Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Những bông hoa duyên dáng, tài năng

Các đại biểu về tham dự đại hội ngày 7/3
Các đại biểu về tham dự đại hội ngày 7/3
TP - Câu chuyện về những phụ nữ vượt khó vươn lên thật cảm động. Họ vừa phải hoàn thành thiên chức người vợ, người mẹ, vừa vượt lên muôn vàn khó khăn để đạt nhiều thành công và đỉnh cao trong sự nghiệp…

“Bông hoa thép”

Tại Đại hội, chị Nguyễn Thị Nhung, huấn luyện viên (HLV) của vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh chia sẻ những khó khăn không nhỏ về thể chất, năng lực làm việc so với các đồng nghiệp nam. Đặc biệt với phụ nữ thì việc thu xếp dành thời gian cho gia đình, con cái là không thể thiếu. Đôi khi những đợt tập huấn và thi đấu liên miên khiến chị rơi vào cảm giác có lỗi với gia đình.

Chị kể, tại Olympic Rio 2016 vừa qua, học trò của chị, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thi đấu rất thành công, lập được kỳ tích tuyệt vời, trở thành vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam đoạt huy chương vàng Olympic. Hoàng Xuân Vinh cũng thiết lập kỷ lục nội dung 10 mét súng ngắn hơi, đoạt Huy chương Bạc nội dung 50 mét súng ngắn nam. Theo chị Nhung, để có được thành quả ấy, hơn 10 năm qua, chị và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã cùng nhau trải qua một quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ và có đôi lúc khá nản lòng.

Nói về biệt danh “bông hoa thép”, chị Nhung thanh minh: “Tôi không sắt thép gì cả. Tôi cũng không phải cố gắng là sắt là thép để thành công. Là phụ nữ, tôi luôn muốn được xinh đẹp, duyên dáng như những bông hoa. Tôi vinh dự đứng đây hôm nay là khẳng định sự duyên dáng của giới nữ. Dù ở lĩnh vực nào, ngành nào nếu ai có đam mê, nhiệt huyết sẽ thành công”.

Tự tin chiếm lĩnh đỉnh cao

Trong khi đó, PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, phụ nữ làm khoa học công nghệ vừa thực hiện nhiệm vụ giống như nam giới là phải có công trình được công bố ở các tạp chí trong và ngoài nước và phát minh, sáng chế phải được áp dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ nữ đồng thời phải nhận trách nhiệm và thực hiện thiên chức của mình đối với gia đình con cái.

“Chúng tôi, các nhà khoa học nữ sẽ đồng hành với đồng nghiệp nam tạo ra chuỗi các công nghệ lõi, áp dụng cùng một lúc các chuỗi công nghệ để đánh giá được chất lượng an toàn thực sự từ khâu nguyên liệu đến từng sản phẩm cuối cùng trong sản xuất các chế phẩm sạch... Điều này không dễ, nhưng với tinh thần dũng cảm, trách nhiệm có dòng máu Việt chảy trong mỗi chúng ta thì nhất định sẽ làm được”, bà Hà cho hay.

Đại biểu Võ Thị Chút (Quảng Nam) chia sẻ kinh nghiệm vượt khó, vươn lên làm giàu của bản thân. Sinh ra và lớn lên ở miền quê sơn cước vùng trung du miền núi phía tây của tỉnh Quảng Nam, vừa học xong lớp 9, chị đã phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp cha mẹ. Lớn lên lập gia đình, chị không biết mình phải làm gì để có cuộc sống sung túc, mãn nguyện như bao gia đình khác. “Tôi cứ suy nghĩ hoài, sao cái nghèo cứ đeo bám mình mãi, không biết đến bao giờ mình có được ngôi nhà xây để ở hay chiếc xe máy để đi, mình phải làm gì thoát nghèo đây”, chị Chút nói.

Năm 2004, chị được tham gia lớp tập huấn Marketing do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Chị tự nhủ mình phải quyết tâm thực hiện với khát khao thay đổi cuộc đời. Khởi đầu sự nghiệp, chị chăn nuôi heo theo mô hình chăn nuôi sạch, nhưng không ai tin chị. “Để có cơ hội chia sẻ và giúp đỡ mọi người, tôi mở quầy bán thức ăn gia súc, hướng dẫn chị em biết cách chăn nuôi, sau đó nhiều người trong xã tìm đến học hỏi. Tiếng lành đồn xa, ngày nào đi làm đồng về cũng có chị em ghé vào tham quan chuồng trại chăn nuôi heo của tôi”, chị Chút chia sẻ.

Tích cóp từ việc chăn nuôi heo với số vốn 50 triệu đồng, chị Chút vay ngân hàng Chính sách xã hội 150 triệu đồng, mượn gia đình, bà con, bạn bè gần 200 triệu đồng để đầu tư sản xuất bột quế. Hiện
nay, cơ sở kinh doanh của chị Chút giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng và 100 lao động nữ lúc nông nhàn…

MỚI - NÓNG