Nhiều tập đoàn, tổng công ty khuyết cán bộ chủ chốt

Rất khó khăn trong việc bố trí cán bộ ở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Rất khó khăn trong việc bố trí cán bộ ở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
TPO -  Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cho biết, các doanh nghiệp trong khối đang khuyết tương đối lớn về lãnh đạo. Trong 33 tập đoàn, Tổng công ty và các ngân hàng thì có hiện có đến 9 đơn vị khuyết cán bộ chủ chốt.

Không tìm được người đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm

Sáng 31/1, Ban Chỉ đạo về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp năm 2017 đã tổ chức hội nghị giao ban. Tại hội nghị, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng uỷ khối doanh nghiệp T.Ư cho biết, các doanh nghiệp trong khối đang khuyết tương đối lớn lãnh đạo.

Cụ thể, trong 33 tập đoàn, Tổng công ty và các ngân hàng thì có 9 đơn vị khuyết cán bộ chủ chốt. Do đó, ông Thanh đề nghị, không nên kéo dài tình trạng cán bộ đến tuổi về hưu hoặc là không còn đủ nhiệm kỳ, hoặc không còn đủ năng nhưng vẫn chờ CPH xong mới bổ nhiệm người mới.

“Bán vốn nhà nước trong giai đoạn đó rất quan trọng, cần những người làm tốt, những người hoạch định được tương lai tốt, chứ để những sắp nghỉ hưu làm thì  khó mà mong đợi có kết quả tốt”, ông Thanh nói.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, hiện nay Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chưa có Chủ tịch nên Thứ trưởng Bộ GTVT phải kiêm; chưa có tổng giám đốc mà mới chỉ có quyền… Hội đồng thành viên cũng chỉ có 3 người.

Tương tự các doanh nghiệp bên dưới thuộc Tập đoàn cũng như vậy. Theo nghị định 97, khi mà xếp loại doanh nghiệp hạng C thì người quản lý doanh nghiệp cũng bị hạng C nên không được bổ nhiệm, trong 2 năm thì phải luân chuyển, không được quy hoạch.

“Hiện ở Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam không có một ai đủ điều kiện để được bổ nhiệm. Nếu có bổ nhiệm thì chỉ lấy từ chuyên viên lên thôi”, ông Công cho biết.

Rủi ro lớn

Theo ông Công, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về việc trên. Chính phủ cũng hỏi ý kiến từ Bộ Tư pháp, Tài chính, Nội vụ. Nhưng chỉ có Bộ Tài chính là “thấu hiểu” nên đồng ý, còn Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ không đồng ý.

“Chúng tôi mong muốn các bộ xem xét lại và Phó Thủ tướng có ý kiến để đồng ý với phương án nhân sự của Bộ GTVT nếu không thì chúng tôi sẽ lâm vào ngõ cụt, không bố trí được cán bộ”, ông Công tha thiết đề nghị.

Ông cũng phân trần rằng, do kiêm nhiệm nên rủi ro rất lớn, không có đủ thời gian để thực hiện nhiệm vụ. “9 Nghị quyết của Tổng công ty gửi lên, tôi nhờ các cơ quan tham mưu của bộ xem xét thì đều không thể ký được, tham mưu rất không đúng. Tuy nhiên, tham mưu trên bộ cũng chỉ là “nể” do tôi nhờ vả, chứ đây không phải là trách nhiệm của họ. Điều này rất rủi ro, tôi ký mà không đúng rồi báo cáo Thủ tướng, có khi mấy nữa mọi người lại vào thăm tôi trong tù”, ông Công lo ngại.

Cũng theo ông Công, ở Vinashin hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị phá sản, hoạt động cầm chừng và cũng không có người để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp. Cái khó nữa nếu sắp xếp đầy đủ bộ máy thì rất tốn tiền và "tiền này cũng là của Nhà nước mà ra". Do đó đề nghị cần sửa lại các quy định để có thể thực hiện việc kiêm nhiệm.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC khẳng định, người đại diện theo pháp luật ở các doanh nghiệp đang có chắp vá, chưa chính thức nên việc triển khai các nhiệm vụ khó khăn, nhiều rủi ro. Bởi hoạt động hàng ngày vẫn phải gửi tiền, vẫn phải… rủi ro rất cao. Do đó ông Chi đề nghị cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề trên.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.