Những điều cử tri gửi gắm Quốc hội

Những điều cử tri gửi gắm Quốc hội
TPO - Uỷ ban T.Ư TMTQ Việt Nam vừa gửi tới Quốc hội “Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước”. Trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và UBTV Quốc hội đã tập hợp được 1.157 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Lương không theo kịp giá

Theo đó, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn, thách thức của đất nước như: Nguy cơ lạm phát cao trở lại vẫn còn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển bền vững của nền kinh tế; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; vấn đề lao động và việc làm; vấn đề giáo dục, đào tạo, y tế và xã hội; công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và tài nguyên, môi trường; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thiên tai, hạn hán, nước mặn xâm thực, dịch bệnh gia súc xảy ra trên diện rộng gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp tích cực nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nền kinh tế nước ta còn có những diễn biến phức tạp.

Việc kiểm soát giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế; giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, nhất là nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Tiến độ và lộ trình cải cách tiền lương không theo kịp với tốc độ tăng giá trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người về hưu, người hưởng lương từ ngân sách. Nhiều cử tri khối các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh khó khăn trong việc vay vốn của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về vấn đề lao động và việc làm, cử tri cho rằng trong thời gian qua các cơ quan chức năng chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về lao động. Đề nghị cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về lao động, buộc các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các điều khoản trong Bộ Luật lao động về giao kết hợp đồng lao động, đảm bảo chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Cần bảo vệ ngư dân, giữ đất rừng 

Đặc biệt, nhân dân và cử tri nhiều nơi rất bức xúc trước việc ngư dân đánh bắt cá xa bờ trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta bị tàu nước ngoài bắt giữ, xử phạt và thu giữ công cụ đánh bắt đang có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhiều ngư dân.

Nhiều cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh bắt cá, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Cử tri và nhân dân phản ánh việc một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Dương… cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng… để trồng cây công nghiệp, làm sân golf, sòng bạc trong khi người dân ở những nơi đó còn thiếu đất sản xuất và công ăn việc làm.

Cử tri hoan nghênh Chính phủ đã ra quyết định đình chỉ việc này ở các địa phương nói trên, nhưng tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có vi phạm, sớm có các giải pháp khắc phục hậu quả và kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát về vấn đề này.

Quy hoạch Hà Nội là chuyện rất hệ trọng

Ngoài ra, nhiều cử tri và nhân dân rất quan tâm việc cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Đây là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài của đất nước.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các nhà văn hoá, các chuyên gia trong và ngoài nước trước khi phê duyệt đồ án.

Về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, cử tri kiến nghị Quốc hội cần thảo luận, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này...

Nóng chuyện giáo dục, y tế

Đông đảo cử tri cho rằng, chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, số tìm được việc làm thì phải mất thời gian đào tạo lại mới tiếp cận được công việc thực tế.

Tình trạng các cơ quan chức năng cho phép thành lập một số trường đại học, cao đẳng ở các địa phương, trong khi cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy, học tập thiếu thốn, lạc hậu, thiếu đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn... gây bức xúc trong nhân dân.

Ngoài ra, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính bản thân mình của một bộ phận giới trẻ; tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, sử dụng thuốc lắc, ma túy, xem và lưu giữ phim ảnh đồi trụy, hành xử theo kiểu giang hồ, xã hội đen... có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn; tình trạng bạo lực gia đình, nạn bạo hành đối với trẻ em, bạo lực học đường cùng với thái độ thờ ơ của nhiều người... đang là nỗi lo của xã hội.

Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung nghiên cứu để có những giải pháp đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ về cả chất và lượng của ngành giáo dục; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và gia đình để quản lý, giáo dục thanh thiếu niên.

Thời gian qua, tuy Chính phủ đã có nhiều cải cách trong lĩnh vực y tế nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, người có thu nhập thấp chưa được hưởng những dịch vụ y tế có chất lượng tốt. Tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trung ương; vấn đề y đức của người thầy thuốc cũng đang được cử tri và nhân dân quan tâm lo lắng.

Cử tri nhiều nơi phản ánh, Luật Bảo hiểm y tế đã có hiệu lực thi hành nhưng việc thực hiện của các cơ quan chức năng thiếu đồng bộ như việc đổi sổ bảo hiểm tiến hành chậm, việc thực hiện một số quy định về thanh toán bảo hiểm còn khó khăn, phiền phức cho người tham gia bảo hiểm.

Hà Nhân

MỚI - NÓNG