Nhìn Việt Nam bằng đôi mắt khác

Nhìn Việt Nam bằng đôi mắt khác
Lớn lên bằng những câu chuyện về VN của người cha vốn là bác sĩ thuộc lực lượng hải quân Mỹ tại chiến trường VN, Peter Steinhauer có một tình yêu đậm nét dành cho những góc văn hóa VN.
Nhìn Việt Nam bằng đôi mắt khác ảnh 1
Phố Hàng Buồm Hà Nội qua ống kính của nhà nhiếp ảnh Mỹ  Peter Steinhauer

Chín năm sống và làm việc tại VN, hôm nay, Peter khai trương triển lãm ảnh lớn nhất từ trước đến nay về quan hệ Việt - Mỹ  tại Hà Nội với chủ đề “VN - một thập kỷ qua những hình ảnh”.

Vừa hoàn tất việc gửi toàn bộ ảnh ra Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, Peter thở phào nhẹ nhõm: “Tên cuộc triển lãm đã nói rõ mọi thứ: những gì tôi và người bạn Nguyễn Hoài Linh ghi được ở những miền khác nhau của VN trong 10 năm. Chính xác là 12 năm, 12 năm kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến đây...”.

Peter mơ màng nhớ lại những câu chuyện đã làm lớn dần tình yêu VN của mình. Cha anh, bác sĩ hải quân Mỹ đóng tại Đà Nẵng trong hai năm 1966 - 1967, đã mang về nhà hình ảnh Hội An, Mỹ Sơn và người dân VN thật đẹp.

Steinhauer tốt nghiệp khoa nhiếp ảnh, Học viện Nghệ thuật Colorado.

Các tác phẩm riêng của anh gồm Vietnam: portraits and landscapes, và sắp xuất bản Peter Steinhauer: The enduring spirit of Vietnam, một cuốn sách có bốn phần gồm những bức ảnh được chụp từ năm 1996 - 2004.

Các tác phẩm của Peter cũng đã được xuất bản trong cuốn sách Passage to Vietnam and America 24/7 và trong các tạp chí Time Magazine, Newsweek, Communication Arts, Asian Art News và vô số ấn phẩm khác. Các tác phẩm của Steinhauer triển lãm trong các phòng tranh, các bảo tàng quốc tế và trong năm 2002 đã được đưa vào triển lãm ảnh "Vietnam: now and then" tại Hemphill Gallery of Fine Arts, Washington DC...

Những ký ức ấy kéo người cựu quân nhân trở lại chiến trường xưa vào năm 1988 và bắt đầu chuyến du lịch xuyên Việt của mình. Từ đó, năm nào cha mẹ Peter cũng đi VN hai lần “để đi và cảm nhận đến nơi đến chốn một VN khác với ký ức của ông ấy”.

Năm 1993, vừa hoàn tất bằng đại học ở Viện Nghệ thuật Colorado, Peter vác balô sang VN để kể lại những câu chuyện về VN của cha mẹ mình bằng hình ảnh.

“Thật tình lúc ấy tôi chỉ muốn thực hiện một bộ sách trắng đen về VN theo đúng những gì mà cha mẹ tôi vẫn kể, chứ không thể để người Mỹ cứ xem ảnh VN toàn chiến tranh, chết chóc và nghèo khó mãi được. Qua lời kể của cha mẹ, tôi biết có một VN rất khác và tôi phải làm gì đó để đính chính những suy nghĩ VN là chiến tranh này”.

Chính Peter cũng không ngờ chuyến săn ảnh trên đất Việt lại là một khúc quanh quá lớn trong cuộc đời. Anh kết hôn với một cô gái Mỹ gốc Việt tên Erin Phạm và cả hai bắt đầu cuộc sống mới tại VN.

Peter vui vẻ khoe về đứa con gái hai tuổi kháu khỉnh tên Mai Vy của mình bằng một giọng trìu mến lạ thường. Anh bảo anh đang hạnh phúc với công việc, gia đình và tình yêu VN...

Tại triển lãm được tổ chức long trọng lần này, Peter bảo anh sẽ giới thiệu hai bộ ảnh mà anh thực hiện kỳ công nhất: Hạ Long: bốn chiếc thuyền trên đảo và Phố Hàng Buồm, Hà Nội. Mỗi bộ ảnh chỉ có ba tấm, nhưng là tất cả tâm lực và tình yêu trong suốt nhiều năm liền.

“12 năm, bao giờ tôi cũng thích đến Hạ Long. Tôi muốn tạo ra một góc nhìn rộng lớn hơn về cảnh đẹp nơi đây. Tôi yêu những cảnh đẹp của Hà Giang, cái hoang sơ của Đắc Lắc và cái dịu dàng của sông nước Cửu Long... Cảm giác một mình cưỡi xe máy lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm mọi nơi ở VN luôn tạo cho tôi niềm hứng khởi vô tận để sáng tác...”.

Sau triển lãm, Peter sẽ xuất bản tập sách ảnh mới với tiêu đề Enduring spirit of Vietnam vào ngày 1-9. Đó là những góc nhìn mới về đồng bằng sông Cửu Long, người dân tộc thiểu số, những con kênh ở Sài Gòn và mái ngói ở Hà Nội.

“Tôi bắt đầu ý tưởng cho tập sách này vào năm 1996 và vừa hoàn tất nó trong bốn tháng trước đây. Những góc ảnh này làm cha mẹ tôi muốn quay về VN để sống với chúng tôi một thời gian dài nữa...”.

Peter cười khi được hỏi về “con người Việt” trong anh. “Thế này nhé, tôi nói tiếng Việt rất ổn, tôi có thể phóng xe máy đi khắp nơi và ngày nào tôi cũng ăn món ăn Việt, tất cả các món. Và tôi biết mọi ngóc ngách ở VN, vậy tôi có là người Việt chưa nhỉ?”.

MỚI - NÓNG