Nhiều phòng khám Trung Quốc liên tục sai phạm

Phòng khám Trung Quốc Huê Hạ từng bị kiện do cắt trĩ cho bệnh nhân bị tai biến và bán thuốc không rõ nguồn gốc với giá cắt cổ Ảnh: L.N
Phòng khám Trung Quốc Huê Hạ từng bị kiện do cắt trĩ cho bệnh nhân bị tai biến và bán thuốc không rõ nguồn gốc với giá cắt cổ Ảnh: L.N
TP - Nhiều phòng khám Trung Quốc tại TPHCM sai phạm liên tục nhưng vẫn hoạt động trước sự bất lực của ngành y tế.

> Phòng khám Trung Quốc: Tùy tiện quảng cáo vá trinh

Chiều 20-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra Phòng khám Đa khoa Đầm Sen (46 Hòa Bình, phường 5, quận 11).

Tại thời điểm kiểm tra, thanh tra ghi nhận phòng khám đang hoạt động, tuy nhiên được sĩ phụ trách chuyên môn vắng mặt, chỉ còn người đại diện là bà Nguyễn Thị Thu Loan.

Phòng khám gồm có 8 bác sĩ chuyên môn, 5 điều dưỡng, đăng ký các chuyên khoa sản phụ khoa, xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm… và giá khám niêm yết giá 50.000 đồng/lần.

Tại phòng lưu bệnh có hai nữ bệnh nhân điều trị tới ngày thứ 5 đang truyền dịch. Điều trị cho hai bệnh nhân này là một bác sĩ người Trung Quốc. Người này đã rời khỏi phòng khám 10 phút trước khi đoàn thanh tra đến.

Tại phòng lưu kho có một số thuốc nhãn hiệu Trung Quốc không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng mà theo giải thích của đại diện phòng khám là chuẩn bị đem huỷ.

Thanh tra còn phát hiện hồ sơ bệnh án trường hợp phá thai nội khoa tuổi còn rất trẻ. Theo bác sĩ Huỳnh Anh, thanh tra viên Sở Y tế, dù cơ sở này đăng ký chuyên môn sản phụ khoa nhưng việc phá thai là vi phạm.

Theo ghi nhận của PV, khi có đoàn kiểm tra, nhiều phòng khám lập tức thực hiện kế hoạch vườn không nhà trống, máy móc được dán bản tạm ngưng hoạt động.

Thanh tra Sở Y tế TPHCM yêu cầu đến ngày 26-6, chủ cơ sở phải có trách nhiệm bổ sung chứng từ liên quan đến các nhãn hàng thuốc, máy trị liệu… Theo bác sĩ Trần Thu Hương, Trưởng phòng Y tế quận 11, cơ sở này từng vi phạm và bị phạt trên 15 triệu đồng.

Bệnh gì cũng chữa

Không có chức năng cắt trĩ nhưng phòng khám Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, sẵn sàng làm trọn gói với giá 15-20 triệu đồng/ca.

Bệnh nhân T.V.A (ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, xem quảng cáo trên ti vi về phương pháp cắt trĩ hiện đại, không đau và lành bệnh 100% nên hai tháng trước đã đến phòng khám này để được phẫu thuật với giá 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau cắt trĩ, bệnh nhân vẫn không lành được và bị tái phát. “Chạy lên đây để đòi bồi thường nhưng họ lấy lý do tôi uống không đủ thuốc và chế độ ăn uống có vấn đề nên từ chối chữa tiếp”, Ông A. bức xúc.

Cắt trĩ chui chỉ là một hoạt động chữa bệnh nhỏ của phòng khám Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu.

Tại đây, ngày 18-6, thanh tra Sở Y tế TPHCM, còn phát hiện hàng chục loại thuốc nhãn mác Trung Quốc không rõ ràng; tiêm chích và truyền dịch không đúng chức năng cho người bệnh.

Năm 2009, phòng khám này bị phát hiện khám chữa bệnh và cấp thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân.

Thổi phòng cách chữa bệnh cho dù không được cấp phép là cách làm của nhiều phòng khám trung Quốc hiện nay.

Bà Nguyễn Kim T., (40 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) cho biết thấy quảng cáo Phòng khám đông y Hiện Đại trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình điều trị viêm xoang hiện đại bằng phương pháp uống thuốc mà không đụng tới dao kéo.

Hết 43 triệu đồng cho đợt chữa viêm xoang nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Mới đây, bà T. bị biến chứng của thuốc khiến cho đôi chân phù lên, khớp cứng không đi đứng được nên đến phòng khám này đòi bồi thường thì bị bác sĩ đuổi đi.

“Họ bảo chuyện phù nề toàn thân là bình thường và bảo tôi mua thêm thuốc uống sẽ hết”, bà T. kể lại.

Tại các bệnh viện lớn ở TPHCM, mổ cắt trĩ được thực hiện trong vòng 30 phút với giá chỉ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, tại phòng khám Huê Hạ trên đường Lý Thường Kiệt, quận 5 mỗi lần mổ, bệnh nhân phải trả đến 31 triệu đồng.

Ông Đoàn Quang Ph. (43 tuổi, ở quận 10) không chỉ bị móc túi số tiền lớn mà sau cắt trĩ, ông bị biến chứng sa hậu môn sau cắt trĩ.

Tuy nhiên, các bác sĩ ở phòng khám Huê Hạ vẫn khẳng định ca mổ thành công, trong khi ông Ph. bị tai biến không thể đi đứng được. Sang Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM để thăm khám, được các bác sĩ nơi đây cho biết bị tai biến trĩ lồi, cắt không hoàn chỉnh…

Nộp phạt rồi vi phạm… tiếp

Ngày 20-6, bác sĩ Phạm Kim Bình, quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, đã mời các người liên quan phòng khám Trung Quốc ở 141 Phan Đăng Lưu lên làm việc…

Ông Bình khẳng định đã trình hồ sơ vi phạm lên Ban giám đốc Sở Y tế TPHCM để ra quyết định xử phạt. “Chúng tôi chưa công bố hướng xử lý. Nhưng lần này sẽ xử phạt với hình thức cao nhất”, ông Bình nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong sáng qua, bác sĩ Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Quản lý Dịch vụ y tư nhân (Sở Y tế TPHCM) cho biết hiện thành phố có 3 phòng khám Trung Quốc có 100% vốn do người nước này làm chủ, còn lại 5 phòng khám khác có bác sĩ là người Trung Quốc hành nghề.

“Sau khi các phòng khám được thẩm định nghiêm ngặt, chúng tôi mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”, bác sĩ Hải nói.

Người này khẳng định, sau cấp phép, năm nào cũng tiến hành hậu kiểm. Tuy nhiên, khó phát hiện được những sai phạm từ các phòng khám này do họ hoạt động biến tướng tinh vi.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc nhiều phòng khám vi phạm nhiều lần nhưng không xử lý triệt để, bác sĩ Phạm Kim Bình cho rằng, do xử phạt không đủ sức răn đe nên các phòng khám nhờn thuốc.

Bác sĩ Bình cho biết: “Mức xử phạt cao nhất khi phòng khám vi phạm về hành nghề chỉ từ 15-20 triệu đồng nên các phòng khám đóng phạt rồi lại vi phạm tiếp. Từ đầu năm đến nay, kiểm tra các phòng khám này thì thấy hầu hết đều vi phạm”.

Vi phạm chủ yếu, theo Thanh tra Sở Y tế, là không kê đơn thuốc bằng tiếng Việt, quảng cáo sai chức năng, nhân sự không có chuyên môn và trang thiết bị không đúng với đăng ký.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, phòng khám Trung Quốc ở 141 Phan Đăng Lưu do 2 bác sĩ người Trung Quốc là Lông Bái Vân và Châu Bích Châm phụ trách chuyên môn nhưng khi kiểm tra cơ sở này phát hiện hàng loạt bác sĩ khác cũng mặc báo blouse bán thuốc, khám bệnh, truyền dịch…

Thậm chí, có nhân viên đăng ký với Sở Y tế chỉ tiếp tân nhưng cũng kiêm luôn truyền dịch. Có nhân viên đăng ký làm văn thư hành chính nhưng lại bốc thuốc.

“Khi kiểm tra, hầu hết các toa thuốc ở các phòng khám Trung Quốc đều ghi bằng chữ Hoa trong khi thuốc bán không nhãn mác và không niêm yết giá. Đó là chưa kể họ dùng bác sĩ Trung Quốc chui, thuê người Trung Quốc không bằng cấp, chuyên môn vào ngồi làm bác sĩ”, bác sĩ Bình nói.

Theo người này, chuyện khó phát hiện sai phạm ở các phòng khám này không phải do mỗi lần thanh tra, các cơ sở biết trước để chặn sai phạm mà do họ rất tinh vi; có mạng lưới giăng khắp và liên kết giữa các phòng khám với nhau rất mật thiết.

Ông Bình dẫn chứng đa số phòng khám này đều tổ chức cho bác sĩ Trung Quốc khám bệnh ở tầng trên nên khi thanh tra sở đến kiểm tra thì họ nói trên lầu là chỗ ở của người cho thuê mặt bằng!?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG