Nghệ An:

Nhiều nông dân trắng tay vì rét

Nhiều nông dân trắng tay vì rét
TP - Trận rét lịch sử qua đi, đợt rét mới lại tràn về. Trên đồng lúa chết hàng loạt, nhiều hộ nông dân trở nên trắng tay.
Nhiều nông dân trắng tay vì rét ảnh 1
Người dân Hưng Nguyên ngồi bên thửa lúa chết vì rét

Đang chuẩn bị gieo vụ mới, nhưng bà con nông dân xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên) chẳng mấy người ra đồng. Trận rét lịch sử vừa qua khiến nhiều cánh đồng xơ xác. Chị Trần Thị Thắm (xóm 6A, Hưng Đạo) buồn bã: “Ba năm nay liên tục mất mùa, hai năm trước bị lụt, năm nay rét hại.

Thiên tai hoành hành thế này nông dân chúng tôi làm sao chịu nổi!”. Chồng mất sớm, nhà chỉ còn chị với ba đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới học lớp 11. Tất cả mọi chi phí sinh hoạt và học hành cho các cháu trông chờ vào 5 sào ruộng.

Đợt rét làm cho cánh đồng lúa của chị khô héo. Nhà thiếu vắng đàn ông, đứa con trai thứ hai (sinh 1990) lại bị bệnh tim, đến bữa ăn còn chưa đủ no nói gì đến tiền thuốc thang chữa bệnh cho con. Khó khăn lại đè đầu những người dân nghèo lam lũ.

Đứng cạnh bên, anh Trần Xuân Oai (xóm 6), đồng cảm: “Cứ sống chết nhờ trời thế này, nhà nông như tôi đây bao giờ mới hết khổ”. Nhà anh Oai có 9 người. Anh Oai bị bệnh thần kinh kinh niên nên cũng chẳng làm được gì nhiều. Nhà nghèo, hai đứa con út (sinh năm 1994 và 1991) mắc bệnh kém trí nhớ từ nhỏ. Chín miệng ăn trông chờ vào 9 sào ruộng, giờ mất trắng.

Gia đình bà Phan Thị Đạo ở xóm 5 còn bi đát hơn. Ông bà cấy 11 sào, lúa đang xanh mơn mởn thì rét tràn về. Lúa non không chịu nổi trận đại hàn, chết rũ trên đồng. Bà Đạo, khóc: “Gia đình chúng tôi chỉ có mỗi nghề làm ruộng, cuộc sống trông chờ vào mấy sào lúa, giờ lúa chết hết, mai mốt biết lấy gì mà ăn? Rồi tiền nợ giống, nợ phân bón, biết vay mượn đâu mà trả cho người ta?”.

Hôm qua, cô con gái học trên tỉnh về xin mẹ tiền đóng học thêm, bà Đạo chạy đôn chạy đáo chỉ mượn được mấy chục ngàn đưa cho con.

Một xã nghèo khó như Hưng Đạo, 3 năm liên tiếp mất mùa quả là một gánh nặng quá sức chịu đựng đối với nhiều hộ làm nông. “Bây giờ chỉ đi làm cho khỏi tiếc việc, chứ thực ra chẳng ăn thua gì. Mà bà con cũng chẳng muốn ra đồng nữa, nhìn chỉ tổ xót ruột!”- Chị Thắm nói.

Mất mùa, nhiều người ra TP Vinh tìm việc làm thuê để sống. Xe ôm, cửu vạn, thợ nề, họ bất chấp mưa nắng miễn là kiếm được mỗi ngày vài chục ngàn đồng.

Vợ anh Oai kể: “Năm trước mất mùa, bà con rủ nhau đi bốc đá thuê ở rú Mượu, mỗi ngày được 10 nghìn, biết là rẻ mạt và nguy hiểm nhưng cũng còn có cái để mà sống. Giờ rú Mượu người ta cấm khai thác đá, nhiều người thất nghiệp!”.

Để khắc phục thiệt hại do trận rét vừa qua, chính quyền địa phương hỗ trợ gì cho nông dân? Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Hồ Thúc Nam nói: “Hưng Nguyên là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất, trong đó có những xã như Hưng Đạo, Hưng Xuân lúa mất trắng. Ngoài 70% hỗ trợ của tỉnh về giống, huyện còn hỗ trợ thêm 5.000 đồng/1 kg lúa lai”.

Rời Hưng Nguyên, chúng tôi ngược về huyện Nghi Lộc. Bên bờ ruộng lúa chết trắng xóa, chị Trần Thị Nghệ (xóm Kim Liên, xã Nghi Hoa ) cho biết: “Nhà tôi cấy 9 sào, cả 9 sào lúa đã bỏ đi!”. Bao nhiêu chi phí, công sức đổ vào đồng ruộng giờ tay trắng.

“Làm được hạt lúa đưa về nhà đã khó, vụ mùa thất bát càng cực hơn. Khổ thân đứa con gái đang đi học may ở dưới TP Vinh, lúc đêm gọi điện về xin mẹ 50.000 đồng mua kim chỉ để thực hành, mất mùa lại đang nợ nần thế này kiếm được mấy chục ngàn đồng cũng khó”- Chị Nguyễn Thị Xuân (xóm 3, xã Nghi Long) góp chuyện. Mấy hôm nay, mẹ con chị Xuân phải bữa rau bữa cháo thay cơm.

Hình ảnh những người nông dân lam lũ đứng trên cánh đồng bạc trắng cứ ám ảnh chúng tôi trên đường về. Trận rét lịch sử qua đi, một đợt gió mùa Đông Bắc nữa lại ập đến. Rồi đây, những người dân chân lấm tay bùn đã điêu đứng vì vụ mùa thất bát, sẽ sống ra sao. 

MỚI - NÓNG