Xe Container - hung thần xa lộ, vì đâu? - Bài cuối:

Nhốt xe, đóng cửa doanh nghiệp vi phạm

Hung thần xe container đang là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông. Ảnh: Anh Trọng.
Hung thần xe container đang là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Trước thực trạng nhiều lái xe đầu kéo container dùng bằng giả, doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn “khoán” xe cho tài xế, Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý vẫn chưa nghiêm. Còn Tổng cục Đường bộ cho biết, Bộ GTVT vừa có quy định tăng mức xử phạt bằng hình thức nhốt xe, đóng cửa DN.

Mãi lộ làm hỏng lái xe

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, quy định về hoạt động và kinh doanh vận tải xe đầu kéo container của Chính phủ (Nghị định 86) và Bộ GTVT (Thông tư 63) khá đầy đủ và rõ ràng. Trong đó có nội dung, từ năm 2014 tất cả các DN kinh doanh loại hình này phải được cấp phép, lái xe phải có bằng FC và DN phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS) để giám sát, theo dõi quá trình hoạt động của xe…

 Nhưng thực tế, số lái xe và DN chấp hành quy định này còn ít. Nhiều xe đầu kéo container vẫn chạy dạng tư nhân, HTX và tự quản lý, giám sát. Riêng tài xế có bằng lái xe hạng FC rất ít. “Sở dĩ có chuyện này vì để có bằng FC, ngoài kinh nghiệm lâu năm lái xe còn phải trải qua quá trình thực hành, sát hạch rất nghiêm ngặt. Cùng với đó, quy định xe tải phải chở đúng trọng tải của Bộ GTVT được siết chặt, DN phải đầu tư thêm phương tiện để vận chuyển, dẫn đến thiếu lái xe có bằng FC”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, khi được tuyển vào DN, mặc dù có bằng, chứng chỉ nhưng lái xe đầu kéo vẫn phải được DN kiểm tra, sát hạch lại trình độ và đào tạo các kỹ năng khi hoạt động trên đường, nhưng việc này không được nhiều DN thực hiện.

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam, hạ tầng đường sá hiện nay đã tốt, phương tiện đã hiện đại, nhưng môi trường hoạt động lại rất đáng lo ngại. Trên suốt dọc hành trình và từ ngày này đến ngày khác lái xe đang phải đối diện với môi trường phức tạp với rất nhiều áp lực, như thời gian giao nhận hàng, áp lực doanh thu, áp lực về những khoản mãi lộ... Điều này góp phần làm hỏng các lái xe. Với những tài xế có lương tâm, đối diện trước môi trường như thế họ cảm thấy rất cô đơn và cảm thấy bị xã hội cô lập.

Theo ông Thanh, để có môi trường hoạt động vận tải đường dài lành mạnh, đầu tiên DN vận tải phải thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước. Với các cơ quan quản lý trên đường như CSGT, Thanh tra giao thông phải nghiêm minh. “Lái xe hiện nay ra đường điều đầu tiên họ sợ nhất là CSGT nhăm nhăm xử phạt. Tệ nạn mãi lộ trên đường vẫn phổ biến. Nói ra các anh bên ngành Công an phủ nhận, nhưng cứ cho thăm dò dư luận sẽ biết điều này”, ông Thanh nói.

Đóng cửa DN xe hung thần

Từ tháng 7/2014, tất cả xe khách và xe đầu kéo container đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS). Sau đó, toàn bộ thông tin, dữ liệu về xe, như: lộ trình, tuyến đi, đặc biệt là thông tin về tài xế trong đó có thời gian chạy xe… được kết nối với các cơ quan quản lý.  Có 3 cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của xe và tài xế thông qua GPS gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT và DN vận tải. Tuy nhiên hầu hết các vụ tai nạn vừa qua nguyên do xe vượt tốc độ, sai lộ trình chỉ biết được khi cơ quan điều tra “bổ hộp đen” - thiết bị GPS được gắn trực tiếp trên xe.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trong 3 cơ quan được theo dõi GPS của xe hoạt động trên đường, DN chủ quản đóng vai trò quan trọng nhất. Theo quy định, khi đã cho xe ra đường, DN phải duy trì một tổ An toàn giao thông ít nhất 3 người để theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động của xe thông qua GPS 24/24h. Khi nào thấy xe vượt tốc độ, chạy sai luồng tuyến phải có cảnh báo, nhắc nhở lái xe. Còn trường hợp có xe vi phạm mà DN chủ quản không phát hiện được, thông tin sẽ được lưu tại kho dữ liệu của Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ. Đến kỳ chiết xuất, lực lượng phụ trách sẽ lấy ra để xử lý theo quy định. Hiện Tổng cục đã phân cấp cho các Sở GTVT theo dõi, xử lý xe vi phạm qua GPS trên địa bàn của mình.

Theo ông Huyện, để siết chặt và hạn chế tai nạn từ xe khách và xe đầu kéo container, Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 10 quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng ô tô. Với lỗi không có bộ phận theo dõi GPS; lái xe sử dụng bằng không đúng chủng loại phương tiện được điều khiển, bằng giả; không tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lái xe… Thông tư 10 (có hiệu lực từ ngày 1/6) đã nâng mức xử phạt các lỗi này bằng việc rút giấy phép hoạt động của DN 3 tháng. “Với DN có từ 50 đến 100 xe đầu kéo container với hàng trăm lái xe, nhân viên mà bị đóng cửa 3 tháng thì coi như phá sản”, ông Huyện cảnh báo.

Xe container liên tiếp gây tai nạn

Trong khi vụ tai nạn xe container nghiền nát ô tô con khiến 5 người mất mạng tại TPHCM ngày 31/5, chưa giải quyết xong, cuối tuần qua, ngày 6/6, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn có liên quan đến xe container, làm 1 người chết, 2 người bị thương. Cụ thể, xe container (BKS: 51C - 108.76) mất lái, va chạm với một xe ben đi hướng ngược lại, hậu quả làm một người đi xe máy trên đường bị thương. Cùng ngày, một chiếc xe kéo container đã va chạm với xe máy chở theo 2 người, hậu quả làm một người đi trên xe máy bị chết, người còn lại bị thương nặng. Trước đó, chiều 5/6, trên địa bàn quận 12, TPHCM đã xảy ra một vụ tai nạn liên hoàn giữa xe đầu kéo chở container với xe tải chở xi măng khiến ách tắc giao thông nhiều giờ.              

 Anh Trọng

Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp?

Trao đổi với Tiền Phong về những “hung thần xa lộ”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nói: “Trước tiên, đấy là trách nhiệm của các DN phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Nếu đơn vị nào đồng tình hoặc quản lý lỏng lẻo để lái xe dùng giấy phép lái xe giả hay giấy phép lái xe hạng C… đó là những hành vi sai quy định và phải chịu trách nhiệm”.

Theo ông Quyền, phương pháp để kiểm tra giấy phép lái xe thật hay giả rất đơn giản, chỉ cần nhắn tin điện thoại số bằng lái tới cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe (số máy 0936499912), hệ thống sẽ tự động báo lại thông tin về bằng lái. Nếu số giấy phép lái xe không có thông tin phản hồi lại, đó là giấy phép lái xe giả.

        Lê Hữu Việt

MỚI - NÓNG