Nhói lòng nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Một bà mẹ lấy chồng từ lúc 15 tuổi, bên đứa con gái mới sinh.
Một bà mẹ lấy chồng từ lúc 15 tuổi, bên đứa con gái mới sinh.
TP - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là thực trạng vẫn xảy ra lâu nay trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu của tỉnh Gia Lai, gây suy giảm chất lượng giống nòi, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đak Pling là xã khó khăn nhất của huyện Kông Chro với gần 350 hộ dân, chủ yếu là người Bahnar. Nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, phổ biến hơn cả là nạn tảo hôn.

Chỉ tính trong 2 năm trở lại đây, toàn xã đã có 30 trường hợp tảo hôn. Sơn nữ Đinh Huy lấy chồng khi mới 15 tuổi, đến 17 tuổi thì có con. Vợ chồng Huy xoay xở khó khăn vì cả hai đều không nghề nghiệp, chỉ có vài sào đất rẫy trồng lúa, mỳ. Huy tâm sự: Thấy gia đình nghèo quá nên em nghỉ học, lấy chồng tưởng sẽ đỡ đần cha mẹ, không ngờ tình hình càng tệ.

Siu Nhóe (sinh năm 1994, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) lấy chồng là Rah Mah Oang năm 2011. Oang thường ngày gọi mẹ Nhóe là cô ruột, giờ thì là mẹ vợ. Khi hỏi hai người có biết là họ hàng của nhau không, Nhóe trả lời: “Biết, nhưng lỡ thương nhau rồi, với lại hai bên khác họ, chắc không sao đâu”. Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Hơn 5 năm chung sống, đã mấy lần mang thai nhưng đôi vợ chồng nghèo này chỉ sinh được một cậu con trai còi cọc, đau ốm thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Long, cán bộ Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Gia Lai, đa số các trường hợp tảo hôn đều nghỉ học sớm, nhận thức về hôn nhân, gia đình còn rất hạn chế, chưa có nhiều kiến thức làm cha làm mẹ. Hậu quả là những đôi vợ chồng này đều khó khăn về kinh tế, con cái sinh ra dễ mắc bệnh tật, để lại gánh nặng, hệ lụy cho gia đình, xã hội.

Từ năm 2010 đến 2015, Chi cục khảo sát những cặp vợ chồng kết hôn cận huyết và tảo hôn thì thấy nhiều đứa trẻ sinh ra còi cọc, bại não, chết đột ngột. Cán bộ dân số các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi phong tục-tập quán, đồng thời lồng ghép tuyên truyền luật Hôn nhân-gia đình đến người dân nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Ngoài ra, nhiều người vẫn coi việc này là trách nhiệm của ngành chuyên môn, chưa có sự phối hợp giữa các ban, ngành khác cũng như chính quyền địa phương...

Hiện, Gia Lai có 7 huyện thí điểm thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” của Chính phủ. “Mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật; chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của người đồng bào dân tộc thiểu số; giảm số cặp tảo hôn bình quân xuống 2%-3%/năm và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết. Đến năm 2025, sẽ ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng này”, bà Trần Thị Lý, phó Trưởng ban Dân tộc Gia Lai cho biết.

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp Gia Lai, từ năm 2010 đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh có 4.406 cặp tảo hôn; 360 cặp kết hôn cận huyết thống. Huyện Krông Pa là địa phương có tình trạng hôn nhân cận huyết cao nhất tỉnh, với 275 cặp; đứng đầu tình trạng tảo hôn là huyện Mang Yang với 986 cặp. Tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa mà ngay tại các khu vực trung tâm như TP. Pleiku cũng có 526 cặp, trong đó có tới 133 cặp người Kinh. 

MỚI - NÓNG