Nhớ bánh chưng củ mì

Nhớ bánh chưng củ mì
TP - Năm nay, miền Trung quê tôi bị thiên tai nặng nề, bão lũ cuốn trôi tất cả. Nhiều người phải gặm củ mì tươi cầm hơi qua những ngày khốc liệt trên đỉnh lũ.

Hình ảnh đó khiến tôi nhớ khôn nguôi những năm tháng tuổi thơ tôi sống bằng củ mì; nhớ bánh chưng có những sợi mì tươi ngai ngái.

Nhớ bánh chưng củ mì ảnh 1
Ba thế hệ gia đình tác giả cùng gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến

Tôi tự nhủ, Tết này, dù nhà không thiếu gạo nếp nhưng nhất định tôi sẽ gói bánh chưng củ mì để tưởng nhớ, sẻ chia nỗi khốn khó của đồng bào miền Trung- những con người và vùng đất tôi yêu như máu thịt.  

Sau giải phóng miền Nam 1975, ba tôi đưa cả gia đình về tận nơi chôn nhau cắt rốn của ông sinh sống - một thung lũng ở miền tây Quảng Ngãi. Hơn hai mươi năm tập kết, sống trên đất Bắc, ba bị nghiện bánh chưng, và một trong những bảo vật ông đem theo về quê là chiếc khuôn gói bánh.

Cuộc sống mới ở quê không hề dễ thở, lương thực, thực phẩm được phân theo tiêu chuẩn không thấm vào đâu so với những cái tàu há mồm đang tuổi ăn tuổi lớn là 5 anh chị em chúng tôi.

Dù vậy, mỗi khi Tết đến, ba tôi luôn tìm cách xoay sở để có được nồi bánh chưng gói bằng lá dong và cả nhân đậu xanh, thịt mỡ. “Không bánh chưng, không thành Tết”- Ông thường nói vậy.

Một lần, vào ngày cận Tết nhưng nhà vẫn lạnh tanh. Tôi thấy ba ngồi trầm ngâm rất lâu. Ông vụt đứng dậy quảy quang gánh vào rẫy đem về một gánh khoai mì nặng trĩu và bảo mẹ lựa ra những củ không gân guốc, gọt vỏ, rửa sạch.

Để vừa ráo nước, ba lấy chiếc nạo tự chế ra lướt lên thân củ mì xoàn xoạt như người ta vẫn nạo đu đủ. Sau chừng 30 phút, những củ khoai mì mũm mĩm biến thành những sợi mảnh mai như sợi bún, trắng muốt.

Mọi khi tôi vẫn thấy mẹ nạo khoai mì để nấu canh hoặc hấp ăn thay cơm, nhưng nhiều nhất cũng chỉ chừng nửa rổ. Giờ thấy ba nạo đến gần nửa nia sợi mì, tôi lấy làm ngạc nhiên. Ông bưng ra một ít gạo nếp ngâm sẵn đổ vào, trộn đều với đống sợi mì.

“Dù mì thì vẫn là bánh chưng con ạ, vẫn ngon chán!”. Xong xuôi, ông lấy chiếc khuôn đem từ Bắc về cưa bớt để thu nhỏ khuôn nhằm tăng số lượng bánh lên, vừa để có cái làm quà biếu khách quý dịp Tết, vừa hy vọng ra Giêng vẫn còn cái ăn khi đi làm đồng.  

Sau hơn một ngày đêm tất bật chuẩn bị và đun nấu, những chiếc bánh chưng được vớt ra trong đêm 30 Tết. Mẹ chọn cặp bánh đặc biệt (ít sợi mì), được đánh dấu từ trước, đặt lên bàn thờ. Số còn lại xếp vào một góc rồi lấy ván, gạch đá  ép cho bánh săn chắc và thêm phẳng, đẹp. 

Sáng mùng Một, mẹ bóc chiếc bánh chưng đầu tiên cho cả nhà cùng ăn. Nấu rất kỹ nhưng những sợi mì trắng đục vẫn còn nguyên hình, chạy loằng ngoằng trên bề mặt bánh.

Mùi ngai ngái, vị nhân nhẫn và cả chua chua đặc trưng của củ mì - cái mùi vị mà quanh năm suốt tháng ám ảnh chúng tôi - vẫn nguyên vẹn. Ăn được vài miếng, chúng tôi lần lượt buông đũa. Ba động viên: “Ăn tạm đi con, mai mốt mình sẽ gói bánh toàn bằng gạo nếp, tha hồ”.

Nhiều năm sau đó, mỗi khi đến Tết, ba mẹ tôi lại tất bật với nồi bánh chưng củ mì. Nhìn sự thất vọng trên gương mặt những đứa con, ba tôi lại động viên: “Ăn tạm đi, mai mốt…”.

Chờ đợi mãi, rồi cái ngày mai, mốt theo cách nói của ba tôi cũng đến. Ấy là khi ruộng đất chia về tay nông dân, nhà nhà cấy lúa, trồng đậu, nuôi heo. Đời sống dần khấm khá, và củ mì cũng không còn lý do để xuất hiện trong bánh chưng ngày Tết.

Tết này là Tết thứ 32 gia đình tôi xa đất Bắc, mẹ tôi cũng đã nhiều năm khuất núi. Nhưng năm nào cũng vậy, trước Tết cả tháng, ba tôi lại nhắc con cháu đặt mua gạo nếp, lá dong, thịt mỡ để gói bánh chưng. “Không có bánh chưng, không thành Tết” - Ông lại lẩm nhẩm, rồi cặm cụi ngồi gói, rồi thức canh nồi bánh trong đêm 30.

Ông trân trọng đến thành kính từng chi tiết, khoảnh khắc làm ra chiếc bánh chưng, từ chuẩn bị nguyên liệu đến gói, rồi bắc bếp hay châm nước vào nồi bánh sôi sùng sục. Tôi cảm nhận rõ, trong mỗi phiến lá, từng nuột lạt, ba đều gửi gắm nỗi nhớ thương mẹ suốt đời vì chồng con và cùng ông chia ngọt, sẻ bùi.

Không biết tự bao giờ, tình yêu bánh chưng của ba đã truyền sang tôi và cứ mỗi độ Tết đến tôi lại dành phần gói bánh thay ba. Đứa con trai tôi tuy còn bé xíu cũng tíu tít, lăng xăng đòi được gói bánh.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.