nhân và giải pháp khắc phục ra sao?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu, theo quy định, người cao tuổi, người khuyết tật phải được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe, nhưng hiện chỉ mới có khoảng 2,7 triệu người được lập hồ sơ. Trong khi đó, hệ thống trạm y tế xã lại không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Giải pháp cho vấn đề này ra sao?

Cũng theo ông Lợi, Nghị quyết 28 có nêu hai vấn đề: Có lộ trình giảm độ tuổi người cao tuổi xuống (hiện đang quy định 80 tuổi) và nâng mức trợ cấp lên (hiện 270 nghìn/tháng), nhưng điều quan trong hơn là phải thực hiện chính sách xã hội công bằng, nên phải linh hoạt, chứ không nên cào bằng. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?

Giải trình các chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, một số quy định, như muốn giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp thì phải sửa luật. Trong kế hoạch, với người cao tuổi thì đến năm 2021 mới sửa. “Quan điểm cá nhân, tôi đồng tình rút xuống 75 tuổi so với 80 tuổi hiện nay, và mức chuẩn cũng phải nâng lên, vì điều kiện kinh tế xã hội hiện nay có thể làm được việc này”, ông Dung cho hay.

Về đối tượng người tự kỷ, người thần kinh, theo ông Dung, hiện đang gia tăng rất nhanh. Các địa phương liên tục đề nghị cho xây cơ sở nôi dưỡng người tâm thần, nhiều nơi chưa xây được phải ghép vào cơ sở bảo trợ, thậm chí còn ghép cả người tâm thần sống cùng người cai nghiên ma túy, có địa phương còn đòi ghép cả vào trung tâm nuôi dưỡng người có công. Bộ Lao động kiên quyết yêu cầu phải tách hẳn ra. Ông Dung cũng khẳng định, người tự kỷ được xem là người khuyết tật, và đã có văn bản rồi, nhưng có thể do mới quá nên việc triển khai xuống cơ sở chưa tốt, cần chú trọng hơn thời gian tới.

Về nâng mức trợ cấp, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, việc huy động ngân sách cũng chỉ là một phần, điều quan trọng là sự phấn đấu tự vươn lên và việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dung, việc huy động doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này rất khó khăn, vì trong thời gian khoảng 3 năm đầu, các doanh nghiệp liên tục phải chịu lỗ nên ít mặn mà.

MỚI - NÓNG