Kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9:

“Nhớ Người những sớm tinh sương...”

“Nhớ Người những sớm tinh sương...”
Buổi chiều đầy nắng tháng Tám, chúng tôi dừng chân trước bậc thang căn nhà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống một tuần đầu tiên khi Bác vừa từ Cao Bằng về đến Tân Trào vào ngày 21/5/1945.

Đó là một căn nhà sàn lợp lá cọ cũ kỹ nằm khiêm tốn phía sau mấy chiếc nhà sàn lớn hướng ra mặt đường thuộc thôn Tân Lập (trước đây là bản Kim Long) xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang: Nhà lão nông người dân tộc Tày Nguyễn Tiến Sự.

Không khí sục sôi của những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám sáu mươi năm trước như còn hiển hiện khắp một vùng chiến khu xưa. Cụ Nguyễn Tiến Sự và vợ là cụ bà Lương Thị Khanh đều đã mất. Người con trai độc nhất cũng đã mất khi còn trẻ.

Căn nhà nay giao cho con dâu cụ Sự (bà Hoàng Thị Mai 65 tuổi) và hai vợ chồng người cháu đích tôn của cụ Sự là anh Nguyễn Văn Bế 38 tuổi, vợ là Trương Thị Diễn 37 tuổi cùng hai đứa con nhỏ.

Căn nhà vẫn nguyên nếp cũ, ba gian khung cột gỗ vững chãi lợp cọ, vách che bằng những tấm nứa đan vuông vắn. Gia đình nay đã mua được ti vi 21 inch, xe máy, được thanh niên tình nguyện xây tặng nhà tắm...

Đêm. Bên ánh lửa bập bùng trên sàn gian giữa, câu chuyện của chúng tôi trở về những kỷ niệm ngày Bác sống với gia đình cụ Sự tại chính căn nhà này.

Mặc dù là thế hệ hậu sinh, những câu chuyện về Bác đều do người già kể lại nhưng khi nghe tôi hỏi, bà Hoàng Thị Mai vẫn rơm rớm nước mắt: “Khi cụ Sự còn sống, nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã về thăm gia đình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng lên thăm và chụp ảnh lưu niệm với cụ Sự.

Gia đình nay rất vinh dự khi được sống tại chính căn nhà Bác đã từng ở cách đây 60 năm trước”. Chỉ một tuần ngắn ngủi sống với một gia đình người Tày, nhưng hình ảnh Bác còn in đậm trong tâm trí người dân.

Bác nói chuyện với vợ chồng cụ Sự qua lối xưng hô rất thân mật “chú thím”. Những ngày đầu tiên về Tân Trào không ai biết người khách mới đến ở nhà cụ Sự trong bộ quần áo Nùng bạc màu là Bác Hồ, chỉ quen gọi đó là “ông Ké cách mạng”.

Khi còn sống, cụ Lương Thị Khanh (vợ cụ Sự) mãi ghi trong tâm trí những giây phút đầu tiên được đón Bác: “Hôm ấy một ngày đầu mùa hạ năm 1945, khoảng giữa buổi sáng thấy anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) dẫn đầu một đoàn người đi vào sân.

Tôi lấy làm lạ là trong đoàn có cả người già. Ông cụ người gầy, râu thưa, tóc loáng thoáng sợi bạc. Cụ đi đôi giầy quai ngang, mặc bộ quần áo Nùng đã phai màu. Tôi vội bước ra đầu cầu thang hỏi thăm...”.

Nhiều người đến nay còn truyền nhau một kỷ niệm mà người già thường nhắc đi nhắc lại: Do nghèo, lại ở nơi hẻo lánh nên hầu hết bà con ở bản ngày đó đều không biết chữ. Từ khi có cách mạng về cả bản náo nức. Một hôm có cán bộ đi vận động học văn hóa, bà Lương Thị Khanh nói “học chữ khó lắm”.

Bác đang ngồi làm việc, nghe thế liền nói “học chữ cũng dễ thôi. Đan dậu, đan quạt khó thế mà bà con còn đan được nữa là...”. Bà Khanh đáp “Thưa Bác, đan dậu, đan quạt nó có hàng, có lối”. Bác cười và nói tiếp “Học chữ một vài hôm rồi cũng thấy chữ cũng có hàng, có lối”. Biết bà Khanh còn ngại, Bác nhẹ nhàng nói tiếp: “Việc gì cũng vậy thím ạ, lúc đầu thường là khó khăn nhưng chú thím phải quyết tâm học. Phải học mới biết”.

Được Bác động viên, ít lâu sau vợ chồng bà Khanh đều đi học lớp văn hóa ở Nhà cứu quốc bên cạnh gốc đa đầu bản. Buổi đầu lớp có trên mười học viên.

Học từ đứa trẻ chăn trâu

Cụ Nguyễn Tiến Sự từng hồi tưởng (trong cuốn sách Chuyện thường ngày về Bác Hồ – NXB VHDT & Bảo tàng Tân Trào – 2004): “Trong thời gian ở cùng gia đình tôi, một lần sau bữa cơm, Bác hỏi: “Ông chủ nhiệm Việt Minh bao nhiêu tuổi rồi?” Thưa Bác, tôi ba mươi tám. Tuy chưa già nhưng cũng đã yếu.

Bác liền bảo: “Chú còn khỏe lắm. Nên đi học cho biết chữ. Phải học nhiều. Học văn hóa, học kinh nghiệm công tác ở mọi người, mọi lứa tuổi để làm việc tốt hơn. Không ai khôn hết được đâu”. Rồi Bác kể chuyện: “Một hôm đi công tác giữa đường gặp mưa to. Đường mòn vừa dốc lại trơn, nên phải thận trọng, dò từng bước một.

Bỗng gặp mấy cháu bé chăn trâu đang trú mưa ở cái lều bên đường. Nhìn tôi đi chậm, một cháu nói: “Chà cụ già này trời mưa, đường trơn, đi không có gậy chống mà không sợ ngã nhỉ?”. Từ bữa ấy về sau, hễ đi đường gặp mưa trơn, nhớ lời các cháu kháo nhau tôi đều tìm gậy để chống. Quả nhiên có cái gậy đi dễ hơn, nhanh hơn mà lại không sợ ngã”.

Những ngày đầu mới về bản, Bác ăn cơm ít nhưng làm việc thâu đêm. Nhiều đêm gà gáy lần thứ hai, thức giấc vẫn thấy Bác chong đèn đọc sách, ghi chép hoặc bàn luận công tác với đồng chí khác. Nhìn Bác gầy, vẻ mệt nhọc mọi người đều ái ngại.

Lại càng áy náy hơn khi thấy bữa ăn quá đạm bạc của gia đình. Một lần cụ Nguyễn Tiến Sự xuống sân nhử bắt được con gà đem lên định thịt. Thấy vậy Bác nhất định bắt thả gà ra. Bác bảo: “Đừng bày vẽ làm gì, tôi có phải là khách đâu. Gia đình ăn thế nào thì tôi cũng ăn thế!”. Rồi Bác tiếp: “Nếu cán bộ nào đến ở cũng mổ gà thì lấy đâu ra lắm gà vậy”...

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, Việt Bắc trở thành thủ đô kháng chiến. Người dân nơi đây thời điểm ấy cũng như sau này vẫn luôn “Nhớ Người những sớm tinh sương. Ung dung yên ngựa trên đường suối reo…” (Thơ Tố Hữu). Hòa bình lập lại, công việc của vị Chủ tịch nước càng nhiều hơn nhưng Bác vẫn luôn nhớ về Tân Trào, về những gia đình, những người dân từng giúp đỡ chở che cách mạng.

Ngày 20/3/1961, Bác Hồ đã từ thủ đô Hà Nội trở lại thăm Tân Trào. Trong chuyến đi ấy, Bác đã đến thăm gia đình cụ Sự và tặng một khẩu súng kíp, một bức ảnh chân dung của Người. Nhiều năm sau đó, cụ Sự đã được mời xuống thăm Hà Nội với tư cách là một cán bộ lão thành cách mạng...

Những kỷ niệm về Bác cứ dồn về trong tâm trí mỗi người. Căn nhà sàn trở nên ấm cúng lạ. Bếp lửa rực lên soi tỏ bức chân dung Bác treo trang trọng trên tường và những nét xúc động như khắc trên gương mặt mọi người. Bà Hoàng Thị Mai chỉ tay vào giữa sàn nứa thênh thang: “Khi trước, Bác thường ngồi làm việc ở gian này”. Bên ngoài cửa, cách gốc đa Tân Trào mấy trăm mét, công trường xây dựng, tu bổ di tích cách mạng Tân Trào đang gấp rút triển khai.

Minh Tuấn

Một số sự kiện quan trọng trong 3 tháng Bác Hồ ở tại Tân Trào (từ 21/5 đến 22/8/1945)

Ngày 4/6: Theo Chỉ thị của đồng chí Nguyễn ái Quốc, Hội nghị Tổng bộ Việt Minh tại lán Nà Lừa quyết định chính thức thành lập khu giải phóng Việt Bắc (gồm 6 tỉnh Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái), bản Kim Long, xã Tân Trào được coi là “Thủ đô lâm thời khu giải phóng”.

Ngày 13-15/8/1945: Tại lán Nà Lừa diễn ra Hội nghị cán bộ toàn quốc của TW Đảng, Hội nghị đã quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong toàn quốc. ủy ban khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1 (Lệnh Tổng khởi nghĩa) và nó được phát đi từ Tân Trào lúc 11 giờ đêm 13/8/1945.

Ngày 16-17/8/1945: Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào với sự tham dự của hơn 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam, đại diện cho nhiều đảng phái, đoàn thể, các giới... Đ ại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và thông qua 10 chính sách của Việt Minh; và bầu ra ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, cùng với việc quy định quốc kỳ, quốc ca.

MỚI - NÓNG