Nhọc nhằn nghề điều dưỡng

Nhọc nhằn nghề điều dưỡng
TP - Điều dưỡng viên Việt Nam làm việc gấp đôi điều dưỡng các nước trong khu vực, nhưng họ nhận mức lương không đủ nuôi sống bản thân.

Việc nhiều, lương thấp

Dậy lúc 5 giờ sáng, đón 3 lượt xe buýt, điều dưỡng viên Trần Ngọc Anh ở huyện Củ Chi, TPHCM mới đến được nơi làm việc là khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương. Ngoài mỗi tuần phải thức trắng trực ở khoa 2 đêm, còn lại gần như ngày nào chị Anh cũng trải qua hành trình như vậy để đến nơi làm việc.

7 giờ sáng, chị cùng những điều dưỡng viên khác đến các giường bệnh thăm hỏi, thay băng, truyền dịch… cho bệnh nhân. Ở khoa Ngoại Thần kinh luôn thường trực gần 100 bệnh nhân chấn thương đầu, cột sống, điều trị hậu phẫu sau tai nạn, u não… Vì vậy, hơn 10 điều dưỡng viên ở đây gần như phải làm việc hết công suất, không kể ngày đêm.

“Những đêm trực gần như tụi em thức suốt bởi hết bệnh nhân này kêu, lại đến bệnh nhân khác gọi thay băng, truyền dịch. Có bệnh nhân bị chấn thương sọ não, lên cơn quậy suốt đêm”, điều dưỡng viên tên Thúy tâm sự.

Chuyện trắng đêm không có gì lạ đối với chị Nguyễn Thị Tuyết ở Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy. Chị Tuyết cho biết, các anh chị ở đây đều chạy như con thoi cả ngày lẫn đêm.

“Ở khoa này gần như giờ nào cũng có vài ca vào cấp cứu, không bị bệnh tật thì lại tai nạn giao thông, đâm chém nên điều dưỡng không ngơi nghỉ tay”, chị Tuyết nói.

Ngoài thay băng, truyền dịch, cho thuốc, chuẩn bị đưa đi mổ gấp…, điều dưỡng viên ở khoa phẫu thuật có khi chôn chân trong phòng mổ 3-5 tiếng để theo bác sĩ hết ca mổ. Ca mổ cho một trường hợp u não phức tạp kéo dài từ 10 giờ sáng đến hơn 2 giờ chiều, nên điều dưỡng viên Hà Hoa ở Khoa Phẫu thuật BV Nhân dân 115 chưa được ăn. “Chuyện chịu đói ở Khoa Phẫu thuật là thường ngày”, chị Hà Hoa kể.

Nam điều dưỡng viên Nguyễn Văn Đức ở Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TPHCM cho biết, có những ca trực tại phòng cấp cứu hoặc phòng mổ, điều dưỡng viên phải thức và cấp cứu bệnh nhân suốt đêm. Vì vậy, đến hết ca trực thì mắt mờ, tay mỏi, chân run.

Hỏi về lương, anh Đức nói: “Lương của em chỉ đủ sống tằn tiện”. Phải thuê nhà trọ với mức thuê gần 1 triệu đồng/tháng, tiền ăn và các chi phí khác nên mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng của các điều dưỡng viên như anh Đức không thấm vào đâu so với giá cả phi mã như hiện nay.

“Những đêm trực ở khoa, tụi em tranh thủ mua đồ nấu ăn cho đỡ chi phí”, điều dưỡng viên Hà ở BV Nguyễn Trãi kể. Có những điều dưỡng viên trung cấp mới ra trường lương chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng, không có khoản gì khác ngoài lương. Đó cũng là lý do tại các bệnh viện hiện nay, điều dưỡng vẫn xin nghỉ việc đều đều. Lãnh đạo BV Sức khỏe Tâm thần TPHCM cho biết, với mức lương khoảng 1,6 - 2 triệu/tháng, bệnh viện khó giữ được người.

Một gánh hơn 85

Nghề điều dưỡng đòi hỏi nhiều kỹ năng, từ giao tiếp, theo dõi diễn biến bệnh, đến thực hiện, báo cáo y lệnh… nhưng lương thấp khiến ít người theo nghề. Điều tra của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, hiện nay tại Việt Nam mỗi điều dưỡng viên phải chăm sóc 6-23 bệnh nhân.

Theo bà Nguyễn Bích Lưu, Trưởng phòng Điều dưỡng, tiết chế thuộc Cục Quản lý Khám chữa bệnh, khảo sát mới đây ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy, trung bình một điều dưỡng viên phải chăm sóc trực tiếp 6,5 người bệnh vào ban ngày, 23 người bệnh vào ban đêm.

Kết quả khảo sát ở BV Mắt Trung ương cho thấy, một điều dưỡng viên phải gánh 85,5 bệnh nhân, kế đến là BV Nội tiết với 77 người bệnh. Ở BV K Hà Nội, một điều dưỡng viên chăm 54 người bệnh, ở BV Ung bướu TPHCM một người phải quàng tới 60 bệnh nhân.

Theo điều tra ở các nước trong khu vực, cứ một bác sĩ thì có 3 điều dưỡng viên, nhưng ở Việt Nam, một bác sĩ chỉ có 1,65 điều dưỡng viên. Cả nước hiện có 70.000 điều dưỡng viên. Theo các bác sĩ, tình trạng thiếu điều dưỡng viên rất dễ gây mất an toàn cho người bệnh nếu xảy ra sự cố.

Bà Hà Thị Mào, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Bạc Liêu cho rằng, người bệnh khi vào nằm viện được bác sĩ khám bệnh và kê đơn điều trị, thời gian tiếp xúc của bác sĩ đối với người bệnh không nhiều, hầu hết thời gian còn lại điều dưỡng viên là người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc và phục vụ người bệnh. Vậy mà ngoài việc lương thấp, cơ hội học tập của điều dưỡng viên cũng mù mịt.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, điều dưỡng viên đóng góp 70% quá trình điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, những đóng góp của họ chưa được coi trọng. Đó là chưa kể người bệnh cứ chăm chăm cảm ơn bác sĩ, còn điều dưỡng viên đôi khi bị họ chửi mắng, nạt nộ…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG