Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XII:

Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết căn bản

Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết căn bản
Giá tiêu dùng tăng cao; cơ sở hạ tầng giao thông bất cập; tình trạng "thừa thày thiếu thợ"; công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, y tế dự phòng... là những vấn đề xã hội bức xúc được các ĐBQH đề cập tới trong ngày thảo luận hôm nay, 23/10.

Trong ngày thảo luận ở tổ hôm nay về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2007 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2008, các đoàn đại biểu QH ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ.  Những tiến bộ đạt được về KT-XH đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng tình hình KT-XH còn bộc lộ những bất cập, cần được phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân và đưa ra những giải pháp khắc phục trong năm 2008.

Cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập

Các đại biểu QH băn khoăn trước thực trạng, mặc dù đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng tai nạn giao thông vẫn chưa giảm, nhiều vụ tai nạn thảm khốc, gây thiệt hại về người và tài sản.

Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2007 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 9.941 vụ, làm chết 8.948 người. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh gây thiệt hại lớn về kinh tế và bức xúc trong nhân dân. Điều đó cho thấy công tác quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển và quản lý đô thị còn yếu kém.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với những giải pháp mà Chính phủ đề ra nhằm kiềm chế tai nạn giao thông như: Kiên quyết lập lại trật tự giao thông, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông, tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, khoa học để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra tại các thành phố lớn như hiện nay; có biện pháp phân luồng, sử dụng tuyến đường Hồ Chí Minh hiệu quả để có thể giảm mật độ xe trên quốc lộ 1A.

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, thời cơ thuận lợi để đất nước phát triển, hội nhập sâu vào khu vực và thế giới đã có, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa có tầm nhìn chiến lược, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.

Ông cho rằng: Chúng ta sẽ phải sống chung với nạn tắc đường rất nhiều năm nữa nếu Chính phủ không có chiến lược "dài hơi" mà chỉ dừng lại ở những giải pháp tình thế như phân luồng, phân tuyến, kêu gọi nhân dân chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải phải trình Chính phủ giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này; tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn cho phù hợp.

Chưa giải quyết được tình trạng "thừa thày thiếu thợ"

Đề cập chất lượng giáo dục, đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, việc thành lập nhiều trường đại học ở các địa phương chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở giảng dạy sẽ khó có thể đảm bảo chất lượng đào tạo.

Việc đào tạo nghề để giải quyết việc làm còn nhiều bất cập, chưa giải quyết được nghịch lý "thừa thày thiếu thợ". Hiện nay, các khu công nghiệp thiếu công nhân có tay nghề trầm trọng.

Nhiều đại biểu đồng tình về công tác đào tạo nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội cả về số lượng và chất lượng; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đào tạo nghề cho người lao động, nhất là trong thanh niên.

Kỷ cương trong ngành giáo dục bước đầu được tái lập, nhưng kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm học 2006-2007 cho thấy chất lượng giáo dục vẫn còn thấp so với yêu cầu. Kiến nghị chung của nhiều đại biểu QH là cần đổi mới cơ chế, chính sách tài chính để phát triển nhanh sự nghiệp giáo dục - đào tạo; hỗ trợ toàn bộ chi phí giáo dục theo chế độ quy định cho các đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ một phần cho người “cận nghèo“.

Chất lượng và quy mô đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp tới đại học cần được nâng cao với phương châm đào tạo theo nhu cầu của xã hội; triển khai nhanh trong cả nước việc cho vay với lãi suất thích hợp để học nghề ở mọi trình độ; tiếp tục cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục...

Không để tăng lương kéo theo tăng giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, tác động bất lợi đến sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của đại bộ phận nhân dân là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Đa số các đại biểu QH cho rằng không nên tiếp tục đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP chung chung như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Phạm Thị Loan đề nghị Chính phủ cần đưa ra con số CPI thật cụ thể và rõ ràng. Đại biểu Phạm Thị Loan lý giải, khi chỉ số CPI tương đương với chỉ số GDP thì có nghĩa là nền kinh tế không tăng trưởng. Đất nước ta xuất phát điểm thấp, mỗi chỉ số đưa ra cần được cân nhắc kỹ càng.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân khẳng định một trong những nguyên nhân làm nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững là do chỉ số lạm phát quá cao. Mục tiêu CPI năm 2008 thấp hơn GDP (9%) là không phù hợp bởi sau này, khi GDP tăng tới 2 con số thì CPI cũng sẽ lên theo 2 con số, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế.

Nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, trong khi thu nhập thực tế của người lao động và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không tăng tương xứng thì đời sống của nhân dân không được nâng cao như mong muốn.

Đại biểu Xuân cho rằng, cần đưa ra chỉ số CPI cụ thể, khoảng 6% và chỉ cần giữ GDP ở mức 8,5% mà thôi, bởi mục đích cuối cùng là đưa nền kinh tế nước ta tăng trưởng ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Cùng với xác định tỷ lệ tăng giá tiêu dùng thật cụ thể, hợp lý, Chính phủ cần đề ra các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát để xử lý vấn đề cân đối vĩ mô của nền kinh tế hiệu quả hơn.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập đề xuất Chính phủ làm rõ hơn nguyên nhân làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, cũng như đánh giá lại hiệu quả công tác điều hành chính sách tiền tệ; làm thế nào để việc điều chỉnh mức lương tối thiểu không trở thành nguyên nhân tăng giá khiến đời sống đại bộ phận những người hưởng lương từ ngân sách thêm một lần khó khăn như những lần điều chỉnh lương vừa qua .

Chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức

Nhiều đại biểu cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, y tế dự phòng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đầu tư thiếu đồng bộ ở các tuyến bệnh viện, trung tâm y tế. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố, bệnh viện tuyến Trung ương đã tồn tại nhiều năm, nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả (tình trạng bệnh nhân nằm chung một giường còn phổ biến).

Chủ trương, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa được triển khai thống nhất ở địa phương và Trung ương nên chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra.

Việc bán BHYT tự nguyện, nhưng với điều kiện cả hộ dân phải mua gây khó khăn cho người nghèo; chưa tạo được nguồn vốn để đầu tư nhiều hơn cho ngành y tế, cho các bệnh viện tuyến huyện để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở nông thôn và giảm áp lực quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên.

Đại biểu Trần Đông A cho rằng chất lượng khám chữa bệnh còn kém, đặc biệt là ở tuyến cơ sở; phải tăng cường hơn nữa cho tuyến cơ sở. Một thực tế là người có thẻ BHYT bị phân biệt đối xử gây bức xúc trong nhân dân mà Chính phủ chưa giải quyết được. Luật BHYT chưa đưa ra QH lần này là đúng bởi QH cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế để tiến tới BHYT toàn dân.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.