Những ai bị chất vấn tại kỳ họp Quốc hội?

Nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn theo các tiêu chí: Là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm
Nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn theo các tiêu chí: Là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm
TPO - Dự thảo quy định, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước tham dự phiên họp chất vấn để trả lời chất vấn có liên quan của đại biểu Quốc hội.

Dự thảo quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đưa ra quy định thời hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong việc hoàn thành các nguồn thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. Qua đó chậm nhất 5 ngày kể từ ngày khai mạc kỳ họp, Ban Dân nguyện gửi tổng hợp kiến nghị của cử tri, Tổng thư ký Quốc hội hoàn thành việc tổng hợp dư luận xã hội thông qua điểm báo về những vấn đề nổi bật thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp.

Nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn theo các tiêu chí: Là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm; vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật; vấn đề chất vấn đã được người bị chất vấn trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời, được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét cho trả lời tại kỳ họp Quốc hội.

Người bị chất vấn được lựa chọn theo tiêu chí: Vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân đó trả lời chất vấn; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm cá nhân Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng trả lời các chất vấn thuộc trách nhiệm của các Phó Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực phụ trách.

Dự thảo cũng quy định rõ việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn, chậm nhất 12 ngày kể từ ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội dự kiến từ 12 đến 18 nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn, sau đó chọn ra từ 6 đến 9 nhóm vấn đề để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội, lựa chọn từ 5 đến 7 nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn có liên quan.

Căn cứ chương trình kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, lựa chọn từ 4 đến 6 nhóm vấn đề chất vấn theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp và người bị chất vấn có liên quan.

Dự thảo cũng quy định, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước tham dự phiên họp chất vấn để trả lời chất vấn có liên quan của đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định thời gian chất vấn tại kỳ họp hằng năm ít nhất là 3 ngày, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và năm cuối nhiệm kỳ ít nhất là 4 ngày khi Quốc hội quyết định chương trình kỳ họp.

MỚI - NÓNG