Như được sinh ra lần hai

Mẹ con ngày đoàn tụ Ảnh:Minh Đức
Mẹ con ngày đoàn tụ Ảnh:Minh Đức
TP - Đúng 3 giờ 10 phút hôm qua, chuyến bay ký hiệu QR614 của Hãng hàng không Qatar đáp xuống sân bay Nội Bài, mang theo 12 thuyền viên Việt Nam vừa thoát khỏi tay cướp biển Somalia sau gần 2 năm bị bắt giữ.

> Thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt về đến Hà Nội

Mẹ con ngày đoàn tụ Ảnh:Minh Đức
Mẹ con ngày đoàn tụ.  Ảnh:Minh Đức.

Nước mắt ngày về

Khi 12 thuyền viên bước ra khỏi sảnh sân bay Nội Bài, mọi người ùa vào ôm chầm lấy nhau. Tiếng khóc vang cả nhà ga T1. Ngày 24-7 là ngày hạnh phúc của các gia đình thuyền viên vì con trai họ như được sinh ra lần hai.

Vừa thấy con trai (Trần Văn Hùng, SN 12-2-1987, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) xuất hiện, ông Trần Văn Vinh cùng em trai ông là Trần Văn Quang xô đám đông lao tới. Cả ba người ôm nhau khóc nức nở. Tay ông Vinh giữ chặt con trai.

Nước mắt giàn giụa, Hùng cũng không nói thành lời. “Sao con lại đen đúa như ri, con có bị chúng nó đánh đập ở đâu không?”- ông Vinh khóc. Trần Văn Toàn (SN 12-12-1991, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) lao đến ôm mẹ và cô em gái 7 tuổi.

Cả ba khóc nức nở. “Có đau ở mô không con? Nghe nói con bị đánh gãy tay phải không?” - bà Hoàng Thị Thu cầm lấy tay con trai lắc lắc. Cô em gái Trần Thị Mỹ Tâm người nhỏ thó, níu lấy chân anh mà trên tay vẫn còn nguyên bó hoa chưa kịp tặng.

Bị bắt

Trên chuyến xe từ Nội Bài về trụ sở Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ - Inmasco (thuộc Tổng Cty Cienco 1), Toàn kể: “Cướp biển Somalia nổ súng cướp tàu vào đúng đêm Noel (ngày 24-12-2010). Bọn em đang ngủ thì nghe tiếng súng nổ và tiếng la lớn của thuyền trưởng. Tỉnh dậy chạy lên khoang, đã thấy khoảng 20 tên cướp tay đang lăm lăm súng AK và súng máy dí vào đầu thuyền trưởng (lúc này đã bị trói cụp hai tay và hai chân). Sau đó, chúng lục soát tàu, rồi trói tay tất cả mọi người”.

Theo Toàn, khi bị bắt, ngoài 12 thuyền viên Việt Nam, trên tàu Shiuh Fu-1 còn có 12 thuyền viên Trung Quốc và một người Đài Loan là thuyền trưởng (khoảng 60 tuổi).

Thuyền viên Nguyễn Văn Hải (SN 1992, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) do Công ty Servico Hà Nội đưa đi kể, sau khi cướp tàu, hải tặc khống chế tất cả mọi người, bắt ép ngụy trang làm tàu đánh cá để tiếp tục đi cướp các tàu khác.

“15 ngày tiếp theo, bọn em bị chúng đưa cùng đi khắp nơi trên biển để tìm, nhưng không cướp được tàu nào. Khi gặp một tàu bị chết máy, chúng nổ súng rồi áp tải 6 người lên tàu Shiuh Fu-1”- Hải nhớ lại.

Theo Hải, khi ở trên tàu, cướp biển thích đánh ai thì đánh. Mỗi ngày, chúng cho ăn hai bát cơm được nấu từ gạo mốc. Nước ít được uống nên các thuyền viên ai cũng gầy rộc, teo tóp.

“Bọn em bị nhốt trong một phòng to. Chỉ được nhìn ra ngoài qua cửa sổ. Suốt 7-8 tháng lênh đênh, chúng không cướp thêm được thêm tàu nào”- Hải cho biết.

Sau đó, tàu Shiuh Fu-1 được đưa vào vùng biển do hải tặc Somalia quản lý. Tại đây, hải tặc bắt các thuyền viên tháo dỡ hết máy móc và các phương tiện kỹ thuật trên tàu Shiuh Fu-1 để mang vào bờ. Sau khoảng 2 tháng tháo dỡ, tàu Shiuh Fu-1 chỉ còn trơ lại xác.

“Tại vùng biển của hải tặc, có hàng trăm chiếc tàu bị bắt giữ. Trong đó có tàu đánh cá, tàu hàng và nhiều loại tàu to, nhỏ khác. Bốn chung quanh, hải tặc cho canh gác cẩn thận nên cả một vùng biển rộng mênh mông nhưng không ai có thể thoát ra ngoài được” - Hải nói.

Hải cho biết thêm, để gây sức ép với chủ tàu nhằm lấy tiền chuộc, hải tặc Somalia cho trói tay chân thuyền trưởng và máy trưởng. Vì nghi ngờ máy trưởng xả dầu để tàu bị mắc cạn, chúng đánh đập dã man. Chúng cho treo chân hai người lên trên và đầu dốc xuống dưới.

“Vì chịu không được nên thuyền trưởng đã tự đập đầu xuống nền tàu để tự sát, máu chảy xối xả, ướt cả khuôn mặt. Biết rõ ý định tự sát của thuyền trưởng và sợ không nhận được tiền chuộc nên chúng mới tạm tha không đánh đập nữa” - Hải cho biết.

Đói, khát trên hoang mạc

Thuyền viên Lưu Đình Sơn gọi điện cho cha: “Hãy dỡ bàn thờ xuống đi, con sống rồi” Ảnh: Phong Cầm
Thuyền viên Lưu Đình Sơn gọi điện cho cha: “Hãy dỡ bàn thờ xuống đi, con sống rồi”.  Ảnh: Phong Cầm.
 

Lưu Đình Sơn (SN 2-7-1991, quê Thạch Ngân, Con Cuông, Nghệ An) được cho là bị cướp biển sát hại nên ở nhà suốt gần 2 năm qua, bố Sơn đã lập bàn thờ để thờ con.

Sơn cho biết, ở trên biển khổ sở nhưng không thể bằng trên hoang mạc. Sau khi tàu bị mắc cạn, hết dầu và mọi máy móc được tháo dỡ, tất cả các thuyền viên bị cướp biển đưa đến một hoang mạc.

“Chúng giữ bọn em dưới một gốc cây to. Xung quanh chúng đào hào và chặt cây rào chắn giống y như một cái chuồng dê. Lúc nào cũng có khoảng 30 người da đen gồm già trẻ, gái, trai vác súng máy đứng canh”- Sơn kể.

Để gây sức ép, vào một đêm tối trời, hải tặc bắt Sơn đi và nói với các thuyền viên là đưa Sơn đi “xử tử”.

Chúng nhốt Sơn tại một căn nhà hoang. Mọi người ở lại cứ tưởng Sơn đã chết, khi được chúng cho gọi điện về nhà đã thông báo rằng “nếu sau một tuần nữa mà không nộp tiền chúng sẽ lần lượt giết hết các thuyền viên”.

Ba ngày sau, Sơn được đưa trở lại cùng với mấy người Trung Quốc. “Mỗi ngày bọn em phải tự nấu ăn nhưng chỉ chia được cho nhau mỗi người lưng bát vào buổi sáng và lưng bát vào buổi chiều. Vì đói và khát nên nhiều người đi trộm nước để uống thì bị chúng đánh đập dã man, thậm chí bị trói xốc ngược lên cây” - Sơn kể.

Sơn vẫn không quên khi bị nhốt dưới gốc cây ở hoang mạc, thuyền viên Nguyễn Văn Tâm (SN 12-9-1990, quê Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không may bị kiến cắn, tay sưng vù, mưng mủ.

Vì không có thuốc tây để chữa trị nên tay Tâm bị nhiễm trùng. “Khi nặn máu mủ từ tay Tâm ra, bọn em lấy được một con dòi to, dài và vẫn đang ngoe nguẩy”- Sơn nhớ lại.

Đường ra tàu chiến

Trong vòng tay người thân Ảnh: Minh Đức
Trong vòng tay người thân.  Ảnh: Minh Đức.
 

Khoảng gần 9 tháng sống trên hoang mạc, nhiều thuyền viên đã bàn với nhau để lên kế hoạch bỏ trốn.

“Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, khi đến hoang mạc, đi hàng tháng trời mà không thấy nổi một ngôi nhà hay ngọn cỏ nên ý định bỏ trốn tiêu tan” - Lưu Đình Sơn cho biết.

 “Em sẽ tự mua vé xe để về nhà. Khi xuống sân bay, em đã mượn máy, điện về cho cha. Em bảo với cha rằng hãy bỏ ảnh con trên bàn thờ xuống đi vì con đã sống rồi”  

Theo Sơn, dù bỏ trốn được khỏi hải tặc Somalia thì mọi người cũng sẽ bỏ xác trên hoang mạc vì đói và khát. Hơn nữa, khi đến vùng đất của hải tặc, đâu cũng thấy người cầm súng. Thậm chí đứa trẻ bảy, tám tuổi đã biết cầm súng để thay bố mẹ canh chừng con tin.

Giữa lúc mọi người đang tuyệt vọng, đói, khát, ai cũng bị lăng ben ăn khắp người vì không có nước tắm suốt nhiều tháng trời và bị giảm từ 10-15kg thì thuyền trưởng thông báo cướp biển sẽ thả người. Anh em mừng thầm nhưng không biết ngày mai sẽ ra sao.

Chúng cho mọi người đi liền nhiều ngày trời. Khi cách bờ biển khoảng 2km, hải tặc bỏ mặc các thuyền viên vì sợ tàu chiến tấn công. Các thuyền viên reo to, chạy ào về phía bờ biển.

“Lúc này, có hai chiếc ca nô đã chờ sẵn nhưng vì sóng to quá nên ca nô bị chết máy và bị sóng đẩy dạt vào bờ. Cuối cùng, tàu chiến Trung Quốc phải cho trực thăng vào đón mọi người ra tàu”- Sơn nhớ lại.

Theo Sơn, chiếc tàu chiến dài khoảng 135m, cao 35m và rộng 16m. Khi cứu được tất cả mọi người, trên tàu có khoảng 200 người.

Trong số 12 thuyền viên may mắn thoát khỏi tay cướp biển Somalia, Sơn là người duy nhất không có người thân ra đón vì bố Sơn - ông Lưu Đình Chời đang ốm nặng. Sơn cho biết, có bốn chị và một anh nhưng vì làm ăn xa và nghèo khó nên không ai có điều kiện ra Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.