Nhiều vi phạm trong quản lý, tổ chức lễ hội

Nhiều vi phạm trong quản lý, tổ chức lễ hội
TP - Trong đợt kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội  mới đây tại một số tỉnh phía Bắc, Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã phát hiện nhiều bất cập, vi phạm.
Nhiều vi phạm trong quản lý, tổ chức lễ hội ảnh 1
Tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng phải chặt chẽ hơn.

Theo Thanh tra Bộ, tại một số địa phương, người cao tuổi quản lý toàn bộ tiền công đức di tích mà không nộp kho bạc, hàng năm chỉ ủng hộ một phần kinh phí cho thôn, xã, huyện sở tại.

Địa phương thì chưa có nhiều kinh phí  đầu tư cho di tích, lễ hội, nên dẫn đến tình trạng một số sư trụ trì chùa, thủ nhang tự ý sửa đền, chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử hoặc mua sắm đồ thờ tự, tượng Phật, làm biến dạng một số hạng mục của di tích.

Tình trạng xâm hại di tích ngay tại khu vực I có nguyên nhân từ việc coi lễ hội, di tích là nguồn lợi riêng, mà điển hình là ở Lăng Mẫu chúa Liễu Hạnh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định); Đền Tiên La, Đền Trần, Chùa Thượng Liệt (Thái Bình), Chùa Tiêu, Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Chùa Trăm Gian (Hà Nội)...

Một số  tỉnh, thành phân cấp quản lý và thử nghiệm mô hình xã hội hóa tổ chức lễ hội, quản lý di tích nhưng, trên thực tế, các cơ quan chuyên môn chưa làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ, quản lý, thanh tra, giám sát  để ngăn chặn các vi phạm: lợi dụng trò chơi dân gian để cá độ ăn  tiền, xâm hại di tích, xóc thẻ, bói toán, nâng giá, ép khách,...

Cũng theo Thanh tra Bộ VH,TT&DL, công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích- thắng cảnh ở nhiều nơi không thống nhất, có nhiều chủ thể cùng tham gia  như UBND xã, phường, ban quản lý di tích, nhà chùa, công ty khai thác dịch vụ.

Phân cấp quản lý cũng khác nhau, nơi thì huyện, thị xã, nơi lại xã, phường quản lý. Cũng có nơi ban quản lý di tích đảm trách về chuyên môn, công ty kinh doanh khai thác các hoạt động vận chuyển và dịch vụ.

Hiện nay, nguồn thu công đức ở đền, phủ do thủ nhang quản lý, tiền công đức ở các chùa do các nhà sư quản lý, tiền cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ do UBND xã, phường quản lý. Sự phân tán như thế làm giảm trách nhiệm quản lý, bảo tồn, phát huy di tích.

Để bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất quản lý, khai thác có hiệu quả di tích, lễ hội, Thanh tra Bộ đề nghị Sở VH,TT&DL các  địa phương nghiên cứu trình Bộ VH,TT&DL việc quy hoạch lễ hội, mô hình xã hội hóa, mô hình phân cấp tổ chức lễ hội và quản lý di tích cho cơ sở.

Trước mắt, nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc (Hải Dương) quần thể di tích Đền Phủ Dày (Nam Định), khu di tích danh thắng Hương Sơn (Hà Nội), Đền Cửa Ông (Quảng Ninh).

Các cơ quan chức năng phải có biện pháp kiên quyết để chấm dứt tình trạng bày bán hàng tại khu vực I di tích, lấn chiếm đường đi của khách, gây ùn tắc....                               

Thanh tra Bộ cũng đề nghị Bộ VH,TT&DL kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng các nguồn thu, chi từ lễ hội và di tích, đặc biệt là nguồn thu từ tiền tài trợ của các nhà hảo tâm, tiền công đức, tiền cung tiến để bảo đảm sự minh bạch và sử dụng có hiệu quả các nguồn thu phục vụ cho di tích, lễ hội.

Thanh tra còn đề nghị Bộ giao cho Cục Văn hóa Cơ sở nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định Số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 về việc ban hành quy chế lễ hội và có thông tư hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện cho phù hợp với tình hình quản lý và tổ chức lễ hội trong giai đoạn hiện nay.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.