Như chưa từng có COVID

Không khí chợ Phiên làng Chài Tân Thành tấp nập như chưa từng có COVID
Không khí chợ Phiên làng Chài Tân Thành tấp nập như chưa từng có COVID
TP - Giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát lần 2, du khách lưu trú rầm rập rút chạy, Lê Quốc Việt cùng hàng xóm doanh nghiệp lên ý tưởng mở chợ Phiên làng Chài Tân Thành (Hội An). Giáng sinh này khách đổ về làng chài đón năm mới như chưa từng có COVID. Với Quốc Việt đây là lần thứ ba trong sự nghiệp làm du lịch anh bước qua khủng hoảng mà không “chết lâm sàng”.

Khoảng 5 năm gần đây, làng chài Tân Thành (phố Nguyễn Phan Vinh, cách phố cổ 5 km) nổi lên trong cộng đồng du khách Tây đến Hội An như một điểm đến xinh đẹp, yên tĩnh mà không buồn vì nó thuộc con đường nối dài từ bãi biển An Bàng vốn đã có thương hiệu. Trong đoạn phố 300 mét, một số doanh nghiệp nhỏ từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào mua, thuê đất xây cơ sở lưu trú thiết kế đẹp mắt. Người dân làng chài kết hợp cùng hàng xóm phương xa mở homestay,  hàng quán với giá cả vừa tầm khách viên chức Tây và ta. Cộng với bãi biển đẹp, Tân Thành như một “bí mật vừa khai phá” với mỗi du khách .

Dám nghĩ, dám làm

Như chưa từng có COVID ảnh 1 Hàng nội thất bán cùng dưa cà mắm muối

Vào đầu tháng 9, đúng lúc du lịch biển bị bỏ rơi hiu hắt, Quốc Việt cùng nhóm 10 doanh nhân có cơ sở lưu trú ở Tân Thành bàn cách tự đóng góp quĩ mở Chợ phiên cuối tuần để các doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn và kích hoạt bầu không khí. Mỗi thành viên sáng lập này cũng được giao đảm trách một tiểu ban mà mình có thế mạnh trong các hoạt động của chợ. Ý tưởng được Hiệp Hội Du lịch (HHDL) Quảng Nam và các cấp chính quyền thành phố ủng hộ nhiệt liệt. Các quầy trong chợ ưu tiên chỗ bán hàng cho bà con làng chài bán sản phẩm tự trồng, tự nuôi, tự đánh bắt, các doanh nghiệp trong làng bán thanh lý nội thất, đồ cũ giá rẻ.

Thấy không khí mua bán tấp nập quá, HHDL nhờ Chợ Phiên hỗ trợ chỗ ngồi 100 doanh nghiệp từ phố cổ Hội An vào thanh lý hàng tồn. Chợ phiên họp được 3 kỳ thì mùa bão lũ ập đến. Sau một tháng rưỡi chống chọi với thiên tai, ban tổ chức Chợ Phiên lúc này trở thành tình nguyện trong đội “phản ứng nhanh” đối phó bão  lũ. Trưởng chợ Quốc Việt kể dân phố ở đây “đa miền và đa sắc tộc”, gồm người gốc địa phương, người Hà Nội, người TP Hồ Chí Minh, người nước ngoài ngụ cư làm du lịch. Họp dân phố phải dùng song ngữ Anh -Việt”. Giữa những cơn bão, bà con khối phố cả tây cả ta chung tay làm bao cát kè bờ chống sạt lở, thu dọn rác.

Trước mùa Giáng Sinh, ban tổ chức lên kịch bản cho Siêu Chợ Phiên 9 ngày từ 25/12/2020 đến 2/1/2021. Sáng 25/12 các nghệ sỹ của nhà hát Ký Ức Hội An đã diễn mở màn (hoàn toàn miễn phí) khai mạc sự kiện. Khách Tây, ta nườm nượp dạo chợ, ngồi quán thưởng thức món ngon và đàn hát. Có người ngày nào cũng lượn một vòng mua sắm và hài lòng với những mặt hàng độc lạ. Đưa điện thoại lên chụp bất cứ góc nào cũng chộp được những khuôn mặt hớn hở. Khách cà phê thứ bảy phố cổ Hội An cũng chuyển ra Tân Thành tận hưởng không khí náo nhiệt đã khá lâu biến mất ở Hội An. Khách Việt từ Hà Nội , từ  Đà Nẵng hào hứng với các món thời trang thêu tay có giá chỉ bằng một nửa. Người làng chài mang vài lọ mắm,  mấy nắm rau xanh , có khi là một mớ ghẹ ra bán cùng dãy với áo dài, ga gối thổ cẩm, đèn chụp…

Khách Tây gặp trưởng chợ Quốc Việt bày tỏ: “Tôi thích làng chài của ông và cả chợ phiên này quá! Ở đây yên tĩnh mà không buồn”. Không cư dân Tân Thành nào dám hình dung, mùa Tết Dương lịch này có được gần 70% lượng khách Tây lưu trú so với năm ngoái. Cả khách lẫn chủ trong phố gặp nhau lúc dạo chợ thay vào câu chào họ nói “Như chưa từng có Covid!”.

“Thật nể phục các bạn, với tính sáng tạo, đoàn kết, trong thời gian ngắn, các bạn đã huy động được rất nhiều nguồn lực tham gia chợ”, ông Võ Phùng, phó chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Quảng Nam bày tỏ.

Lực hấp dẫn của tính cách Hội An

Hồi năm 2014, sau khi Quốc Việt hoàn thành một dự án tại biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) về Hà Nội, chiếc xe máy SH của anh gửi theo tàu hỏa vừa ra đến Hà Nội bị trộm lấy mất do “thói quen không khóa càng như khi ở Đà Nẵng”. Bực bội, ngán ngẩm Việt theo một người bạn quay lại Đà Nẵng tìm đất xây nhà làm du lịch, nhưng nhích vào Hội An vì “đất ở đây rẻ hơn”. Sống ở đây được 6 năm, khám phá “tính cách Hội An” mỗi ngày vẫn là hành trình thú vị đối với một người có tuổi nghề làm du lịch đã 30 năm như Việt.

Tôi mong muốn đóng góp những kinh nghiệm của mình không chỉ cho Hội An mà cả Quảng Nam “vùng đất có tính cách cư dân khiến tôi hâm mộ”, Lê Quốc Việt

Có lần nhìn thấy mấy cây cau trên thửa đất ngang đường, Việt ghé vào hỏi mua. Ông lão chủ nhà bảo “ con cứ đánh về mà dùng, không phải trả tiền vì nếu không ông cũng phải mất công đánh nó đi”. Đã tặng cây cau, ông lại cho thêm một mớ tôm vừa đánh ban sáng. Nhiều người dân trong làng chài còn nghèo,  ở nhà lợp lá dừa nhưng họ không bao giờ khó chịu, thậm chí vui vẻ trò chuyện  với “người nhập cư” đến xây villa khách sạn.

Người nhập cư ở lâu cũng bị “Hội An hóa”, Việt dí dỏm đúc kết: “Phản xạ đi xe máy của cư dân cực tệ và sốt ruột. Ở cả tháng mà không gặp cảnh sát giao thông nào, chả có cơ hội để nâng cao trình độ luật giao thông đường bộ. Phố đã nhỏ lại toàn cây, tốc độ 40 đã thấy vun vút. Gặp đèn xanh còn vài ba giây, họ đã dừng hết cả lại, nên có ai muốn vượt đèn vàng cũng chả được”.

“Ở lâu thính lực giảm vì mấy em gái Hội An nói chuyện cứ thì thà thì thầm, không oang oang và rõ ràng như ở Hà Nội. Thành phố thì lúc nào cũng im ắng như ngái ngủ”. “Ở Hội An, mọi thứ cứ chầm chậm. Người Hội An không cần kiếm tiền bằng mọi giá, cuối tuần cà phê, cà pháo mệt nghỉ”…Trên trang cá nhân Việt hào hứng kể về hàng xóm như một fan cuồng của Hội An.

Sau nhiều năm, từng làm giám đốc nhân sự, quản lý nhiều khách sạn , khu nghỉ dưỡng có thương hiệu, ở tuổi ngoài 40 Lê Quốc Việt chọn dừng chân ở làng chài du lịch Tân Thành với một khách sạn nhỏ của riêng mình và công ty cung cấp việc làm cho nghề khách sạn, du lịch.

Tốt nghiệp đại học năm 1992, không xin được việc làm Việt xin làm bảo vệ trong một khách sạn 2 sao. Có “tố chất” nên được tuyển lên làm buồng phòng, trở thành giám đốc buồng phòng năm 23 tuổi. Doanh nghiệp của Việt vẫn trụ lại với khoản thu tạm đủ mà không “chết” sau hai lần khủng hoảng du lịch do ảnh hưởng kinh tế thế giới lao dốc (2008 và 2012) và sau cả 2020 tê liệt.

MỚI - NÓNG