Nhìn bô-xít từ bài học Vinashin

Nhìn bô-xít từ bài học Vinashin
TP - Vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên không được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận hôm qua, nhưng Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên vẫn được "ưu tiên" hơn 7 phút để giải trình trước Quốc hội. Nhưng giải trình này chưa làm những người quan tâm đến dự án yên tâm.

 >> Xem lại cơ sở tính toán lãi dự án khai thác bô-xít
 >> Quản lý, khai thác khoáng sản còn lỏng lẻo
 >> Phải xem lại công nghệ thải bùn đỏ

Bô-xít, ván đã đóng thuyền?

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary đã xới lại vấn đề toàn xã hội quan tâm là sự an toàn môi trường và hiệu quả kinh tế của Dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.

Nhìn bô-xít từ bài học Vinashin ảnh 1
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh

Sự cố này đã diễn ra được nửa tháng trước khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhưng ông Quốc băn khoăn: "Tại sao Chính phủ không hề đả động gì đến, Quốc hội cũng không yêu cầu Chính phủ giải trình để làm an lòng dân?".

Bộ trưởng nói về lý thuyết là an toàn. Nhưng người ta đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn như thế nào. - Đại biểu Dương Trung Quốc 

Đại biểu này nhận định: "Người dân quan sát thấy dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bô-xít như là ván đã đóng thuyền".

Nhắc lại bài học về đổ vỡ Vinashin, ông Quốc cho rằng, hoàn toàn có thể soi vào dự án bô-xít. Đó là, nếu chúng ta ứng xử với Vinashin bằng sự buông lỏng quyền giám sát của Quốc hội, bỏ qua ý kiến của nhân dân thì không loại trừ sự lặp lại. "Vinashin mới làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, nhưng hậu quả của dự án bô- xít nếu xảy ra còn liên quan đến vận mệnh của quốc gia" - Ông Quốc nói.

Với lập luận như vậy, ông Quốc kiến nghị: "Cân nhắc kỹ lại một lần nữa và có thể dừng dự án bô-xít để bàn bạc cho thấu đáo".

"Đã thẩm định, đánh giá rất kỹ"

Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho biết như vậy khi được đoàn chủ tịch mời giải trình. Ông Nguyên cho rằng, "đây là vấn đề rất lớn". Do vậy, hội đồng thẩm định gồm 21 người đã được thành lập, trong khi các hội đồng khác chỉ gồm 7 đến 9 người.

Nhìn bô-xít từ bài học Vinashin ảnh 2

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Nguyên cho biết, đã tổ chức cho hội đồng khoa học đi 3 nước Úc, Brazil, Trung Quốc, để nghiên cứu và "đi đến đâu cũng quay phim, chụp ảnh và đều mang tài liệu về để thẩm định" .

Theo ông Nguyên, trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã nêu rõ nghiêm cấm để nước xung quanh chảy vào hồ bùn đỏ. Để giải quyết như vậy, phải làm toàn bộ hệ thống mương hứng nước và lưu lượng nước ở đây đã được tính đến biến đổi khí hậu.

Về chất thải thì xin báo cáo Quốc hội là chúng tôi đã thẩm định và đánh giá rất kỹ - Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên

Viện Khí tượng Thủy văn đã vào Tây Nguyên, đo đạc và đã lường trước nguy cơ biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Viện Vật lý địa cầu cũng đã đo, xác định khả năng động đất tối đa chỉ đến cấp 5, nhưng Bộ yêu cầu thiết kế phải chịu được động đất cấp 7.

Về lo ngại vỡ hồ bùn đỏ, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, đã đặt ra các giải pháp trong trường hợp vỡ hồ. Sẽ lập ra 8 hồ, khi thải ra hồ thứ nhất, có sự cố vỡ thì hồ thứ hai sẽ hứng, tương tự như vậy. Khi đã thải đến hồ thứ ba thì hồ thứ nhất đã tháo khô nước và trồng cây. "Về chất thải thì xin báo cáo với Quốc hội là chúng tôi đã thẩm định và đánh giá rất kỹ"- Ông Nguyên cam kết.

Bộ TN- MT đã thành lập một tổ giám sát, đến khi nghiệm thu xong, tất cả công trình bảo đảm điều kiện môi trường thì mới khai thác.

Ông Nguyên cho biết thêm, trước sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Hungary, Bộ TN-MT sẽ cử một đoàn sang Hungary để xem xét tất cả vấn đề. Sau đó, sẽ rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

MỚI - NÓNG